Tư vấn cho học sinh dân tộc nội trú chọn hướng phát triển phù hợp

Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có 6 trường Phổ thông dân tộc nội trú và một trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú với tổng số hơn 4.000 học sinh theo học.

Hằng năm, các trường phối hợp với một số cơ quan, đơn vị tổ chức từ 1 - 2 đợt tư vấn, định hướng tuyển sinh và nghề nghiệp cho các em, đặc biệt là với học sinh dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn, giúp lựa chọn hướng đi phù hợp. 

Chú thích ảnh
Buổi tư vấn nghề nghiệp cho học sinh Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang.

Bí thư Tỉnh đoàn Kiên Giang Phan Đình Nhân cho biết, hằng năm, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, một số đơn vị tổ chức hàng chục buổi tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên. Các đơn vị phối hợp với trường học đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên và thanh niên. Từ năm 2022 đến nay, trung bình mỗi năm các cấp bộ Đoàn giới thiệu việc làm cho hơn 2.000 học sinh, thanh niên, trong đó có hơn 500 em là dân tộc thiểu số.

Tại buổi tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp diễn ra chiều 21/6, do Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang tổ chức, 203 học sinh lớp 12 của trường đã được nghe lãnh đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Gò Quao, lãnh đạo Trường và doanh nghiệp tư vấn về công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024; thông tin về tình hình lao động, việc làm; một số chính sách dành cho học sinh, sinh viên học nghề và đi lao động ở nước ngoài; việc chọn ngành nghề phù hợp với bản thân sau khi có kết quả thi Trung học phổ thông…

Sau khi nghe tư vấn, nhiều học sinh nêu những thắc mắc, băn khoăn về cơ hội việc làm, chọn ngành nghề để có thêm thông tin, kiến thức về cơ hội việc làm sau khi ra trường. Em Nguyễn Minh Thư, học sinh lớp 12A, Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Kiên Giang chia sẻ, hoàn cảnh gia đình em tương đối khó khăn, cha mẹ làm ruộng và trồng hoa màu nhưng ít đất sản xuất nên nhiều năm qua chỉ đủ sống chứ không dư giả.

Bên cạnh học phổ thông, em cũng học ngành Lễ tân tại Trường và có bằng Trung cấp nghề này. Qua tìm hiểu, Minh Thư nhận thấy đi lao động tại Nhật Bản sẽ có thu nhập tốt hơn nên dự định sắp tới sẽ đi lao động tại quốc gia này với ngành Lễ tân nhà hàng khách sạn. Qua buổi tư vấn, em đã nắm rõ hơn tình hình và yên tâm hơn với ý định đi lao động tại Nhật của mình.

Em Danh Thành Kiên, học sinh lớp 12A2, Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Kiên Giang chia sẻ, trước đây, em dự định sẽ học liên thông lên đại học xong mới đi làm. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình và sau những buổi tư vấn của các thầy, cô giáo và người thân, em đã thay đổi ý định và quyết định sẽ xin việc làm phù hợp với ngành Công nghệ ô tô mà em đã học tại Trường.

Chú thích ảnh
Buổi tư vấn nghề nghiệp cho học sinh Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang.

Ông Ngô Văn Ngàn, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang cho biết, học sinh của Trường bên cạnh học chương trình phổ thông còn học một số ngành nghề trung cấp như: công nghệ ô tô, kỹ thuật sửa chữa và lắp ráp máy tính, kỹ thuật điều hòa không khí, bảo vệ thực vật, nghiệp vụ nhà hàng…

Song song với các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh được nhà trường đặc biệt chú trọng. Qua đó, tỷ lệ học sinh có việc làm sau khi ra trường đạt trên 90%.

“Nhà trường phối hợp với một số đơn vị như: Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh, cùng một số doanh nghiệp chuyên tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp để định hướng chọn ngành nghề, việc làm cho học sinh. Cùng với đó, Trường tăng cường liên kết với một số công ty, doanh nghiệp để giới thiệu việc làm, giúp các em có được việc làm và ổn định cuộc sống”, ông Ngàn thông tin thêm.

Tin, ảnh: Văn Sĩ (TTXVN)
Đầu tư cơ sở hạ tầng các trường dân tộc nội trú
Đầu tư cơ sở hạ tầng các trường dân tộc nội trú

Sóc Trăng có trên 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai kịp thời các chủ trương của Đảng, Nhà nước trong hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, nâng cao trình độ dân trí. Đặc biệt, tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất tại các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN