Đau thắt khúc ruột miền Trung

Bão số 14 vừa dứt, một trận lũ lớn lại đột ngột xuất hiện, đồng bào miền miền Trung vốn đã nghèo, nay lại càng khó khăn hơn khi lại phải gồng mình chống chọi với lũ dữ. Thiên tai gieo tang thương và chồng chất những nỗi đau. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, trận “lũ chồng lũ” xảy ra ngày 16/11 đã làm 40 người chết và mất tích, hơn 20 người bị thương, 243.000 ngôi nhà và hàng nghìn ha hoa màu bị ngập... Cái nghèo cái khó lại tiếp tục đeo đẳng cuộc sống của người dân miền Trung.


Sau nỗi đau tê tái, mất người, mất của là nỗi lo về bệnh dịch, là cái đói cái rét cận kề. Dẫu đồng bào cả nước đang từng ngày, từng giờ chia sẻ khó khăn với miền Trung ruột thịt, nhưng nó chẳng thấm tháp gì so với những thảm họa mà đồng bào miền Trung phải gánh chịu. Lũ đổ về chôn lấp tất cả... Rất nhiều gia đình sống trong cảnh màn trời chiếu đất, nhiều người không còn nổi một tấm áo lành; những đứa trẻ đào bới trong đống đổ nát với hy vọng vớt vát lại những cuốn vở chưa bị nước thấm; rồi thi thể người chết chưa thể mai táng do lũ chưa rút... Nhiều người kiệt sức và chưa thể hình dung cuộc sống ngày mai sẽ ra sao?


Rất nhiều câu hỏi được đặt ra khi thiên tai liên tiếp ập xuống dải đất miền Trung trong vài năm trở lại đây. Có phải do sự bất thường của thời tiết hay chính là hậu quả từ sự tàn phá thiên nhiên của con người? Từ thảm họa của bão lũ, một vấn đề gây nóng dư luận xã hội là sự phát triển quá nóng của các công trình thủy điện và sự xả lũ tràn lan của một số công trình thủy điện ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Thậm chí có ý kiến gay gắt rằng phải quy trách nhiệm của người phê duyệt, quyết định đầu tư; phải đền bù vật chất cho dân chứ không thể kéo dài mãi tình trạng dân chìm trong lũ thủy điện. Với người dân miền Trung, Tây Nguyên, cụm từ “xả lũ” đang là nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với họ.


Lâu nay, việc phát triển các công trình thủy điện nói chung thường chỉ tính đến giải quyết việc đảm bảo nguồn điện năng trong quan hệ cung-cầu, ít có đánh giá tác động đến môi trường, có chăng thì chỉ tính đến diện tích ngập nước trong vùng lòng hồ, di dân tái định cư. Tình trạng phát triển nóng và xây dựng thiếu quy hoạch thống nhất các hồ chứa thủy điện của các thành phần kinh tế đang gây ra tình trạng hủy hoại nghiêm trọng tài nguyên đất, rừng đầu nguồn, khoáng sản, đa dạng sinh học và nhiều tài nguyên thiên nhiên khác... Do tầm nhìn hạn chế, làm lấy được nên lãnh đạo nhiều địa phương đã ký duyệt các dự án thủy điện không mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lâu dài cho địa phương, mà trái lại, đã trở thành mối hiểm họa cho đời sống của người dân.

Theo thống kê, tại tỉnh Kon Tum, với 70 dự án thủy điện đang được quy hoạch xây dựng, thì sẽ có hàng chục ngàn ha rừng bị phá. Trong khi đó, số diện tích rừng bị mất do làm thủy điện cần phải trồng bù là 36.000 ha, nhưng từ năm 2011 đến tháng 6/2013, mới chỉ trồng được khoảng 2.770 ha. Đáng báo động, có gần 55% hồ chứa thủy điện chưa có phương án phòng chống lụt bão. Chưa kể, khi vận hành hồ chứa thủy điện, do chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy trình, nhiều công trình thủy điện đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.


Người dân miền Trung đã quá vất vả phải lo đối phó với bão lũ hàng năm. Giờ lại phải gánh thêm nỗi lo khi các hồ thủy lợi, thủy điện bất ngờ xả lũ... Bao giờ nỗi lo này chấm dứt là câu hỏi không dễ trả lời khi lợi ích kinh tế của một nhóm người từ các công trình thủy điện vẫn được đặt trên lợi ích của cộng đồng!


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN