Dịch COVID-19 kéo dài, trong khi các bậc học khác có thể chuyển đổi hình thức dạy và học trực tuyến thì bậc học mầm non đóng cửa hoàn toàn do đặc thù lứa tuổi trẻ, hoạt động chăm sóc, giáo dục phải được tổ chức tại trường. Đến nay, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa xác định mốc thời gian mở cửa lại trường học. Nghỉ dạy vì dịch, giáo viên khối công lập được chi trả lương theo chính sách chung nhưng nhiều giáo viên mầm non ngoài công lập có thể bị giảm, mất thu nhập do trường học mất nguồn thu, không có tiền chi trả, hỗ trợ.
Chật vật lo toan
Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát và kéo dài tại TP Hồ Chí Minh tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống người dân, hoạt động giáo dục cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đầu năm học 2021-2022, các bậc từ tiểu học đến trung học phổ thông tại thành phố phải bắt đầu năm học mới với hình thức dạy và học trên môi trường internet. Do đặc thù lứa tuổi, đến nay, bậc học mầm non vẫn chưa thể bắt đầu năm học mới. Trường học đóng cửa, giáo viên nghỉ dạy, thu nhập giảm, thậm chí không có thu nhập khiến cuộc sống của nhiều người gặp khó khăn.
Gắn bó với nghề đã gần 10 năm nhưng lần đầu tiên cô Nguyễn Thị Diễm, giáo viên tại một trường mầm non tư thục tại Quận 1 phải nghỉ dạy kéo dài như lúc này. Trước đây, lương của cô Diễm khoảng 8 triệu đồng/tháng, trong 3 tháng đầu nghỉ do dịch, nhà trường hỗ trợ 60 - 70% mức lương. Chồng của cô Diễm cũng rơi vào cảnh thất nghiệp trong suốt những tháng cao điểm dịch của thành phố. Với số tiền hỗ trợ đó, gia đình cô phải tiết kiệm mới có thể cân đối chi tiêu để đảm bảo cuộc sống hằng ngày. Nhà trường đóng cửa kéo dài không có nguồn thu nên khoản hỗ trợ cho giáo viên bị cắt giảm dần. Trường chỉ có thể hỗ trợ cho những trường hợp hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn với mức một triệu đồng/tháng.
Theo cô Diễm, khoản tiết kiệm tích lũy của gia đình cũng dần cạn kiệt. Thời điểm có thể quay trở lại trường dạy học cũng chưa xác định nên cả gia đình cô phải đăng ký trở về quê ngay khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội. Rất yêu nghề nên khi mở cửa lại trường học, cô Diễm dự định sẽ trở lại thành phố để tiếp tục công việc.
Mới ra trường và đi làm được hơn một năm nhưng trường học liên tục phải đóng cửa vì dịch, cô Kim Cúc, Trường mần non Bé Thông Minh (thành phố Thủ Đức) chưa được đóng bảo hiểm xã hội. Khi trường học đóng cửa, cô Cúc không có lương, thời điểm thành phố thực hiện giãn cách, cô không thể tìm một công việc khác để có thu nhập trang trải cuộc sống. Bớt được khoản tiền nhà trọ hằng tháng do sống cùng người thân nhưng cô cũng rất chật vật trong cuộc sống. Do vậy, ngay khi thành phố nới lỏng giãn cách, chờ trường học mở cửa trở lại, cô Cúc đã nộp hồ sơ làm công nhân trong khu công nghiệp.
Dịch kéo dài, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải đóng cửa, không có nguồn thu khiến những cơ sở này gặp nhiều khó khăn về tài chính để duy trì hoạt động. Theo các chủ trường mầm non ngoài công lập, khó khăn chung của cơ sở mầm non ngoài công lập đó là chi phí thuê mặt bằng và giữ chân giáo viên.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, việc trẻ tạm dừng đến trường do dịch đã ảnh hưởng đến một số hoạt động giáo dục cũng như đời sống của đội ngũ giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là cơ sở ngoài công lập. Trong đó, các cơ sở ngoài công lập không có kinh phí trả tiền thuê mặt bằng, lương cho nhân viên hợp đồng lao động, nhiều cơ sở phải ngừng hoạt động, đội ngũ biến động liên tục. Thống kê trong năm học 2020-2021 đã có 151 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải giải thể, ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch (gồm 27 trường, 124 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập).
Thêm chính sách hỗ trợ
Năm học 2020-2021, TP Hồ Chí Minh có 1.368 trường mầm non (trường công lập chiếm 34,5%, trường ngoài công lập chiếm 65,5%) và 1.806 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, mầm non độc lập với hơn 355.000 trẻ. Dự kiến, năm học 2021-2022, thành phố tăng thêm 27 trường mầm non, quy mô học sinh tăng thêm hơn 5.000 trẻ. Theo nhận định của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, đây là năm học chưa có tiền lệ, trong đó, bậc mầm non chịu nhiều thiệt thòi nhất do hạn chế về phương pháp dạy học.
Thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ để giáo viên mầm non gắn bó với nghề, đồng thời thu hút thêm nguồn lực giáo viên cho thành phố. Cụ thể năm học 2020-2021, ngành giáo dục thành phố triển khai Nghị quyết 01 của HĐND thành phố về hỗ trợ giáo viên mầm non mới ra trường được tuyển dụng, với kinh phí 248 tỷ đồng, triển khai Nghị quyết 04 của HĐND thành phố về hỗ trợ đối với giáo viên hợp đồng lao động dưới 12 tháng và nhân viên nuôi dưỡng tại các cơ sở giáo dục mầm non là 206 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai một số chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn, vẫn còn người lao động chưa được nhận hỗ trợ.
Trước những khó khăn của các trường trong việc hỗ trợ chi trả lương cho giáo viên trong thời điểm này, theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, thành phố thực hiện chính sách không thu học phí học kỳ 1 năm học 2021-2022 nhưng ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ học phí cho các trường. Trong thời gian chờ, các trường có thể linh động sử dụng kinh phí chi thường xuyên cho khoản tiền điện, nước, văn phòng phẩm để chi hỗ trợ cho giáo viên trước. Riêng những giáo viên, nhân viên chưa được nhận hỗ trợ do đang trong thời gian thử việc, chưa đóng bảo hiểm xã hội… Sở tiếp tục làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để có phương án trình UBND thành phố quy định thêm một số chế độ hỗ trợ phù hợp. Về chính sách chung cho giáo viên mầm non, tới đây, Sở sẽ trình HĐND thành phố thông qua quy định về hỗ trợ học sinh và giáo viên ở các trường mầm non tại khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đầu tháng 11 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã triển khai kế hoạch thực hiện Nghị định số 105 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non. Kế hoạch gồm các nhóm giải pháp cụ thể về đầu tư, ưu tiên phát triển giáo dục mầm non, hỗ trợ trẻ mầm non. Đặc biệt, trong đó có nhóm giải pháp đối với giáo viên bậc học này như hỗ trợ thêm về thu nhập, tài liệu và chi phí tập huấn cho giáo viên...