Lực lượng chức năng tham gia diễn tập phương án phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên sông Hồng. Ảnh: TTXVN phát
"Nhất thuỷ, nhì hoả" hay "Giặc phá không bằng nhà cháy" là kinh nghiệm được nhân dân ta đúc kết bao đời về hậu quả của thiên tai lũ lụt và hỏa hoạn gây ra. Sức tàn phá của giặc hỏa vô cùng khủng khiếp, mà nếu không có những biện pháp phòng chống, ngăn chặn và xử lý kịp thời, thì thiệt hại về người cũng như tài sản sẽ rất lớn.
Đánh giá đúng mức về sự nguy hiểm của hỏa hoạn, ngay từ ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Pháp lệnh quy định của nhà nước đối với công tác Phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Đây chính là một trong những pháp lệnh ban hành sớm nhất của Nhà nước ta. Năm 1996, Chính phủ quyết định lấy ngày 4/10 là “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy”. Quyết định đúng đắn này thể hiện rõ sự quan tâm sát sao, chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp PCCC, đồng thời khẳng định công tác PCCC là trách nhiệm của toàn dân, trong đó lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) giữ vai trò nòng cốt.
Các lực lượng tham gia phần thi dập tắt đám cháy tại Hội thao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Công an tỉnh Quảng Trị tổ chức. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN
Vì nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan, một phần lực lượng chức năng triển khai chưa đủ quyết liệt, chế tài pháp luật xử lý vi phạm qui định PCCC chưa đủ sức răn đe, một phần do ý thức phòng chống cháy nổ của một bộ phận nhân dân và doanh nghiệp còn hạn chế, chủ quan, những năm gần đây nước ta liên tục chứng kiến nhiều vụ hỏa hoạn lớn, gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản. Công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ, còn tồn tại, hạn chế, vướng mắc và bất cập nên vẫn để xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Bộ Công an tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác PCCC diễn ra ngày 12/9 vừa qua: Trong 5 năm (giai đoạn 2017-2021), toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy, cướp đi sinh mạng của 433 người, bị thương 790 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính lên tới 7.043 tỷ đồng. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2022, cả nước ta chứng kiến 1.136 vụ cháy, làm 57 người chết, bị thương 52 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 532 tỷ đồng. Số vụ hỏa hoạn và thiệt hại do cháy gây ra tập trung trong khu vực dân cư, nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh (chiếm hơn 45% tổng số vụ cháy) và tại các cơ sở sản xuất, kho tàng...
Nguyên nhân cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện, chiếm trên 45% tổng số vụ. Cháy lớn xảy ra tập trung tại các tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh, có nhiều khu công nghiệp, khu dân cư tập trung. Nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như vụ cháy quán karaoke tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, ngày 1/8 làm 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH hy sinh; vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương ngày 6/9/2022 làm nhiều người thiệt mạng…
Các chiến sĩ PCCCtiến sâu vào trong quán karaoke ở Bình Dương bị cháy để tìm kiếm các nạn nhân. Ảnh: Huyền Trang/TTXVN
Thiên tai hay tai nạn là điều không ai mong muốn, song cần thẳng thắn nhìn nhận hầu hết số vụ cháy lại liên quan tới yếu tố con người, mà lẽ ra đã có thể tránh được nếu chúng ta trách nhiệm hơn một chút, ý thức tốt hơn một chút và được trang bị kiến thức tốt hơn một chút. “Một chút” đó thôi, nhưng không phải là điều dễ dàng. Để giảm thiểu số vụ hỏa hoạn tại doanh nghiệp hay khu chung cư, chúng ta cần nhà đầu tư trách nhiệm hơn một chút, tuân thủ an toàn lao động và lắp đặt các thiết bị phòng cháy chữa cháy đúng tiêu chuẩn hơn; chúng ta mong mỏi mỗi người dân nâng cao ý thức hơn một chút, xin đừng tích trữ vật liệu dễ cháy nổ trong nhà, hay đơn giản là tạo thói quen tắt các thiết bị điện không cần thiết khi ra khỏi nhà…
Việc cung cấp trang bị chuyên dụng và hạ tầng hỗ trợ cho lực lượng PCCC cũng có vai trò vô cùng quan trọng. Tại nhiều nước phát triển, lực lượng PCCC luôn được ưu tiên những điều kiện tốt, được trang bị thiết bị chuyên dụng để đảm bảo an toàn khi thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn. Như ở Mỹ và Canada, hầu hết các tuyến đường giao thông chính đều có một làn xe dành riêng cho xe cứu thương và xe cứu hỏa; gần như 100% các tòa nhà đều có ít nhất 3 - 4 họng nước cứu hỏa trước cửa; đường dây nóng PCCC luôn túc trực 24/24h… Do vậy, khi xảy ra hỏa hoạn, lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường rất kịp thời.
Tại Việt Nam, những năm gần đây, lực lượng Cảnh sát PCCC đang ngày càng chuyên nghiệp, ngày càng được trang bị tốt hơn. Tuy nhiên, để “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy” mang lại hiệu quả thiết thực hơn, thì rõ ràng chỉ riêng nỗ lực của lực lượng PCCC là chưa đủ, mỗi người dân cần quán triệt phương châm “phòng cháy” hơn “chữa cháy”, quan tâm đến sự an toàn về cháy nổ trong chính ngôi nhà mình đang sinh sống, như trang bị bình chữa cháy xách tay trong nhà; trang bị cho mình kỹ năng xử lý tình huống khi hỏa hoạn xảy ra như cách chữa cháy, cách để chống bị ngạt khói, cách thoát nạn. Hay mới đây, việc ra đời của mô hình “các tổ liên gia PCCC” tại một số thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng là sáng kiến hay, giúp người dân chủ động và đóng góp nhiều hơn trong cuộc chiến với “giặc hỏa”.
Công an thành phố Cần Thơ kiểm tra hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại một quán karaoke trên địa bàn quận Ninh Kiều. Ảnh: TTXVN phát
Bên cạnh đó, chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực PCCC cần đủ mạnh, bảo đảm tính răn đe để tránh tình trạng chây ỳ, kéo dài không khắc phục vi phạm. Việc xử phạt vi phạm nhiều nơi, nhiều lúc còn chưa nghiêm, thậm chí buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý cần làm tốt hơn nữa.
Đảng, Nhà nước ta luôn lấy dân làm gốc, trên trận tuyến PCCC cũng không phải ngoại lệ. Người dân luôn ở vị trí trung tâm, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân là nhiệm vụ trước hết và trên hết. Ngược lại, nhân dân đồng thời cũng là chủ thể, là một lực lượng rất quan trọng trong cuộc chiến này. Làm tốt điều này, tinh thần PCCC sẽ lan tỏa và “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy” không chỉ còn là một ngày hội phong trào.