Bám sát sách giáo khoa, cập nhật kiến thức thực tiễn
Tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Duy Trinh, huyện Nghi Lộc, công tác ôn tập, hỗ trợ cho học sinh cuối cấp đang được triển khai mạnh mẽ. Ngay từ đầu năm lớp 12, nhà trường đã phân loại nhóm năng lực của học trò để định hướng các em trong việc lựa chọn ngành, nghề, trường mình mong muốn. Việc phân loại này cũng giúp giáo viên dễ dàng ôn tập cho học sinh, giúp các em đạt điểm cao nhất trong Kỳ thi sắp tới.
"Nhà trường chỉ đạo các nhóm chuyên môn xây dựng, triển khai các kế hoạch ôn tập hiệu quả cho học sinh khối 12; tổ chức các kỳ thi thử, dạy học phụ đạo miễn phí cho các em. Ngoài dùng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học, chúng tôi còn hỗ trợ học trò ôn tập để tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội… để các em có thêm cơ hội xét tuyển đại học", cô Hoàng Thị Kim Liên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Năm nay, đề thi về cơ bản vẫn giữ ổn định cấu trúc định dạng đề thi như năm 2023. Tuy nhiên, dự kiến có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn, để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học và tăng dần độ phân hóa để kỳ thi đạt được các mục tiêu đề ra. Với định hướng về đề thi như trên, giáo viên các môn học đã có sự chuẩn bị ngay kế hoạch ôn tập kiến thức, kỹ năng cho học sinh cuối cấp.
Toán là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông và cũng là môn không thể thiếu trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Với phương châm “nắm vững cơ bản, sẵn sàng nâng cao”, học sinh phải tập trung vào việc luyện tập các dạng bài tập cơ bản, trọng tâm của từng bài, từng chủ đề.
Cô Phạm Thị Thu Hiền, giáo viên Toán trường Trung học phổ thông Nguyễn Duy Trinh cho biết: “Chúng tôi ôn tập đầy đủ kiến thức chứ không học tủ. Giữa cô và trò, thầy và thầy thường xuyên trao đổi, phân ra các dạng toán, các dạng cơ bản tìm hiểu từ sách tham khảo và nguồn internet hay các địa phương khác. Sau đó, rèn luyện các dạng cho nhuần nhuyễn và phải hiểu được cốt lõi của các dạng. Khi đã hiểu rõ các dạng cơ bản, học sinh tiếp cận các dạng bài tập khó hơn, nâng cao hay còn gọi là nâng dần mức độ hiểu biết thành vận dụng và vận dụng cao. Bên cạnh những phương pháp giáo viên truyền tải, học sinh cần tìm đến sự hỗ trợ của công nghệ để khám phá, mở rộng kiến thức môn Toán và các môn khác”.
Trong công tác ôn tập, trường Trung học phổ thông Hà Huy Tập, thành phố Vinh đã bám sát nội dung, cấu trúc đề thi tốt nghiệp Trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch ôn tập bảo đảm chuẩn kiến thức, ôn tập từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp và cho học sinh làm quen với các dạng đề minh họa. Học sinh lớp 12 sẽ ôn lý thuyết cơ bản trên cơ sở bám sát kiến thức sách giáo khoa và nội dung chương trình hiện hành.
“Thời điểm này, các giáo viên sẽ chủ yếu tổng hợp kiến thức nền tảng cho học sinh và giúp các em rà soát những kiến thức còn thiếu sót để kịp thời bổ sung, rèn luyện. Học sinh sẽ là người chủ động cập nhật kiến thức để chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi. Các em có thể tải các đề thi mẫu, đề minh họa các năm trước để "cọ xát" và qua đó cập nhật thêm những kiến thức giải bài tập và kinh nghiệm thực chiến đề thi sẽ tăng kỹ năng khi làm đề thi thật", thầy giáo Cao Thanh Bảo, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Hà Huy Tập cho biết.
Chuẩn bị nhiều phương án vào đại học
Thời điểm hiện tại, hơn 100 cơ sở giáo dục đại học đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024. Năm nay, các trường có xu hướng giảm chỉ tiêu tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tăng chỉ tiêu tuyển sinh bằng các phương thức khác như: Xét tuyển bằng kỳ thi riêng, xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy...
Phía người học, nhiều em cũng đã chủ động tìm hiểu thông tin, đa dạng các phương thức tuyển sinh để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngôi trường mong ước.
Em Lê Hiếu Ngân (học sinh lớp 12D Trường Trung học phổ thông Nguyễn Duy Trinh, huyện Nghi Lộc) cảm thấy lo lắng, áp lực khi Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 đang đến gần. Trước đó, em đã có bước chuẩn bị dài hơi cho kỳ thi này.
Theo dõi, nắm bắt xu hướng tuyển sinh trong nhiều năm qua, ngay từ lớp 10, Hiếu Ngân đã tập trung cho việc học, cố gắng đạt kết quả học tập tốt nhất để tăng cơ hội trúng tuyển đại học nhờ phương thức xét học bạ và chứng chỉ tiếng Anh IELTS.
“Nguyện vọng của em là được vào Đại học Luật Hà Nội nên em đang cố gắng bổ sung kiến thức thời sự hàng ngày vào ba môn thi Văn, Sử, Địa, cùng với đó sẽ phân bổ thời gian hợp lý giữa ba môn học nhằm đạt được kết quả cao nhất”, em Lê Hiếu Ngân cho biết.
Trong giai đoạn nước rút này, ngoài việc ôn thi theo hướng dẫn của thầy cô trên lớp, em Phan Hữu Lâm (học sinh lớp 12A Trường Trung học phổ thông Diễn Châu 3) còn phân chia thời gian ôn tập để tham dự thêm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Em nhìn nhận, việc cùng lúc ôn tập, tham dự nhiều kỳ thi khiến em áp lực, nhưng đổi lại, điều này sẽ tăng cơ hội trúng tuyển vào ngôi trường em mơ ước.
"Nguyện vọng cao nhất của em là trúng tuyển Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Năm nay, em sẽ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, điểm học bạ, điểm thi đánh giá tư duy và đánh giá năng lực", Lâm chia sẻ.
Việc định hướng cho học sinh về lựa chọn ngành nghề và thi tuyển vào đại học đã được nhiều trường học trên địa bàn Nghệ An thực hiện ngay từ khi các em vào lớp 10. Bên cạnh đó, hiện nay, có khá nhiều thông tin được cập nhật thường xuyên nên học sinh cũng sớm chủ động để lựa chọn hình thức phù hợp. Nhiều học sinh đã có chứng chỉ IELTS và các em sẽ xem đây là tiêu chí phụ để đăng ký vào các trường đại học, một số em đã sẵn sàng phương án xét tuyển bằng học bạ. Ngoài ra, các em có thể lấy kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực của nhiều trường đại học khác nhau.
“Nhà trường sẽ tập trung ôn thi, vừa củng cố kiến thức, vừa phân tích kỹ đề thi minh họa của Bộ, nhóm phần kiến thức trọng tâm. Bên cạnh đó, trường trang bị cho học sinh các kỹ năng cơ bản, vừa ôn thi tốt nghiệp và ôn tập các môn theo khối để các em có điểm cao xét tuyển vào các trường đại học. Việc rèn luyện qua các đề thi thử từ các trường, các địa phương không chỉ giúp học sinh làm quen với định dạng đề thi mà còn là cơ hội để tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng làm bài và kiểm soát thời gian”, thầy giáo Phan Trọng Đông, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Diễn Châu 3 cho biết.
Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024”. Hoạt động nhằm động viên, khích lệ cán bộ, nhà giáo, người lao động cùng học sinh trong toàn ngành thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học, góp phần tạo nên những thành công đối với kết quả tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Nghệ An cho biết: Với mục tiêu nâng vị trí xếp hạng của Nghệ An tại Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 lên vị trí từ thứ 15 - 18 trên cả nước, các nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, bài bàn cho từng nội dung khác nhau. Việc dạy học phải đảm bảo đúng đối tượng và tạo được khí thế học tập cho từng học sinh, nhà trường. Các thầy giáo, cô giáo cũng cần nỗ lực, tăng cường sinh hoạt chuyên môn, tận tâm, tận tụy với học trò. Mỗi bộ môn cần lồng ghép từ lý thuyết tới thực tiễn, từ cuộc sống hằng ngày. Đây là cách thức hiệu quả để học sinh có thể vừa nắm vững kiến thức vừa có những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.