Giải toả ách tắc

Dịch COVID-19 ở các tỉnh phía Nam đang diễn biến “nóng”, thế nhưng có một vấn đề cũng “nóng” không kém: giải toả ách tắc cho hàng hoá, nhất là hàng hoá thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân.

Những ngày này, hầu như người dân nào ở các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ cũng đều lo lắng về việc có mua đủ rau củ, thịt cá… cho bữa ăn hàng ngày của gia đình mình hay không.

Mỗi ngày, những người bạn, những bà nội trợ, sau câu chào hỏi “ổn không” thì tiếp theo sẽ là “có mua được đồ ăn không”. Việc mua được rau củ, quả hay thịt, cá trong thời gian này thật sự là một nỗi lo lớn trong mỗi gia đình. Nhiều người đã phải xếp hàng vài giờ trước siêu thị chờ được vào mua hàng, nhưng đến khi vào được chỉ thấy các quầy kệ trống trơn.

Không chỉ khó mua, nhiều mặt hàng rau củ cũng đã tăng giá lên gấp 2-3 lần, thậm chí lên rất nhiều lần. Chẳng hạn, một kg hành lá đang được một số nơi bán từ 50.000 – 80.000 đồng trong khi trước đây chỉ khoảng 15.000-20.000 đồng/kg; sả hiện có giá hơn 30.000 đồng/kg, trong khi trước đây chỉ 5.000-7.000 đồng/kg; gừng có giá hơn 120.000 đồng/kg, trong khi trước đó chỉ khoảng 30.000 đồng/kg…

Trong khi đó, nhiều nông dân tại các tỉnh Tiền Giang, Long An… lại đang khóc dở vì không tìm được thương lái thu mua rau, quả. Nhiều nông dân tại Gò Công (Tiền Giang) cho biết, hành lá tại vườn có giá chỉ 5.000 đồng/kg, cải xanh đã tới ngày thu hoạch chỉ 2.000 đồng/kg… nhưng không có thương lái nào đến mua. Vùng trồng rau Đà Lạt và các tỉnh miền Đông Nam Bộ cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự khiến nhà vườn phải nhổ bỏ hoặc để “treo” tại vườn chờ hư hỏng.

Theo khảo sát mới đây của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, thành phố hiện thiếu hụt nguồn cung rau củ, quả với sản lượng khoảng 1.000-1.500 tấn và khoảng 300.000-400.000 quả trứng gia cầm mỗi ngày.

Chính vì sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng, mà chủ yếu là điểm nghẽn trong khâu vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương là nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt vấn đề nêu trên.

Theo các thương lái, không phải họ không thu mua, thậm chí rất muốn thu mua để vừa “giải cứu” nông dân, vừa “giải cứu” người tiêu dùng ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, nhưng “lực bất tòng tâm” khi các địa phương chống dịch “triệt để” đến mức không cho xe vào vận chuyển nông sản dù nông dân đã thu hoạch sẵn. Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương đã đưa ra nhiều quy định rất ngặt nghèo như thời gian xe lưu trú trên địa bàn, lái xe và phụ xe, bốc vác phải có giấy xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc khi vào địa bàn phải đổi lái xe của địa phương… đã khiến nhiều lái xe “nản” lòng.

Điểm nghẽn này, nếu không được khơi thông thì khi 19 tỉnh, thành phía Nam đồng loạt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ từ ngày 19/7 sẽ còn nghẽn hơn. Bởi, các tỉnh, thành (và các địa phương trong tỉnh) càng thắt chặt hơn trong việc kiểm soát người dân ra đường và việc vận chuyển hàng hoá của xe liên tỉnh. Chưa kể đến việc nhiều địa phương, nhất là cấp huyện, xã “cứng nhắc” trong việc thực hiện “mệnh lệnh” của cấp trên đã không giải quyết cho việc thu hoạch, vận chuyển nông sản đến nơi tập kết hoặc tiêu thụ của người dân.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, để giải toả điểm nghẽn này, ngành công thương các tỉnh phải ngồi lại với nhau, cùng phối hợp với các sở, ngành liên quan (như giao thông vận tải, công an…) và tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, thành để cùng gỡ vướng. Theo đó, các tỉnh, thành có thể tổ chức một đội ngũ lái xe cùng lượng xe vận tải lớn chuyên chở rau, quả từ các tỉnh có nguồn cung lớn để đưa về các thành phố. Những xe tải này sẽ được cấp “luồng xanh” ưu tiên để có thể qua các chốt kiểm soát ở các tỉnh một cách nhanh chóng. Ngành công thương sẽ phụ trách việc ăn, nghỉ cho đội quân này (sử dụng các khách sạn hiện đang trống), xét nghiệm COVID-19 miễn phí, cấp thêm “lương” cho họ và thực hiện giám sát kỹ để phòng, chống dịch... Tất cả các chi phí bỏ ra này sẽ rất nhỏ so với số thiệt hại mà nông dân trồng rau hay người tiêu dùng phải bỏ ra; đồng thời đó cũng là giải pháp an dân hữu hiệu trong giai đoạn khó khăn nhất do dịch bệnh COVID-19 hiện nay.

Bên cạnh đó, các địa phương có nguồn cung nguyên liệu lớn cũng cần phải “uyển chuyển”, hỗ trợ nông dân thu hoạch và hỗ trợ thương lái thu gom, vận chuyển về nơi tiêu thụ hoặc nơi tập kết; hoặc phối hợp cùng với nơi tiêu thụ để giúp nông dân có thể bán được sản phẩm của mình.

An dân trong lúc khó khăn chính là những việc làm hỗ trợ người dân mang lại hiệu quả. Chính vì thế, tại cuộc họp đột xuất với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ngày 19/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Người dân là trung tâm để chúng ta phục vụ nhưng cũng là chủ thể tham gia chống dịch. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân”.

Thủ tướng cũng nêu rõ: cần phải đảm bảo lưu thông, thông suốt trong cung ứng vật tư, đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân. Yêu cầu Bộ Giao thông vận tải không để ách tắc giao thông, Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả các tỉnh, thành phố phải tuân thủ hướng dẫn của Trung ương, không ban hành “giấy phép con”. Bộ Công Thương phải đảm bảo hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu của người dân và phải tập trung nắm tình hình và xử lý ngay các vướng mắc.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo, huy động các lực lượng (trong đó có lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn) tham gia thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm việc lưu thông, vận chuyển lương thực, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo để bảo đảm hàng hóa, nguyên liệu sản xuất, lương thực, thực phẩm, các hàng hóa thiết yếu được vận tải, lưu thông thông suốt giữa các địa phương thực hiện giãn cách xã hội; chủ động phối hợp với Bộ Y tế để thống nhất quy định và hướng dẫn thực hiện thống nhất các quy trình, thủ tục kiểm soát người và phương tiện vận tải lưu thông trên các địa bàn giãn cách.

Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, doanh nghiệp liên quan thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm cung ứng hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu...

Thủ tướng cũng nêu rõ, trong quá trình thực hiện, căn cứ tình hình thực tiễn, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch và bảo đảm đời sống cho nhân dân; chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp phù hợp, hiệu quả; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Hy vọng những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sớm được các ngành, các cấp thực hiện hiệu quả để người dân có thể an tâm chung sức, đồng lòng cùng chính quyền chống dịch.

Minh Thuyết
Tiếp thêm động lực và niềm tin chống dịch
Tiếp thêm động lực và niềm tin chống dịch

"Người dân đang rất khó khăn, đang từng ngày mong chờ được nhận hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 68 của Chính phủ (gói 26.000 tỉ đồng hỗ trợ người dân vượt khó khăn do dịch COVID-19). Không chờ hết dịch, hết giãn cách mới bắt đầu hỗ trợ, các địa phương phải triển khai ngay. Triển khai chậm là có lỗi, là có tội với dân".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN