Xây dựng tiêu chí ứng xử giữa giáo viên và học sinh?

"Thực tế trong những tiêu chí đánh giá của phong trào xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" đã có tiêu chí về thái độ ứng xử giữa giáo viên và học sinh.


Văn bản là vậy nhưng hiệu quả trên thực tế lại phụ thuộc vào cách làm sáng tạo của mỗi trường" - ông Ngũ Duy Anh (ảnh), Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh - sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) trao đổi với Tin Tức xung quanh sự việc về hiện tượng ghi âm, quay clip trong trường học.

´Thời gian qua, việc học sinh, sinh viên ghi âm, quay clip giáo viên trong lớp học khiến dư luận và cộng đồng mạng xôn xao. Có hai luồng ý kiến khác nhau: Về sự thiếu kiềm chế của giáo viên và về thái độ học trò bỡn cợt giáo viên, cố tình "gây hấn" để ghi hình, ghi âm (như clip của những học sinh THPT Hàng Hải - Hải Phòng vừa qua). Từ góc độ quản lý giáo dục, ông có những chia sẻ gì?

Ưu điểm nổi trội trong đời sống xã hội hiện nay là sự tác động nhanh chóng của các phương tiện công nghệ thông tin truyền thông tạo ra các hiệu ứng xã hội trong đó có hiệu ứng đối với hoạt động giáo dục. Việc phát tán các video clip hay băng ghi âm trên mạng trong chừng mực nào đó, nhất là với các hành động nhạy cảm thì phải có sự cân nhắc với cả người phát tán cũng như người tiếp nhận.


Chúng ta từng biết đã có việc xử lý hình sự đối với một vài hiện tượng phát tán vì mục đích cá nhân và vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp clip của học sinh trường THPT Hàng Hải - Hải Phòng mới đây, chúng ta không đánh giá đến mức như vậy. Có thể đây là một hành động ác ý, cố khiêu khích để cô giáo (mà họ biết là người ít kiềm chế) "nổi đóa" lên để quay phim và ghi âm rồi phát tán lên mạng.


Chúng ta không nên khuyến khích hành động này. Điều đáng trách là người giáo viên đã không làm chủ được mình, hành động bột phát và thiếu tính sư phạm, cao hơn là thiếu văn hóa khi phản ứng lại những trò đùa thiếu ý thức lẽ ra không nên có của học sinh.

Trong quá trình dạy học lâu dài, tôi nhận thấy đã có rất nhiều trò đùa của những người học thiếu ý thức nhằm vào thầy cô giáo để thỏa mãn ý thích cá nhân và bất cần hệ quả đi đến đâu.


Chúng ta cũng biết không có một chế tài quản lý nào hiệu quả cho các trò đùa đó, mà hầu hết được giải quyết bằng kỹ năng sư phạm, sự cảm hóa của người thầy, tình thương yêu và truyền thống tôn sư trọng đạo của xã hội ta. Tôi chỉ mong muốn các nhà giáo, nhất là các nhà giáo trẻ cần thấm nhuần hơn nữa các kiến thức giáo dục học, đặt phẩm giá đạo đức nhà giáo lên trên tất cả để tỉnh táo giải quyết các tình huống sư phạm.

Vậy, Bộ GD - ĐT có văn bản điều chỉnh những trường hợp như thế không, thưa ông?

Những sự việc vừa qua là do cách ứng xử linh hoạt ở mỗi nhà trường. Phong trào "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" mà Bộ GD- ĐT triển khai đã là một trong những giải pháp tiêu biểu với những trường hợp ứng xử trong trường học.


Bộ GD- ĐT có hẳn chủ trương, triển khai từ nhiều năm nay và trong tất cả các cấp học để cho người học có quyền đánh giá, góp ý với người dạy (và cả người làm quản lý giáo dục) một cách có tổ chức, và các cấp quản lý giáo dục.

Trên cơ sở đó sẽ xem xét để có sự đánh giá năng lực, đạo đức của nhà giáo và có các bước khen thưởng hay chế tài xử lý thích hợp. Đây là việc làm thường xuyên và rất mong được cộng đồng hưởng ứng.


Chúng tôi sẽ lắng nghe, tiếp thu ý kiến và nghiên cứu hình thức phù hợp với tình hình thực tế để có biện pháp chấn chỉnh, lập lại kỷ cương trong nhà trường.

Hướng tới môi trường "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", thời gian tới Bộ GD - ĐT có giải pháp nào để tránh những sự việc đáng tiếc như thời gian qua?

Bộ GD - ĐT không thể xem nhẹ hiện tượng các hành vi ứng xử học đường xuất hiện trên mạng. Chúng tôi sẽ có hướng xử lý nghiêm túc vì ở đây cô giáo chưa thân thiện và học sinh rõ ràng là chưa tích cực.


Bám sát các tiêu chí đánh giá của phong trào xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực" thì các nhà trường, đội ngũ giáo viên và tập thể học sinh sẽ hạn chế hẳn các trường hợp tương tự.

Nhưng quan trọng hơn cả là sự chung tay của cả xã hội, cách nhìn nhận tích cực của cộng đồng sẽ khiến cả người dạy lẫn người học thấy rõ được vai trò của mình, việc hòa hợp trong quá trình dạy - học sẽ tạo ra hiệu quả giáo dục như ý muốn.

Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN