Năm nay, giải thưởng đã thu hút hơn 2.000 thí sinh đến từ 100 trường đại học, học viện, cao đẳng trong cả nước tham gia với 858 đề tài. Trải qua các vòng sơ loại cấp trường và vòng bán kết toàn quốc, 156 đề tài đã xuất sắc vào vòng chung kết. Theo đó, Ban tổ chức đã trao hơn 120 giải thưởng cho các thí sinh có đề tài xuất sắc ở các lĩnh vực, trong đó có 10 giải nhất, 14 giải nhì, 15 giải ba. Cùng với đó, Ban tổ chức đã trao hỗ trợ kinh phí cho 6 đề tài có khả năng ứng dụng cao tiếp tục nghiên cứu phát triển với mức kinh phí 30 triệu đồng/1đề tài.
Một số đề tài nổi bật đoạt giải nhất như: "Kết nối mô hình giáo dục STEM trong đào tạo giáo viên Toán thời đại 4.0" của nhóm sinh viên Trường đại học Cần Thơ (lĩnh vực Giáo dục); “Biện pháp truất hữu vì bảo vệ môi trường trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế giữa Nhà nước và nhà đầu tư - Thực tiễn và kinh nghiệm cho Việt Nam” của nhóm sinh viên Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (lĩnh vực Pháp lý); đề tài “Nghiên cứu nâng cao hiệu quả vi bao hợp chất màu anthocyanin vào trong tế bào nấm men” của nhóm sinh viên Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (lĩnh vực Công nghệ thực phẩm); Đề tài “Giải pháp "tái sử dụng thích ứng" không gian chung cư cũ 42 Nguyễn Huệ tại Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình chuyển đổi” của nhóm sinh viên Trường đại học kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh (lĩnh vực Quy hoạch kiến trúc xây dựng)…
Giải thưởng năm nay được triển khai và thực hiện từ tháng 7-11/2019. Đối tượng tham gia Giải thưởng là sinh viên đang học tập tại các trường cao đẳng, đại học và học viện trên toàn quốc, theo 2 hình thức: cá nhân hoặc nhóm. Giải thưởng năm nay có 12 lĩnh vực, bao gồm: Xã hội và nhân văn; Giáo dục; Kinh tế; Pháp lý; Kỹ thuật - Công nghệ; Quy hoạch, Kiến trúc và Xây dựng; Công nghệ thông tin; Công nghệ Hóa, Dược; Công nghệ Sinh - Y sinh; Nông lâm ngư nghiệp; Tài nguyên và Môi trường, Công nghệ thực phẩm.