TP Hồ Chí Minh: Khó đảm bảo chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh về tình hình thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023 vừa gửi đến UBND TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo Sở đã chỉ ra nhiều khó khăn về công tác quy hoạch và xây dựng trường lớp nhằm đảm bảo chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học.

Theo nhận định của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016 - 2020, TP Hồ Chí Minh chỉ đạt tỷ lệ 43,38% số phòng học đưa vào sử dụng, đây là tỷ lệ quá thấp dẫn đến điều kiện đảm bảo chỗ học đáp ứng nhu cầu và đạt theo quy chuẩn luôn là áp lực lớn đối với Thành phố.

Chú thích ảnh
Hiện TP Hồ Chí Minh chỉ có 10/22 địa phương đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học.

Ước tính đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh cần 8.889 phòng học mới; trong đó bậc Tiểu học cần nhiều phòng học nhất với 4.789 phòng, bậc THCS cần 2.330 phòng, bậc Mầm non cần 1.011 và bậc THPT cần 750 phòng.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 10/22 địa phương (chiếm 45%) đã thực hiện đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số độ tuổi đi học. Còn 12/22 địa phương (chiếm 55%) đang tiếp tục triển khai thực hiện nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện chỉ tiêu của nghị quyết.

Theo đó, một số quận, huyện có tiến độ thực hiện chậm do đa số tập trung ở các khu vực có áp lực gia tăng dân số cơ học mỗi năm ở mức cao, như Quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân và các huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng trường lớp tại TP Hồ Chí Minh đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, việc thực hiện chỉ tiêu quy hoạch đất giáo dục tại các quận, huyện đến nay còn thấp, đạt chưa đến 50% so với chỉ tiêu đã được Thành phố phê duyệt. Định mức diện tích đất/học sinh đối với các quận khu vực nội thành chưa đảm bảo theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát tình hình nhập cư vào các địa bàn quận, huyện cửa ngõ và tập trung các khu chế xuất, khu công ngiệp trên địa bàn thành phố chưa hiệu quả dẫn đến dân số cơ học tăng nhanh, làm ảnh hưởng đến công tác dự báo, phá vỡ các đồ án quy hoạch đã phê duyệt, tạo áp lực về cơ sở hạ tầng và nhu cầu chỗ học cho con em trong độ tuổi đi học.

Từ hệ quả của việc dân số tăng nhanh và áp lực chỗ học cho con em trên địa bàn dẫn đến quá trình triển khai các dự án giáo dục gặp nhiều khó khăn trong giải quyết bồi thường giải phóng mặt bằng để xây dựng trường học. Số dự án giáo dục đăng ký đầu tư công lớn, tuy nhiên khả năng cân đối ngân sách Thành phố để đầu tư có hạn.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 hiện gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn ngân sách, quỹ đất sạch phù hợp với quy hoạch giáo dục cơ bản đã triển khai thực hiện; còn nhiều dự án vướng công tác bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng dẫn đến khó và chậm triển khai theo kế hoạch đề ra, ảnh hưởng nhiều đến số phòng học dự kiến đưa vào sử dụng hằng năm theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, theo quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó định mức diện tích đất bình quân/học sinh ở các cấp học, với định mức khá cao trong điều kiện đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo không ít khó khăn trong công tác xây dựng, đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp và tăng số lượng phòng học ở tất cả các cấp học hiện nay trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các khu vực trong nội thành.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Chính sách để đảm bảo chất lượng chương trình giáo dục mầm non mới
Chính sách để đảm bảo chất lượng chương trình giáo dục mầm non mới

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xúc tiến biên soạn, chuẩn bị một chương trình cho giáo dục mầm non kiểm soát được chất lượng cũng như có sự đầu tư. Để có điều này, ngành giáo dục cần những rà soát mang tính quy mô về nguồn lực giáo viên cũng như cơ sở vật chất để đáp ứng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN