Đừng lấy bằng cho oai…

Tôi xem đi xem lại cái video clip một nông dân ở miền Tây vận hành chiếc máy gieo hạt đậu phộng (lạc). Ông bà tôi, cha mẹ tôi và cả anh chị em tôi từng nhiều năm oằn lưng cày cày, cuốc cuốc để gieo từng hạt đậu phộng, nên tôi phần nào hiểu được giá trị của chiếc máy ấy. Chiếc máy tuy còn thô sơ, đơn giản vì được chế tạo bởi một nông dân chưa từng học thạc sĩ, tiến sĩ gì… nhưng chiếc máy đã làm lợi công gấp 4-5 lần cho những nông dân.

Để làm được một chiếc máy như vậy, đối với một nông dân, rõ ràng là một quá trình mày mò, nghiên cứu vất vả. Chiếc máy ra đời là cả một sự kì công nghiên cứu, học hỏi và xuất phát từ nhu cầu thiết yếu, sống còn của những nông dân chân lấm tay bùn. Dù không qua trường lớp, không bằng cấp, không vinh danh, không địa vị xã hội… nhưng sự học ấy thật đáng trân trọng!

Lãnh đạo Bộ KHCN từng đưa ra con số hơn 3000 tỷ đồng mỗi năm mà ngân sách đã chi cho hoạt động nghiên cứu khoa học và chua chát thừa nhận rằng, rất nhiều công trình nghiên cứu trong số ấy, sau khi nghiệm thu là “xếp vào ngăn kéo” vì không có tính ứng dụng thực tiễn.

Tiền chi cho hoạt động nghiên cứu khoa học vẫn tăng đều đặn mỗi năm, những công trình khoa học cũng đều đặn được xếp vào ngăn kéo chờ đến khi … hết thời hạn ứng dụng thì đem hủy. Những thạc sĩ, tiến sĩ vẫn tiếp tục “ra lò” với nhiều công trình nghiên cứu “trên trời”. Những ứng dụng khoa học mang tính thiết thực như chiếc máy bắt sâu, chiếc máy gieo hạt, chiếc máy phun thuốc, làm cỏ… vẫn được ra đời bởi những nông dân không bằng cấp.

Dù rằng Việt Nam vẫn được xem là đất nước nông nghiệp, vẫn tự hào về sản lượng xuất khẩu nông sản, nhưng ở nhiều vùng quê, nông dân vẫn còn loay hoay với con trâu, cái cày và tự mày mò để cơ giới hóa bằng kiến thức hạn hẹp của mình. Trong khi, lẽ ra, phần việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống để tăng hiệu quả, năng suất lao động, đặc biệt là những lĩnh vực thiết thực như nông nghiệp là phần việc mà các trường, các viện, các nhà khoa học, các thạc sĩ, tiến sĩ phải làm.

Rất nhiều cán bộ, quan chức thi nhau đi học nước trong, nước ngoài cốt chỉ để có bằng cấp cho oai, để củng cố vị trí, để thăng tiến. Tấm bằng trở thành giá trị bảo chứng cho năng lực, dù rằng năng lực và bằng cấp chưa chắc đã liên quan đến nhau. Trong số những tấm bằng ấy, rất nhiều tấm bằng được “mua” bằng tiền ngân sách, bằng tiền tham nhũng, bằng tiền cung phụng từ các “sân sau”…

Chính những nhu cầu tư lợi, trục lợi từ bằng cấp đấy khiến phát sinh những kiểu đào tạo, những ngành học mà sau khi học xong, ngoài việc có thêm tấm bằng thì không mang lại lợi ích gì cho cộng đồng, cho xã hội. Việc đào tạo thạc sĩ “chống tham nhũng” có thể xem là một ví dụ.

Chống tham nhũng thực chất là quá trình giám sát việc thực thi và tuân thủ pháp luật. Tham nhũng “sinh ra” trong quá trình thực thi công vụ, nhưng các đối tượng thực thi công vụ lại không tuân thủ pháp luật, cố tình vi phạm pháp luật, lợi dụng chức năng, quyền hạn được giao để trục lợi, nhũng nhiễu hoặc lợi dụng “kẽ hở” của pháp luật để mưu lợi cá nhân, chiếm đoạt tài sản của nhà nước, của nhân dân…

Như vậy, không có một “đối tượng khoa học” mang tên tham nhũng để phải hình thành một chuyên ngành khoa học chuyên nghiên cứu về đối tượng đó. Việc nghiên cứu khoa học về “tham nhũng và chống tham nhũng” nếu có chỉ có thể dừng ở cấp độ những nghiên cứu cụ thể, trong các trường hợp ứng dụng cụ thể chứ không thể trở thành một ngành khoa học có tính phổ quát và có thể đào tạo hàng loạt những “nhà chống tham nhũng”. Chính vì vậy, chưa thấy quốc gia nào trên thế giới có ngành “chống tham nhũng học” và trong các ngành đào tạo của các quốc gia phát triển cũng chưa thấy ghi nhận mã ngành đào tạo về chống tham nhũng.

Đào tạo là một quá trình tốn nhiều công sức, tiền bạc, thời gian. Có thể đơn vị tổ chức đào tạo có được lợi nhuận thông qua việc mở thêm mã ngành, thu hút thêm học viên, tuy nhiên nếu việc đào tạo, cung cấp cho xã hội một lực lượng sau đào tạo mà kiến thức học được không có khả năng ứng dụng vào thực tiễn thì đó là một sự lãng phí. Trong một chừng mực nào đó, việc lợi dụng những quy định pháp luật để tạo ra lợi nhuận bằng cách cung cấp cho xã hội một sản phẩm đào tạo “không dùng được” – không tương xứng với tiền bạc, công sức mà người học bỏ ra thì đó cũng chính là tham nhũng. Người đi học cũng vậy, đừng vì tấm bằng “cho oai” mà tạo ra những sản phẩm “quái thai” trong giáo dục.

Lê Hiền
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN