Hơn 20 năm bám bản, khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn để dạy chữ cho trẻ em vùng cao, thầy Nguyễn Trọng Tài luôn được các đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh tin yêu bởi lòng nhiệt huyết yêu nghề, tình yêu thương con trẻ. Ảnh: TTXVN |
Từ Trường Tiểu học Yên Lâm 1, vượt qua gần 15km đường đất đèo dốc, chúng tôi cũng đến được điểm trường Cọ Cỏm, thôn Thài Khao - điểm trường xa nhất và khó khăn nhất của xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), nơi thầy giáo Nguyễn Trọng Tài cùng hai đồng nghiệp khác đang phụ trách.
Hơn 20 năm bám bản, khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn để dạy chữ cho trẻ em vùng cao, thầy giáo Nguyễn Trọng Tài luôn được các đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh tin yêu bởi lòng nhiệt huyết yêu nghề, tình yêu thương con trẻ, cũng như những thành tích mà thầy đã đạt được.
Sinh ra tại huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm, năm 1993, thầy Nguyễn Trọng Tài nhận công tác tại huyện Hàm Yên. Năm 1997, thầy được phân công giảng dạy tại Trường Tiểu học Yên Lâm 1, xã Yên Lâm, một xã vùng sâu, vùng xa, kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của huyện Hàm Yên. Từ đó, đến nay, thầy Tài luôn bám trường, bám lớp tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa để dạy chữ cho con em đồng bào các dân tộc.
Tính tới nay, điểm trường Cọ Cỏm đã được Nhà nước đầu tư xây dựng ba phòng học và hai phòng cho giáo viên ở và làm việc khá khang trang nhưng điều kiện sinh hoạt vẫn còn nhiều khó khăn. Các thầy, cô ở đây vẫn phải sống trong điều kiện “3 không”: không điện lưới, không sóng điện thoại, không chợ.
Để có điện phục vụ giảng dạy và sinh hoạt, các thầy, cô đã góp tiền mua mô tơ làm thủy điện mini. Để đảm bảo cuộc sống, các thầy tại điểm trường tự trồng rau, nuôi gà, xuống suối bắt cá làm thức ăn...
Thế nhưng, khó khăn nhất vẫn là đường giao thông, toàn bộ tuyến đường dài gần 15km từ trường trung tâm vào đến điểm trường Cọ Cỏm đều là đường đất. Vào những ngày mưa lớn, muốn đến được điểm trường chỉ còn cách đi bộ vì đường lầy lội, trơn trượt, nhiều điểm bị chia cắt bởi nước lũ.
Khó khăn, thiếu thốn là vậy, nhưng hơn 20 năm nay với lòng nhiệt huyết, yêu nghề, thầy Tài đã vượt qua mọi gian nan, thử thách, gắn bó với núi rừng, với các học trò là con em đồng bào dân tộc để dạy chữ, truyền đạt kiến thức giúp các em trưởng thành hơn.
Thầy Nguyễn Trọng Tài cho biết, điểm trường Cọ Cỏm có 19 học sinh, 100% là người Mông, Dao được phân thành ba nhóm lớp: nhóm lớp ghép 1, lớp 2; nhóm lớp 3, lớp 4 và nhóm lớp 5. Ngày mới lên Yên Lâm công tác, các điểm trường chỉ là những ngôi nhà tranh vách nứa, nơi ở của giáo viên cắm bản cũng là những ngôi lều dựng tạm, thiếu thốn trăm bề, nhiều lúc thầy cảm thấy nản lòng. Yêu nghề, thương lũ trẻ, các thầy, cô giáo cắm bản như thầy đã quyết tâm gắn bó, từng bước khắc phục khó khăn để dạy tốt, học tốt.
Bên cạnh những khó khăn về điều kiện sinh hoạt, việc duy trì sĩ số, tỷ lệ chuyên cần của học sinh tới lớp cũng là thử thách không nhỏ đối với các thầy, cô giáo cắm bản. Thầy giáo Nguyễn Trọng Tài chia sẻ, khoảng 5 năm về trước khi trình độ dân trí nơi đây còn thấp, đồng bào chưa nhận thức đúng đắn về quyền lợi của con em mình nên thường xuyên cho con em nghỉ học để phụ giúp gia đình như chăn trâu, đi làm nương, trông em... làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em.
Trước tình trạng đó, thầy đã tới từng gia đình có con em thường xuyên nghỉ học để vận động, tâm sự, giải thích, thuyết phục phụ huynh tiếp tục cho con em mình tới trường. Đồng thời, thầy thường xuyên huy động các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm trong và ngoài nhà trường quyên góp chăn, màn, quần, áo, đồ ăn... giúp đỡ những gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn, góp phần giúp các em tiếp tục tới trường.
Với sự nỗ lực, tình yêu nghề của của thầy giáo Nguyễn Trọng Tài và các thầy cô giáo cắm bản, đến nay, chất lượng giáo dục tại điểm trường Cọ Cỏm ngày càng được nâng cao, tỷ lệ chuyên cần của học sinh luôn đảm bảo, không còn trường hợp học sinh bỏ học, nghỉ học.
Cô giáo Nguyễn Thị Xiêm, Hiệu trưởng Trưởng tiểu học Yên Lâm 1 cho biết, thầy Nguyễn Trọng Tài gắn bó với các điểm trường xa xôi như Gốc Chanh, Thài Khao, Cọ Cỏm đã hơn 20 năm. Mặc dù xa nhà, thầy đã sắp xếp công việc để đến với các bản làng, với các em và đồng bào dân tộc Mông, Dao.
Trong những năm qua, thầy Tài luôn là một thầy giáo trách nhiệm, mẫu mực đối với học sinh và cũng là một giáo viên có thành tích nổi bật của nhà trường trong công tác chuyên môn. Thầy Tài luôn nhiệt tình trong công tác, tâm huyết với nghề, luôn coi trường là nhà, học sinh là con em mình và thầy luôn được đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh yêu mến, kính trọng.
Bà Trần Thị Cúc, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang cho biết, huyện Hàm Yên có trên 100 điểm trường lẻ, vì vậy các giáo viên cắm bản là một yếu tố rất quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục của địa phương. Nhờ có những giáo viên cắm bản, ngành Giáo dục huyện Hàm Yên đã nâng cao được chất lượng giáo dục đại trà tại các điểm vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.