Môn ngoại ngữ là ưu thế nhưng thấp “bất ngờ”
Đây là năm đầu tiên, Hà Nội tổ chức thi môn tiếng Anh và trở thành môn bắt buộc trên phạm vi toàn thành phố. Vốn được xem như một môn học thế mạnh của học sinh Hà Nội nhưng môn tiếng Anh lại chiếm tỷ lệ điểm trên trung bình thấp nhất so với 3 môn còn lại (Ngữ văn, Toán, Lịch sử).
Cụ thể, chỉ có 55,78% thí sinh đạt điểm trên trung bình; có tới 37.600 thí sinh (44,22%) bị điểm dưới trung bình; điểm số có nhiều thí sinh nhất là 3 và điều này khiến dư luận khá bất ngờ. Tuy nhiên, đây cũng là môn thi có số thí sinh đạt nhiều điểm 10 nhất trong 4 môn thi với 1355 thí sinh (1,59%) và chỉ có 1 thí sinh bị điểm 0.
Phân tích về thực trạng này, tổ tiếng Anh của Hệ thống HOCMAI cho biết: Đây là năm đầu tiên Hà Nội đưa tiếng Anh là môn thi bắt buộc nên sự đầu tư cho môn học này ngay từ đầu cấp THCS để đi thi chưa được chỉn chu như các môn Toán và Văn. Là năm đầu tiên thi tiếng Anh nên đề thi không hề đánh đố thí sinh; ngược lại còn khá dễ thở vì có đến 80% kiểm tra các kiến thức cơ bản; không xuất hiện nhiều các câu hỏi về từ vựng. Và kết quả là sự xuất hiện của 1.355 điểm 10, hơn nửa số thí sinh đạt điểm trên trung bình. Tuy nhiên, với mức độ đề cơ bản như thế này, việc 44,22% số thí sinh có điểm dưới trung bình là điều đáng lo ngại khi trình độ tiếng Anh của phần lớn thí sinh còn quá yếu, chưa đạt tới mức cơ bản.
Theo các thầy cô trong tổ tiếng Anh của Hệ thống giáo dục HOCMAI, đề thi môn tiếng Anh tại Hà Nội được đánh giá “dễ” nhưng lại không phải là một đề thi hay. Đề thi hay là một đề thi vừa kiểm tra được các kiến thức nền tảng, vừa có sự phân hóa học sinh rõ rệt. Số lượng các câu hỏi phân loại thí sinh đếm trên đầu ngón tay, còn chưa kể sự chưa cân đối về số lượng các câu hỏi kiểm tra từ vựng – ngữ pháp. Tiếng Anh là một môn học đặc thù khi phải kết hợp 3 yếu tố từ vựng, ngữ pháp và kỹ năng làm bài. Để làm tốt một bài thi tiếng Anh, thí sinh phải vận dụng tốt 3 yếu tố này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu hết học sinh ở Việt Nam mới chỉ có được 1 - 2 yếu tố thôi.
“Kết quả phổ điểm cho thấy đây là một tín hiệu đáng buồn cho những người học ngoại ngữ trong khi tiếng Anh là một công cụ có thể giúp chúng ta gia tăng cơ hội phát triển trong tương lai. Học sinh cần phải chủ động và chăm chỉ hơn trong việc học ngoại ngữ”, cô Nguyễn Thị Mai Hương, giáo viên tiếng Anh, Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định.
Tại TP Hồ Chí Minh, trong 79.598 bài thi Ngoại ngữ chỉ có 56 thí sinh đạt điểm 10, điểm nhiều nhất là 2,75, có đến 58,27% bài thi đạt điểm dưới trung bình.
Tổ tiếng Anh hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định: Phổ điểm môn Ngoại ngữ ở mức thấp mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là khu vực có sự đầu tư về trang thiết bị và trình độ giáo viên ngoại ngữ. Như vậy, về một mức độ nào đó, có thể nói việc ra đề năm nay đã đánh vào điểm yếu của thí sinh. Các thầy cô tổ tiếng Anh, Hệ thống giáo dục HOCMAI cho biết: Với đề thi Tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh vào 10 vừa qua, đề thi được đánh giá khá hay, khi không còn nặng nề về ngữ pháp, các tình huống mang tính giáo dục, và đặc biệt kiểm tra khá nhiều về từ vựng. Nhưng đây cũng là một bất lợi cho hầu hết các thí sinh mặc dù các từ vựng trong đề thi là các từ quen thuộc, xuất hiện trong sách giáo khoa thậm chí trong cuộc sống hàng ngày. Học sinh có tâm lý: Cứ nhìn thấy nhiều từ vựng là thấy sợ hãi. Bên cạnh đó, đề thi có một số dạng bài khó như phần viết lại câu, cho dạng đúng của từ, học sinh thường bỏ qua phần này hoặc nếu có làm thì cũng gặp nhiều khó khăn.
Cô Nguyễn Thị Mai Hương đánh giá: Với môn Tiếng Anh, nếu chỉ học theo chương trình sách giáo khoa thì khó có thể xử lý được bài thi tốt. Trong quá trình dạy, nếu như giáo viên không chủ động mở rộng và nâng cao kiến thức, hướng dẫn kỹ năng làm bài cho học sinh thì việc bị điểm kém là hoàn toàn có thể xảy ra. Thêm nữa, việc khơi gợi hứng thú học tiếng Anh trong các giờ học là rất quan trọng. Phổ điểm năm 2019 của TP Hồ Chí Minh môn tiếng Anh cho thấy đề thi khó hơn năm 2018 và đa số học sinh chưa quen với dạng bài, chưa biết cách vận dụng để làm bài thi.
Đề thi sáo mòn, học sinh học máy móc
Phổ điểm ở những môn thi khác như Toán, Ngữ văn, Lịch sử có thể đẹp hơn nhưng phân tích thực trạng cho thấy đề thi vẫn theo cách cũ, học sinh học máy móc.
Bắt đầu từ năm 2018 – 2019, TP Hồ Chí Minh thực hiện cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT theo định hướng mới, yêu cầu nhẹ nhàng hơn về kiến thức nhưng nâng cao tính ứng dụng vào thực tiễn.
Đánh giá về đề thi, các thầy cô trong tổ Toán, Hệ thống giáo dục HOCMAI cho biết: Căn cứ theo số liệu thống kê của Sở GD- ĐT Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, phổ điểm môn Toán không có sự thay đổi nhiều so với năm 2018. Điểm số có lượng thí sinh đạt nhất là điểm 5,25. So với năm 2018, tỷ lệ thí sinh đạt điểm trên trung bình năm 2019 tăng từ 48,77% lên 50,4%, tăng khoảng 1,63 %. Đề thi năm nay được đánh giá khó hơn. Đề thi có đến 5 bài toán liên quan đến kiến thức thực tế, đề bài dài nhưng thú vị. Để làm tốt được những bài này, học sinh cần có kỹ năng đọc hiểu và tính toán tốt. Một số bài toán có dạng khá mới sẽ làm khó học sinh như bài 3 và bài 6. Số thí sinh đạt điểm 10 ít hơn so với năm ngoái nhưng vẫn có số lượng lớn lên tới 228 điểm 10 (nhiều hơn hẳn so với môn Ngữ văn với 0 điểm 10 và môn Ngoại ngữ với 56 điểm 10). Tuy nhiên, có trên 50% số học sinh đạt điểm trên trung bình, đây là tín hiệu mừng cho các thí sinh. Bên cạnh đó, dù đề thi có những ý rất cơ bản nhưng có hơn 100 em bị điểm 0, tuy số lượng này ít hơn năm ngoái nhưng cũng đáng báo động. Điều này cho thấy cần phải điều chỉnh lại cách dạy, cách học trong các trường cho phù hợp với xu hướng ra đề 2 năm vừa qua.
Căn cứ theo số liệu thống kê của Sở GD - ĐT Hà Nội cho thấy, phổ điểm môn Toán không có sự thay đổi nhiều so với năm 2018. Điểm số có lượng thí sinh đạt nhất là điểm 6,5 - điểm khá đẹp.
Tổ Toán, Hệ thống Giáo dục HOCMAI đánh giá: Đề thi năm nay có sự điều chỉnh về hình thức với một câu hình không gian - phần vốn không xuất hiện trong các năm trước. Câu hình chỉ còn ba ý (các năm trước là bốn). Tỷ lệ điểm phần Hình học/Đại số là 7/3 thay vì 6,5/3,5 như mọi năm. Tuy nhiên các dạng bài đều khá quen thuộc với học sinh, do đó việc có trên 80% số học sinh đạt điểm từ trung bình trở lên cũng là điều dễ hiểu. Mặt khác, giáo viên chỉ cần dạy học sinh theo đúng dạng bài, học sinh chỉ cần luyện tập theo dạng bài đó là có thể đạt yêu cầu. Như vậy liệu có nên điều chỉnh cấu trúc đề thi để học sinh không bị học máy móc và đưa Toán học tới gần hơn với thực tiễn cuộc sống, đây là một vấn đề cần các nhà giáo dục suy nghĩ.
Ngay khi kết thúc môn thi Ngữ văn, đề thi Ngữ văn ở Hà Nội mang lại nhiều sự thất vọng đối với giáo viên. Dựa vào kết quả thi của thí sinh, phổ điểm môn Ngữ văn không có sự thay đổi nhiều so với năm trước. Tỷ lệ học sinh đạt điểm Ngữ văn trên trung bình (lớn hơn hoặc bằng 5 điểm) chiếm 87,24%. Điểm số có thí sinh đạt được nhiều nhất là điểm 7,5, một điểm số được nhận định là điểm số khá cao. Tỷ lệ học sinh đạt điểm dưới trung bình chiếm 12,76% tổng số thí sinh tham gia dự thi. Năm nay, với môn Ngữ văn, Hà Nội có 56 bài thi bị điểm 0 và không có bài thi đạt điểm 10. Tỷ lệ thí sinh đạt 9 điểm Ngữ văn trở lên chỉ chiếm 0,4%.
Tổ Ngữ văn, Hệ thống giáo dục HOCMAI đánh giá: Tham khảo cấu trúc đề thi và phổ điểm môn Toán, chúng ta dễ nhận thấy không có nhiều sự thay đổi trong cách ra đề của 2 môn Toán - Văn trong những năm gần đây. Cả 2 môn đều có phổ điểm lệch phải với điểm trung vị đều lớn hơn hoặc bằng 6,5 (phản ánh quá nửa số thí sinh có điểm trên 6,5). Điều đó cho chúng ta kết luận cấu trúc đề thi quá quen thuộc, giáo viên và học sinh không bị thụ động trong công tác ôn tập chuẩn bị trước kỳ thi, hơn nữa Toán - Văn lại là 2 môn thi bắt buộc từ lâu nên càng được các trường tập trung đầu tư giảng dạy ngay từ đầu năm học. Vì thế điểm thi cao ở cả 2 môn này là điều dễ hiểu.
Phân tích về môn Lịch sử, tổ Lịch sử, Hệ thống giáo dục HOCMAI cho biết: Phổ điểm thi vào 10 môn Lịch sử của Hà Nội năm 2019 phản ánh một đề thi không lí tưởng, đỉnh phổ lệch hẳn về bên phải, trong 84.908 thí sinh dự thi có tới gần 1/4 đạt điểm từ 8 – 9 điểm, 951 điểm 10, gần 90% số bài thi trên trung bình và không có điểm 0. Về chất lượng của đề thi vẫn còn để lại nhiều băn khoăn đối với dư luận. Hi vọng, những điểm hạn chế của đề thi sẽ được cải thiện trong những kì thi năm sau để nó thực sự là công cụ đánh giá chính xác chất lượng dạy và học môn học này.
Như vậy, nhìn nhận chung của các giáo viên về đề thi, kết quả thi cho thấy nhà trường cần phải xem lại cách dạy, cách học của học sinh và những đổi mới trong cách ra đề thi. Với yêu cầu đổi mới trong cách dạy, đánh giá năng lực học sinh hiện nay, ra một đề thi quá "an toàn" có tác dụng ngược lại với nỗ lực đổi mới.