Để đất “đẻ” thêm “vàng”

Phóng viên TTXVN thường trú tại tỉnh Đồng Nai báo về một tin rất “ngộ”: Nhiều hộ nông dân trồng điều, cà phê ở huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) đang trúng lớn vụ mùa này nhờ... cây nghệ.

Điển hình như anh Huỳnh Văn Sơn ở ấp Bể Bạc, xã Xuân Đông. Thấy 9 sào (9.000 m2) điều cho thu nhập thấp lại bấp bênh, đầu năm 2010 gia đình anh trồng xen cây nghệ và hiện bán được giá 6.500 - 7.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí còn lãi khoảng 100 triệu đồng. Nhiều nông dân khác cũng chung niềm vui nghệ được mùa được giá.


Bà con trồng xen cây nghệ vừa tận dụng được phần đất còn trống, vừa đỡ tốn công làm cỏ cho cây cà phê, điều. Cây nghệ lại có sức sống mạnh, ít bị dịch bệnh, cũng ít tốn công chăm sóc. Ai cũng nghĩ, trồng nghệ chỉ là phụ, nhưng bất ngờ năm nay cây trồng chính là điều, cà phê cũng khó có mức thu nhập cao như cây “phụ”.

Tuy vậy, trong niềm vui bất ngờ nói trên, có chuyên gia tỉnh táo cảnh báo: Bà con không nên thấy một số cây trồng có lợi nhuận cao nhất thời mà đổ xô vào trồng dẫn tới tình trạng cung nhiều hơn cầu, mất giá dẫn tới thua lỗ.


Do đó vẫn cần tập trung thâm canh những cây trồng chủ lực trên những vùng đã được địa phương quy hoạch và khuyến khích phát triển để đảm bảo tính ổn định, bền vững.

Từ câu chuyện của nông dân huyện Cẩm Mỹ, có thể rút ra được nhiều điều đáng suy ngẫm. Đó là tiềm năng sinh lợi của đất nông nghiệp vẫn còn nhiều. Thực tế là chúng ta vẫn đang lãng phí tài nguyên đất đai, ngay cả ở những vùng chuyên canh vốn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha thì vẫn có thể tận dụng khai thác để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.


Đây là điều rất có ý nghĩa trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp luôn có nguy cơ giảm sút, bởi nhiều nguyên nhân. Ở góc độ kinh tế vĩ mô, tăng giá trị sinh lợi của đất nông nghiệp cũng là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng tăng trưởng. Và đó là hướng đi cho rất nhiều nông dân đang thiếu đất canh tác.

“Tấc đất tấc vàng”. Nhưng để “bắt” đất canh tác phải “đẻ thêm vàng”, người nông dân rất cần sự tham gia, chung tay góp sức của nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp.


Khi đó việc trồng cây chính, cây phụ phải được đúc kết, thực hiện theo quy trình mô hình khép kín, từ khâu giống - chăm sóc - thu hoạch - chế biến - tiêu thụ... chứ không thể trông chờ vào những niềm vui tuy bất ngờ nhưng lại “mong manh dễ vỡ” như nói trên.

Bắc Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN