“Con gà tức nhau tiếng gáy”

Khởi nguồn từ giữa tháng 12 năm ngoái, “cuộc chiến” bản quyền truyền hình bóng đá giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty CP Viễn thông & Truyền thông An Viên (AVG) với Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) có dấu hiệu ngày càng phức tạp khi VFF có công văn yêu cầu: “Tất cả các đài truyền hình chỉ được vào sân để truyền hình trực tiếp các trận đấu khi có xác nhận của AVG…”. Văn bản trên ngay lập tức có hiệu lực với việc ở vòng đấu thứ 2 Super League giữa V.Hải Phòng và N.Sài Gòn chiều 7/1, Ban tổ chức sân Lạch Tray đã khước từ việc VTC truyền hình trực tiếp trận đấu này.

Việc bất đồng quan điểm xung quanh vấn đề bản quyền truyền hình phần nào đã cho thấy sự bất cập trong quản lý và điều hành bóng đá Việt Nam. Chưa khi nào, VFF lại bị tấn công dữ dội như thời gian gần đây. Việc Tổng Thư ký Trần Quốc Tuấn từ chức, rồi việc phải nhượng quyền tổ chức các giải đấu ở V.League cho VPF…, VFF như đang phải đối mặt với cơn sóng dữ. Có cảm giác, VFF đang bị dồn vào thế chân tường và việc bảo vệ quan điểm của mình trong vấn đề bản quyền truyền hình, chỉ là một sự níu kéo danh dự.

Giới bình luận cho rằng, việc tranh giành bản quyền truyền hình, thực chất là cuộc tranh giành quyền lợi giữa ông bầu các đội bóng. Bằng chứng là hàng loạt văn bản được các bên ban hành trong những ngày qua, chủ yếu đề cập đến tính pháp lý, khía cạnh lợi nhuận, mà không đả động gì đến quyền lợi của người hâm mộ bóng đá nước nhà.

Những bằng chứng đưa ra, bên nào cũng có cái lý của mình. Nhưng có điểm chung, dường như "miếng bánh" truyền hình quá hấp dẫn, khiến không bên nào chịu bên nào. Dư luận đặt câu hỏi, liệu các giải bóng đá Việt Nam có hấp dẫn tới mức các bên phải tranh cãi gay gắt với nhau đến vậy, hay chỉ là “cuộc chiến” theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”? Thực tế là người hâm mộ đã quá thất vọng với những “cuộc chiến” kiểu như thế và với động thái trên, bóng đá Việt Nam khó mà thoát khỏi mớ bùng nhùng và nguy cơ vỡ giải là nhỡn tiền khi Eximbank - nhà tài trợ chính cho Super League đang cân nhắc rút lui và một số CLB không thật mặn mà với giải...

Cuộc chiến bản quyền truyền hình sẽ không biết bao giờ mới có điểm dừng nếu các cơ quan có trách nhiệm không ra phán quyết kịp thời. Do vậy, rất cần tiếng nói quyết định của ngành chủ quản là Tổng cục Thể dục Thể thao và cao hơn là của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN