Đi hội mà không còn hội

Mới chớm mùa lễ hội, nhưng đã có không ít lễ hội sớm tái diễn những méo mó, biến tướng khiến dư luận bức xúc. Tình trạng chèo kéo, ép giá du khách, cảnh hành khất, ùn tắc giao thông, nạn cờ bạc, móc túi, mê tín dị đoan… đã trở thành nỗi ám ảnh của khách hành hương. Cảnh nhét tiền vào tay tượng Phật ở nhiều chùa, cướp ấn ở Đền Trần (Nam Định), rải tiền trắng mặt trống đồng chùa Bái Đính, hay ném tiền vô tội vạ xuống giếng Tiên ở Đền Hùng… đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự linh thiêng của di tích cũng như nét đẹp văn hóa của lễ hội.


Đi lễ hội là tập tục đẹp, mang đậm nét tâm linh. Với nhiều người, đi hội là để được chơi hội, để được hòa mình vào cộng đồng, để trút bỏ những phiền muộn của năm cũ, để cầu những điều tốt đẹp, an lành trong năm mới. Bởi thế, những ngôi chùa, di tích lịch sử văn hóa, những địa danh mang tính linh thiêng đã trở thành những điểm đến đầu năm của hàng vạn du khách.


Thế nhưng, đi lễ hội giờ đây đâu có được chơi hội, khi mà lễ hội ngày một biến tướng và khách hành hương phải chịu biết bao phiền toái khi họ trở thành mục tiêu chặt chém, sách nhiễu của những kẻ lợi dụng di tích, lợi dụng lễ hội để kinh doanh, kiểu “mài dao cả năm để chém một giờ”. Đã nhiều năm nay, dư luận lên tiếng mạnh mẽ về tình trạng lễ hội đang bị thương mại hóa và mùa lễ hội năm nay cũng vậy. Lễ hội tiếp tục bị lạm dụng và đầy rẫy sự tham lam, tư lợi và sự bất an. Chen chúc, lo bị kẻ gian móc túi, mệt mỏi với cảnh chờ đợi khi tắc đường... Đó là tâm trạng của rất nhiều khách hành hương ở các lễ hội thường xảy ra tình trạng quá tải, như chùa Bái Đính, chùa Hương...


Dịch vụ được xem là khá mới mẻ của mùa lễ hội năm nay ở chùa Bái Đính là cho thuê… thang vượt rào (có thật một trăm phần trăm). Không hiểu cách sắp xếp chỗ gửi xe của Ban tổ chức lễ hội chùa Bái Đính thế nào mà khách hành hương phải cuốc bộ vài ba cây số mới tới được chùa chính. Nếu khách ngại cuốc bộ, thì chỉ còn cách dài cổ chờ dịch vụ xe điện, hoặc là phải bỏ tiền thuê thang để vượt tường vào sân chùa chính. Thế là xảy ra hỗn độn, giằng xéo, chẳng khác cảnh trèo thang chiếm thành thời chiến tranh chiến quốc. Nhiều du khách than phiền, họ không ngại chi tiền để thuê thang, mà chỉ sợ nguy hiểm tới tính mạng. Những người có trách nhiệm thì ngó lơ, hoặc chỉ phạt làm vì, sau đâu lại vào đó.


Cùng cảnh quá tải, khách đi hội chùa Hương cũng khổ không kém. Muốn đi cáp treo lên chùa chính, du khách phải chờ vài giờ đồng hồ là chuyện bình thường. Cảnh ùn ứ, xô đẩy diễn ra như cơm bữa ở khu vực cáp lên, cũng như phía trên động, dẫn đến mất an toàn cho du khách. Dù cố gắng đến mấy, Công ty cổ phần Vận tải du lịch Hương Sơn cũng không thể đáp ứng được nhu cầu của du khách.


Hãi hùng hơn cả là cảnh cướp ấn, cướp đồ thờ cúng ở Đền Trần (Nam Định). Đã không ít người ngất xỉu khi bằng mọi giá để giành cho được lá ấn. Dù đã được Ban tổ chức thông báo chỉ có 1.000 thẻ (tương đương với từng ấy người) được dự lễ khai ấn và trong đó chỉ có 100 người được có mặt tại khu vực "cấm cung". Tuy nhiên, đã có không dưới 10.000 người quây kín khu vực phát ấn. Cũng như mọi năm, cảnh giẫm đạp, trèo lên đầu lên cổ nhau đã lại tái diễn trong sự bất lực của Ban tổ chức.


Ai đi hội mà chẳng mong muốn được chơi hội, được tham gia các hoạt động văn hóa lành mạnh, được tìm hiểu ý nghĩa lịch sử của di tích và công trạng của các bậc tiền nhân nơi tổ chức lễ hội. Nhưng sự quá tải ở một số lễ hội, tình trạng buôn thần bán thánh, tham bát bỏ mâm… đã và đang làm mất đi nét đẹp truyền thống và ý nghĩa của lễ hội. Nói cho cùng, những bất cập nêu trên không phải lỗi của du khách. Nó cho thấy năng lực quản lý yếu kém của các cấp chính quyền địa phương nơi có lễ hội. Với động cơ tăng lễ hội để tăng thu, nên phần lớn các lễ hội được mở rộng quy mô, nhưng lại thiếu quan tâm, thậm chí coi nhẹ việc đầu tư cho hạ tầng giao thông, quản lý dịch vụ, an ninh, y tế, vệ sinh thực phẩm… Sự bất cập này tồn tại đã nhiều năm, tiếc rằng các cấp chính quyền, cơ quan có trách nhiệm lại thờ ơ, hoặc tỏ thái độ khó chịu với những đóng góp về thiếu sót của địa phương trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội. Cứ kiểu “mũ ni che tai”, cho rằng mình đã cố gắng hết sức, e rằng, năm này qua năm khác, tình trạng lộn xộn, bát nháo trong lễ hội sẽ khó được loại trừ.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN