Thầy trò vùng biên giới Bình Phước nỗ lực vượt khó học trực tuyến

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc học trực tuyến thời gian qua tại một số địa bàn của tỉnh Bình Phước gặp không ít khó khăn.

Tuy vẫn còn địa phương chưa có mạng internet, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế, nhưng ngành giáo dục và chính quyền địa phương đang nỗ lực vượt khó để hỗ trợ các em được tiếp cận với việc học bằng hình thức trực tuyến. 

Chú thích ảnh
Trường THCS và THPT Đắk Mai (thuộc địa bàn xã biên giới Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập) hỗ trợ học sinh học trực tuyến. Ảnh: TTXVN phát

Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Đắk Mai, thuộc địa bàn xã biên giới Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập. Đây là địa bàn vùng biên giới, xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Bình Phước, học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Trong năm học 2021-2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc triển khai dạy và học trực tuyến của thầy trò Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Đắk Mai gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, từ đầu năm học đến nay, với sự nỗ lực của tập thể giáo viên nhà trường, tất cả các em đều được tiếp cận với những kiến thức tối thiểu qua những cách dạy khác nhau như: học nhóm, Zalo, Zoom, Google meet…

Em Thị Như (xã Bù Gia Mập) lớp 6 là người dân tộc thiểu số S’tiêng cho biết: Nhà em hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Đầu năm học, khi nhà trường thông báo học trực tuyến, gia đình em rất lo vì không biết sẽ học như thế nào. Sau khi biết hoàn cảnh của nhà em, thầy hiệu trưởng đã mang tài liệu cho em học. Em cũng như gia đình cảm ơn thầy cô đã tạo điều kiện để em học tập tốt nhất. Em mong dịch bệnh sẽ đi qua, sớm đến trường gặp thầy cô và bạn bè, để học tập tốt hơn.

Thời gian đầu, tình trạng thiếu trang thiết bị học trực tuyến khiến thầy cô ở Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Đắk Mai lo lắng. Song, với trách nhiệm và tình yêu thương của người “gieo chữ” nơi vùng biên, thầy cô giáo nơi đây đã cố gắng để các em có thể tiếp cận được những kiến thức cơ bản đầu năm học mới.

Ngoài những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, số còn lại cũng luôn được các thầy cô giáo tận tình theo dõi tình hình học trực tuyến sao cho phát huy hiệu quả cao nhất. Em Võ Thị Anh Thi (xã Bù Gia Mập) học sinh lớp 11 rất may mắn khi có điều kiện học trực tuyến tại nhà bằng điện thoại thông minh. Dù đã làm quen với hình thức học mới này nhưng em vẫn cảm thấy gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức. Được các thầy cô thường xuyên thăm hỏi, động viên nên em cũng bớt thấy khó. Em Võ Thị Anh Thi chia sẻ, việc học trực tuyến so với được thầy cô giảng dạy trên lớp gây rất nhiều khó khăn. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đôi khi đang học mạng bị trục trặc, lúc đầu em không trao đổi được với thầy cô nhiều. Được các thầy cô hướng dẫn xử lý sự cố trực tuyến nên dần dần em học cũng tốt hơn.

Năm học 2021-2022, Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Đắk Mai có 645 học sinh với 21 lớp học và 41 cán bộ, giáo viên. Trong đó, học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 71,2% và có đến 15% học sinh thuộc diện hộ nghèo. Vào đầu năm học, theo khảo sát của nhà trường, số học sinh có đủ điều kiện trang bị học trực tuyến chỉ đạt gần 30%, điều đó cũng đồng nghĩa phần lớn các em phải tự nghiên cứu tài liệu ở nhà do thầy cô cung cấp và hướng dẫn. Đây là một khó khăn, thách thức lớn đối với thầy và trò Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Đắk Mai. Song với tinh thần ngừng đến trường nhưng không ngừng học, tập thể nhà trường đã cố gắng khắc phục khó khăn để học sinh có thể tiếp thu kiến thức bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Chú thích ảnh
Học sinh thuộc địa bàn xã biên giới Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập vượt khó học trực tuyến. Ảnh: TTXVN phát

Theo thầy Võ Ngọc Sinh, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Đắk Mai, năm học 2021-2022 là một năm học rất khó khăn. Nhà trường cùng một lúc thực hiện hai nhiệm vụ lớn là vừa đảm bảo công tác dạy và học, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Thầy Võ Ngọc Sinh cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước, chúng tôi đã chủ động kế hoạch dạy và học, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh thông qua dạy học trực tuyến; sử dụng các trang mạng như zalo, google meet, dạy học qua Zoom”.

“Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến học sinh nghèo, học sinh khó khăn, không có điều kiện tiếp cận học trực tuyến bởi xã Bù Gia Mập là xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 75%. Với những em không tiếp cận trực tuyến, chúng tôi đã có các giải pháp như: hình thành các nhóm học từ 2 đến 3 em gần nhau, rà soát và photocopy tài liệu gửi đến từng gia đình các em, đảm bảo 100% học sinh có điều kiện tiếp cận với kiến thức năm học mới”, thầy Võ Ngọc Sinh cho biết thêm.

Việc dạy và học trực tuyến là giải pháp đảm bảo an toàn trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay. Vừa qua, Bình Phước đã tổ chức lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thiết bị, mạng internet để học trực tuyến.

Tỉnh ủy Bình Phước cho biết, thời gian qua các cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh đã cùng chung tay giúp được nhiều học sinh có thiết bị học tập. Hiện nay, số học sinh thiếu trang thiết bị học tập đã giảm từ 100.000 em xuống còn hơn 15.000 em.

“Vẫn còn những vùng lõm chưa có sóng internet để học trực tuyến, hơn 15.000 em vẫn chưa có thiết bị học tập dù năm học mới đã bắt đầu. Chúng ta cần nhiều hơn nữa sự sẻ chia, chung tay, cộng đồng trách nhiệm để hỗ trợ các em trong hoàn cảnh khó khăn có được phương tiện học tập trực tuyến”, ông Nguyễn Mạnh Cường - Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước kêu gọi.

K GỬI H (TTXVN)
Thêm 3.300 học sinh khó khăn được hỗ trợ máy tính, thiết bị học online
Thêm 3.300 học sinh khó khăn được hỗ trợ máy tính, thiết bị học online

Với mong muốn chung tay hỗ trợ việc học tập của học sinh trong thời gian giãn cách, 3.300 bộ thiết bị học trực tuyến gồm máy tính, gói internet và các phần mềm học tập sẽ được FPT và quỹ Hy vọng trao cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, với tổng giá trị hơn 8 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN