Thiệt hại lớn
Sau cơn bão số 3, ngành Giáo dục chịu thiệt hại rất lớn. Trong đó, chỉ tính riêng SGK, thống kê chưa đầy đủ ở các trường học của 18 tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi bão số 3 đã mất gần 41.600 bộ SGK. Trong đó, ở bậc tiểu học thiệt hại khoảng gần 24.000, THCS khoảng gần 10.600 và THPT khoảng hơn 7.000 bộ SGK.
Yên Bái là tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất, khi mất hơn 35.000 bộ sách, kế đến là Cao Bằng với hơn 7.400 bộ.
Trường Tiểu học Hồng Thái (Yên Bái) bị ngập sâu gần 4m. Bàn ghế, thiết bị dạy học hư hỏng, máy móc và toàn bộ thư viện với khoảng 5.000 cuốn sách các loại chìm trong nước, không thể sử dụng. Nhà của hơn 400/632 học sinh của trường bị ngập, sách vở, đồ dùng học tập của các em cũng trôi theo dòng nước.
Theo thầy Vũ Văn Tấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Thái, điều lo lắng nhất của thầy cô hiện nay là thiếu sách giáo khoa, đồ dùng học sinh và thiết bị dạy học. Trong tuần qua, để có thể nhanh chóng đón học sinh trở lại trường, các thầy cô ở nhiều địa bàn đã nỗ lực phân loại sách, thống kê số còn thiếu để mua và xin cho học sinh. Nhà trường cũng sẽ báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo để đề nghị các nhà xuất bản cung ứng sách giáo khoa.
Tại Bảo Yên (Lào Cai), thống kê cho thấy, 44 trong 68 trường học đã tổ chức dạy học trở lại trong điều kiện thiếu sách giáo khoa, đồ dùng dạy học.
Ông Bùi Minh Tuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Yên cho biết, nhiều em phải xem chung một đầu sách. Để sớm đồng bộ sách giáo khoa, dụng cụ học tập, phòng Giáo dục đã trình kế hoạch mua sắm bổ sung, với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng.
Cấp tập in sách mới
Để khắc phục nhanh chóng việc thiếu SGK, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết đã chỉ đạo các NXB chuẩn bị, sẵn sàng cung ứng SGK tới các địa phương bị ảnh hưởng do bão, để việc học tập không bị gián đoạn. Bộ cũng kêu gọi các NXB, tổ chức và cá nhân tài trợ SGK cho học sinh.
PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cho biết, qua thống kê sơ bộ, 25 tỉnh khu vực phía Bắc cần bổ sung khoảng 190 đầu sách các loại, từ lớp 1 đến 12.
Ông Tùng cho hay, nhà xuất bản đã cho in ngay 10 triệu bản sách giáo khoa, cộng với số sách còn trong kho sẽ được khoảng 18 triệu bản. Đơn vị này hiện giữ bản quyền bộ "Chân trời sáng tạo" và "Kết nối tri thức với cuộc sống". Chi phí in 10 triệu bản sách khoảng dưới 30 tỷ đồng. Sau khi có số liệu chính xác nhu cầu của các địa phương, nếu còn thiếu, nhà xuất bản sẽ in thêm. Với số sách này, nhà xuất bản sẽ giảm 10% giá bìa. Ngoài ra, 2.200 bộ sách giáo khoa đã được trao tặng các tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất như Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ.
Đại diện Công ty VEPIC (đơn vị phối hợp với các NXB tổ chức biên soạn, phát hành bộ SGK Cánh diều) huy động số sách tồn kho là 4,5 triệu bản và in thêm 500.000 bản để kịp thời cung ứng. Đồng thời, Công ty VEPIC có chính sách hỗ trợ giảm 50% giá SGK cho nhà trường, học sinh các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão. Bên cạnh đó, công ty đã tặng sách cho học sinh nghèo toàn tỉnh Yên Bái; hỗ trợ trực tiếp cho học sinh 50% giá bìa đối với các SGK mua để thay thế số sách bị hỏng do bão số 3.
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục khẩn trương tập trung rà soát, đánh giá thiệt hại, tổng hợp báo cáo để đề xuất các cơ quan thẩm quyền hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả. Hiện các địa phương đang trong quá trình thống kê chi tiết thiệt hại về phòng học và trang thiết bị dạy học.
Bộ GD&ĐT cũng họp với Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF Việt Nam) và các tổ chức quốc tế: Tổ chức Cứu trợ trẻ em, Plan International, Tổ chức Hành động vì giáo dục (AEA)… Các tổ chức cam kết vận động để hỗ trợ ngành Giáo dục tối thiểu 4,05 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ thực phẩm đồ uống, sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học sinh. Đồng thời, Bộ GD&ĐT kêu gọi NXB Giáo dục và các NXB hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh vùng bão lũ, sạt lở…
Mới đây, trong chuyến công tác tại Yên Bái, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chiđã lưu ý với ngành Giáo dục địa phương về việc tập trung ổn định tinh thần, tư tưởng cho học sinh, giáo viên, phụ huynh; về việc tổng hợp thiệt hại đầy đủ, chính xác để có các đề nghị giải pháp khắc phục. Trong bối cảnh thiên tai có nhiều diễn biến phức tạp, theo Thứ trưởng, về lâu dài, cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục về việc phòng, chống thiên tai, tích hợp vào các môn học để học sinh, giáo viên nâng cao khả năng ứng phó.
Tại Lào Cai và Yên Bái, Bộ GD&ĐT đều đã trao hỗ trợ cho ngành Giáo dục mỗi tỉnh số tiền 1 tỷ đồng. Hỗ trợ cho gia đình học sinh thiệt mạng và mất tích mỗi trường hợp 10 triệu đồng, học sinh bị thương mỗi em 2 triệu đồng, học sinh bị thương và mất người thân hỗ trợ 5 triệu đồng, giáo viên bị thương hỗ trợ 5 triệu đồng, hỗ trợ cho gia đình giáo viên thiệt mạng mỗi trường hợp 30 triệu đồng…