Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định tăng mức hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mẫu giáo và học bổng cho học sinh Tiểu học người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em học mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi có đi học tại các trường học 2 buổi/ngày mức 330.000 đồng/trẻ/tháng (tăng 110.000 đồng theo quyết định cũ). Tỉnh hỗ trợ học bổng cho học sinh Tiểu học có ăn trưa tại trường học 2 buổi/ngày với mức 300.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 100.000 đồng), hỗ trợ học bổng cho học sinh Tiểu học không ăn trưa tại trường 180.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 60.000 đồng). Việc hỗ trợ tiền ăn qua nhiều năm triển khai giúp học sinh đến lớp đạt tỷ lệ cao, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, thể trạng cho trẻ vùng cao tỉnh Khánh Hòa.
Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Nghị quyết hỗ trợ học phí 5 tháng của năm học 2023-2024 đối với toàn bộ trẻ Mầm non và học sinh phổ thông, học sinh giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục công lập, tổng mức hỗ trợ khoảng 44 tỷ đồng.
Ngoài ra, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số nhận sự quan tâm đặc biệt từ các tổ chức chính trị, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Em Phan Thị Thanh, người Mường (sinh năm 2005) quê ở thị trấn Khánh Vĩnh, huyện miền núi Khánh Vĩnh cho biết, sau khi học xong lớp 12 tại địa phương, em tham gia học dự bị năm thứ nhất Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang. Gia đình em Thanh thuộc hộ cận nghèo, một mình mẹ phải nuôi 4 người con ăn học.
Học tập tại trường, Thanh có học bổng nên mọi chi phí ăn ở, học tập không còn là gánh nặng cho gia đình. Tuy vậy, em vẫn cố gắng tìm thêm việc làm ngoài giờ lên lớp để có chi phí phụ giúp gia đình. Được nhận học bổng Vừ A Dính (tháng 10/2023), em rất vui và hứa cố gắng học tập tốt hơn để đền đáp công ơn của mẹ và những người luôn yêu thương em.
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, ngoài quyết sách của tỉnh, sự đồng hành, hỗ trợ tích cực từ các nguồn vận động đóng vai trò quan trọng, giúp các em có điều kiện tốt hơn, vươn lên trong học tập.
Chiều 8/1, chương trình trao tặng học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số, khó khăn của Đoàn công tác do ông Trương Hòa Bình, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dẫn đầu đã được tổ chức tại Khánh Hòa, với tổng giá trị học bổng 700 triệu đồng, động viên kịp thời, góp phần chia sẻ khó khăn, tiếp thêm động lực cho các em vươn lên trong học tập, rèn luyện. Đây là món quà ý nghĩa giúp các em cùng gia đình đón một năm mới thật ấm áp, vui tươi, khởi đầu một năm mới với nhiều hy vọng.
Em Cao Thị Trang, trú tại thôn Lỗ Gia, xã Diên Tân, huyện Diên Khánh, người Raglai, đang học lớp 6/6, Trường Trung học Cơ sở Yersin (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) cho biết, gia đình khó khăn, bố mẹ phải đi làm thuê để nuôi 3 chị em ăn học. Mỗi ngày, Trang phải đạp xe khoảng 15km để đến trường. Con đường đến trường khó khăn là thế nhưng chưa buổi học nào em vắng mặt bởi em luôn khát khao được đi học, sau này có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhận được học bổng của các nhà tài trợ, em rất vui. Em sẽ mua đồ dùng học tập và phụ thêm để bố mẹ chăm lo cho em trai học tập, em Trang chia sẻ.
Năm 2023, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh Khánh Hòa đã đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 1,09%, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều còn 2,11% và không còn hộ nghèo có thành viên trong hộ là người có công.
Từ những kết quả nêu trên, đời sống người dân, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số tiếp tục được cải thiện, chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ bằng nguồn ngân sách của nhà nước và sự quan tâm, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo tinh thần "không một ai bị bỏ lại phía sau". Hiện nay, Khánh Hòa có 124 cơ sở giáo dục có học sinh dân tộc thiểu số với trên 19.500 em.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân khẳng định, các chương trình chăm lo cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số những năm qua được thực hiện tốt. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm, chăm lo thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách cho nhân dân, nhất là học sinh người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.