Để sự giám sát của dân thực sự là vũ khí sắc bén

Ban Bí thư vừa ban hành Quyết định số 99-QĐ/TW kèm theo hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Quyết định 99 nêu rõ các nội dung, hình thức công khai, cũng như nội dung, hình thức nhân dân góp ý, giám sát. Chẳng hạn phải công khai 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; công khai 19 điều quy định đảng viên không được làm; công khai các kết luận kiểm toán, kiểm tra; công khai danh tính, chức vụ, kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý... Khi có đơn thư phản ánh của nhân dân đối với cấp uỷ, đảng viên thuộc cấp nào quản lý thì cấp uỷ, tổ chức đảng cấp đó phải tiếp nhận, xử lý. Kiên quyết xử lý người có hành vi cản trở hoạt động giám sát hoặc trả thù, trù dập người khiếu nại, tố cáo.

Nhiều năm qua, tình hình chống tham nhũng với những chuyển biến chậm chạp có lúc đã làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước trong lĩnh vực này. Quyết định 99 là một bước cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết trung ương 4 khóa XII của Đảng, được đưa ra trong bối cảnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng do đảng ta khởi xướng đang bước sang một giai đoạn mới, thực chất hơn và trở thành một xu thế “không thể đứng ngoài cuộc”. 

Tham nhũng có nguyên nhân chủ yếu từ sự tha hóa, biến chất của một bộ phận đảng viên có chức quyền trong bộ máy nhà nước. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia chống tham nhũng thành công cho thấy, muốn kiềm chế, đẩy lùi tham nhũng nhất thiết phải có một cơ chế giám sát quyền lực thực chất và hiệu quả. Cơ chế này phải dựa trên nguyên tắc các hoạt động của cơ quan nhà nước phải được công khai, minh bạch và chịu sự giám sát thường xuyên, trong đó chủ thể giám sát hiệu quả nhất không ai khác chính là người dân.

Thực tế cho thấy công tác phòng ngừa và phát hiện tham nhũng có thể thực hiện qua nhiều “kênh” khác nhau, nhưng số vụ việc và đối tượng được phát hiện qua các “kênh” thanh tra hoặc tự kiểm tra còn rất khiêm tốn. Trong khi đó thì “kênh” tố cáo của người dân, nhất là sau khi có sự vào cuộc của báo chí, đã góp phần đưa ra ánh sáng rất nhiều vụ việc lớn về quy mô và tiêu biểu về tính chất.

Cùng với sự chuyển động của các cấp ủy Đảng, bộ máy nhà nước và của toàn xã hội, Quyết định 99 được kỳ vọng sẽ là một vũ khí sắc bén để Đảng ta thực hiện thắng lợi cuộc chiến chống tham nhũng, vốn được xác định sẽ còn trường kỳ và nhiều gian nan. 

Muốn vậy, tinh thần của Quyết định 99, nói cách khác là vai trò giám sát của nhân dân, phải được thực hiện liên tục, thường xuyên, sâu rộng và thực chất, tránh rơi vào tình trạng “làm cho có” như một số chủ trương trước đây. Quan trọng hơn, mỗi cấp ủy, cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc thực hiện, phải coi việc chịu sự giám sát của nhân dân là tấm bùa hộ mệnh để tránh bị “tự suy thoái”, “tự diễn biến”. Bởi xét cho cùng thì Nhà nước ta là nhà nước của dân và sự giám sát của nhân dân chính là biểu hiện “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” như đã được ghi trong Hiến pháp.

Lê Vũ Hội
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: 'Làm việc gì hợp lòng dân thì mới thành công'
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: 'Làm việc gì hợp lòng dân thì mới thành công'

Ngày 12/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, đã tiếp xúc đông đảo cử tri các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội), thông báo dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN