Với giá này, “cò” cam kết là tỷ lệ đỗ tới 99,9%, nếu không sẽ hoàn lại tiền. Ngay sau khi báo chí đăng tải, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã họp khẩn với các sở, ngành liên quan, yêu cầu điều tra làm rõ sự việc, trả lời cho người dân biết.
“Chạy” công chức từ lâu đã trở thành đề tài "nóng", xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, địa phương. Trong một số kết luận thanh tra, các cơ quan chức năng cho rằng, có hiện tượng "chạy" song không phổ biến, nhưng rất đáng lo ngại và phải kiên quyết loại trừ. Nhân dân và dư luận xã hội hết sức bất bình về những biểu hiện tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, công chức, đặc biệt là tệ tham nhũng, lãng phí, đục khoét của công và sách nhiễu dân.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “chạy” công chức không được ngăn chặn, mà nguyên nhân cơ bản nhất là chưa xác lập được cơ chế để ngăn chặn tệ nạn này. Bên cạnh đó, còn những kẽ hở trong quy trình tuyển dụng công chức, dẫn đến bị lợi dụng. Cả những lo ngại về tính công bằng, sự minh bạch và tiêu cực xảy ra khi người đứng đầu đơn vị, tổ chức thực hiện không nghiêm quy định về tuyển dụng công chức. Sự lo ngại này là có cơ sở, bởi lẽ trong 5 năm trở lại đây, việc tuyển dụng biên chế theo Nghị định 132 của Chính phủ, bộ máy công chức nhà nước... vẫn phình thêm; người chưa đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn tồn tại; nhân sự tuyển vào tràn lan, tổ chức thi tuyển sơ sài, thiếu chặt chẽ.
Đáng lo ngại, những vụ “chạy” công chức rất ít được các cơ quan công quyền phanh phui. Lý do là những người có trách nhiệm trong tuyển dụng công chức khép kín, hợp thức hóa được “quy trình chạy”, nên khi kiểm tra cũng rất khó phát hiện. Không loại trừ, những người trong nội bộ cơ quan biết chuyện, nhưng không dám tố cáo, sợ bì trù dập, trả thù. Nạn “chạy công chức” khiến số lượng công chức được tuyển không đảm bảo về chất lượng, bộ máy hành chính càng thêm cồng kềnh, ngân sách cho bộ máy hành chính ngày càng nhiều lên. Từ một số vụ tuyển dụng “chui” được phát hiện thời gian gần đây cho thấy, các điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình về tuyển dụng còn thiếu cụ thể, minh bạch; hậu quả là chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính giảm sút, trong khi biên chế ngày càng tăng thêm. Đó là những lý do để giải thích vì sao nhiều năm qua, rất nhiều ý kiến than phiền trong bộ máy còn không ít những cán bộ, công chức yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu của công việc...
Vấn đề đặt ra là phải xây dựng được hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, gắn liền trách nhiệm, nghĩa vụ của người làm công tác tuyển dụng. Gần đây, cả nước đã áp dụng phương pháp xác định vị trí việc làm để tìm ra số biên chế cần sử dụng cho phù hợp, chính xác. Phương pháp này tuy mới triển khai thực hiện, nhưng rất cần thiết cho lộ trình hoàn thiện bộ máy hành chính.
Để ngăn chặn tình trạng chạy công chức, một trong những việc cần triển khai thực hiện là xác định cho được vị trí việc làm, trình độ cần thiết... của từng chức danh, công việc nhưng phải có những tiêu chí, tiêu chuẩn rất cụ thể mới có thể thực hiện được. Mặt khác, việc tổ chức thực hiện phải thật sự dân chủ, phải đặt dưới sự lãnh đạo tập trung của cấp ủy đảng, sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể và vai trò của người đứng đầu. Có như vậy việc tuyển dụng công chức, viên chức nhà nước mới minh bạch và phát huy hiệu quả trong thực tế.