TP Hồ Chí Minh: Xây dựng hệ thống giáo dục thống nhất, hiện đại và toàn diện

Sau khi hoàn tất việc sáp nhập ngành giáo dục và đào tạo của ba địa phương TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều giải pháp quan trọng, hướng tới xây dựng một hệ thống giáo dục thống nhất.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, nhấn mạnh vai trò của sự điều phối chặt chẽ giữa các khu vực để đảm bảo quyền học tập của học sinh và duy trì chất lượng giáo dục đồng đều trên toàn địa bàn mới.

Theo đó, trọng tâm là xây dựng phương án tuyển sinh lớp đầu cấp cho năm học 2026 - 2027 phù hợp với đặc điểm địa bàn sau sáp nhập. Các phó giám đốc phụ trách khu vực 2 (Bình Dương cũ) và khu vực 3 (Bà Rịa - Vũng Tàu cũ) được giao trực tiếp chỉ đạo Phòng Quản lý chất lượng tại mỗi khu vực cử chuyên viên tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh, rà soát nguyện vọng của phụ huynh và hỗ trợ việc chuyển trường theo nhu cầu thực tế, đảm bảo không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình điều chỉnh địa giới hành chính.

Chú thích ảnh
Học sinh TP Hồ Chí Minh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2025.

Song song đó, Phòng Giáo dục phổ thông được yêu cầu chủ trì phối hợp với Phòng Quản lý chất lượng tham mưu sớm phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2026 - 2027 để học sinh, giáo viên và các cơ sở giáo dục có đủ thời gian định hướng chương trình dạy và học phù hợp.

Cùng với công tác tuyển sinh, Sở cũng chỉ đạo chuẩn bị nhân sự và hạ tầng cho năm học 2025 - 2026, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ của Phòng Tổ chức cán bộ trong việc rà soát số lượng giáo viên hiện có và nhu cầu tuyển dụng theo từng cấp học, môn học. Việc đặt hàng đào tạo giáo viên các môn còn thiếu tại Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Trường ĐH Sài Gòn sẽ được triển khai; đồng thời áp dụng phần mềm quản lý cán bộ để hỗ trợ công tác bổ nhiệm và phân cấp cho chính quyền địa phương.

Về cơ sở vật chất, Phòng Kế hoạch - tài chính được giao rà soát quy mô trường lớp trên toàn địa bàn sau sáp nhập, phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp để theo dõi tiến độ các dự án xây mới, nâng cấp trường học trong chu kỳ 2026 - 2030, đáp ứng nhu cầu chỗ học ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng chủ trương rà soát và thống nhất các loại hình dịch vụ giáo dục đang triển khai ở ba khu vực, làm cơ sở tham mưu UBND Thành phố trình HĐND trong kỳ họp sắp tới. Một nội dung đáng chú ý là việc nghiên cứu chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh các trường ngoài công lập tại khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu cũ, dựa trên thực tế đã triển khai trước đây. Các vấn đề liên quan đến học phí, thu chi đầu năm học, đầu tư công và chỉ tiêu tuyển sinh cho các Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp cũng đang được tổng hợp để chuẩn bị triển khai trong năm học mới.

Song song đó, Giám đốc Sở chỉ đạo khẩn trương triển khai việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào chương trình giảng dạy bắt đầu từ năm học 2025 - 2026. Phòng Giáo dục phổ thông được giao chủ trì phối hợp với Trường ĐH Sài Gòn và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo giáo viên nhằm nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ trong dạy học. Đây là bước đi quan trọng trong chiến lược hiện đại hóa giáo dục, tạo tiền đề xây dựng hệ sinh thái giáo dục số, thích ứng với xu thế phát triển toàn cầu.

Ở lĩnh vực quản lý, Sở tăng cường kiểm tra và giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập, giao Phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập phối hợp với chính quyền các phường, xã, đặc khu thường xuyên kiểm tra, đảm bảo các đơn vị hoạt động đúng pháp luật. Với giáo dục mầm non, yêu cầu được đặt ra là siết chặt quản lý các nhóm trẻ, trường tư thục về đội ngũ, cơ sở vật chất và an toàn cho trẻ. Đồng thời, Phòng Kiểm tra - pháp chế được giao chủ trì xây dựng kế hoạch kiểm tra chung toàn năm học 2025 - 2026, tránh trùng lặp, đảm bảo tính hợp lý và tuân thủ pháp luật.

Một điểm đáng chú ý khác là Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đang nghiên cứu phương án đề xuất không cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ ra chơi và các hoạt động giáo dục tại trường (trừ khi được giáo viên cho phép phục vụ việc học); đồng thời sẽ tổ chức các hoạt động thể chất, thể thao trong giờ ra chơi nhằm khuyến khích học sinh tăng cường vận động và gắn kết cộng đồng bạn bè. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục thành lập Ban kiểm soát nội bộ với sự tham gia của cha mẹ học sinh để giám sát hiệu quả công tác vệ sinh trường học, bếp ăn bán trú, an toàn thực phẩm và các hoạt động khác trong nhà trường.

Tin, ảnh: Hương Trần/Báo Tin tức và Dân tộc
Ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh có quy mô lớn nhất cả nước sau sáp nhập
Ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh có quy mô lớn nhất cả nước sau sáp nhập

Sau khi chính thức hợp nhất với hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh hiện có quy mô lớn nhất cả nước với khoảng 2,6 triệu học sinh, gần 3.500 trường học và hơn 110.000 giáo viên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN