Khuyến khích học sinh sáng tạo
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26 đến ngày 28/6. Cụ thể, thí sinh làm thủ tục dự thi vào ngày 26/6, chính thức làm bài thi vào ngày 27 và 28/6, ngày 29/6 là ngày thi dự phòng. Trước đó, để định hướng rõ hơn cho các trường trong việc tổ chức giảng dạy, ôn tập cho học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố 15 đề thi tham khảo của kỳ thi gồm các môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nga, Tiếng Đức, Tiếng Trung, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn), Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.
Năm 2024 là năm cuối cùng thực hiện dạy học và thi theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Do đó, về cơ bản, dạng thức câu hỏi của các đề thi vẫn ổn định như năm 2023, trong đó môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Đề thi có 4 cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Tuy nhiên, điểm mới năm nay là trong các đề thi sẽ tăng cường nội dung vận dụng kiến thức đã học, các câu hỏi nhằm giải quyết các vấn đề thực tế cuộc sống, xã hội. Còn đề thi môn Ngữ văn được xây dựng theo hướng khuyến khích học sinh phát huy tính sáng tạo, hạn chế văn mẫu.
Bà Bùi Thùy Linh, Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, tại đề thi tham khảo môn Ngữ văn, nhiều phần thi có nội dung mở, cho phép học sinh được sáng tạo. Với phần 1 (3 điểm) lấy ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa, học sinh được sáng tạo hoàn toàn bằng các kỹ năng được học ở trường. Trong phần 2 (7 điểm), phần nghị luận xã hội cũng buộc học sinh phải có kiến thức xã hội phong phú, không thể học tủ hoặc sao chép; phần nghị luận văn học dù lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa nhưng cách hỏi mở vẫn cho phép học sinh được thoải mái sáng tạo mà không bị gò bó theo văn mẫu.
Một số giáo viên khác cũng đồng tình với việc ổn định cấu trúc trong đề thi tham khảo bởi năm 2024 là năm cuối cùng thực hiện dạy học và thi theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Việc tăng cường hợp lý một số nội dung vận dụng thực tiễn, thể hiện ở các câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao là cần thiết, sẽ khắc phục dần hiện tượng học tủ, học vẹt, ghi nhớ máy móc mà không hiểu bản chất của một bộ phận học sinh hiện nay. Sự điều chỉnh này cũng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và thực tế.
Em Phan Minh Khánh, học sinh trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, sau khi nghiên cứu đề thi tham khảo, em sẽ điều chỉnh cách học, đặc biệt là ở môn Ngữ văn. Em sẽ dành thêm thời gian để tìm hiểu, đọc sách, đồng thời quan tâm hơn đến việc diễn đạt, trình bày quan điểm, chính kiến về các vấn đề xã hội đang được quan tâm. Với các môn còn lại, em sẽ tiếp tục củng cố, tổng hợp kiến thức liên môn để vận dụng vào thực tiễn.
Căn cứ quan trọng để ôn tập
Ghi nhận thực tế tại một số trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, ngay khi đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 được ban hành, các trường đã bắt tay ngay vào việc triển khai các giải pháp hỗ trợ, đồng hành với học sinh. Ban Giám hiệu các trường đã chuyển 15 đề thi tham khảo tới các tổ nhóm chuyên môn để giáo viên có căn cứ tham khảo, vận dụng trong quá trình xây dựng câu hỏi kiểm tra, đánh giá học sinh.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Thanh Oai A (huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho biết, do điểm tuyển sinh đầu vào lớp 10 không cao nên nhà trường đặc biệt ưu tiên các giải pháp để hỗ trợ học sinh có học lực từ trung bình trở xuống. Các tổ nhóm chuyên môn đã nghiên cứu kỹ đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo để định hình rõ hơn về cấu trúc và định hướng nội dung đề thi chính thức, từ đó xây dựng ngân hàng câu hỏi kiểm tra, đánh giá theo hướng tăng kỹ năng vận dụng kiến thức, giảm việc ghi nhớ máy móc, học thuộc lòng. Đây cũng là cơ hội để học sinh được tập dượt, tiếp cận với định hướng của đề thi chính thức.
Còn theo ông Vũ Đình Hà, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội), thời gian này, nhà trường đang tập trung vừa thực hiện chương trình năm học, vừa tổ chức ôn tập để chuẩn bị cho kỳ khảo sát lớp 12 toàn thành phố sẽ diễn ra trong hai ngày 5 và 6/4 tới.
Đối với đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, ông Vũ Đình Hà cho biết, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức ôn thi cho học sinh khối 12 trên cơ sở bám sát ma trận của đề thi, lấy đó làm căn cứ để các tổ chuyên môn rà soát, xây dựng và triển khai ngân hàng câu hỏi phục vụ việc tổ chức ôn thi.
“Nhà trường đã xây dựng riêng một bộ đề ôn tập cho học sinh lớp 12 với mục tiêu vừa bảo đảm chất lượng, vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn. Học sinh khối 12 ôn luyện theo bộ đề này với sự hướng dẫn, hỗ trợ của giáo viên và các tổ nhóm chuyên môn. Theo định kỳ, nhà trường tổ chức rà soát, phân loại và hỗ trợ các học sinh còn yếu, chưa nắm vững kiến thức giúp các em tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp sắp tới”, ông Vũ Đình Hà chia sẻ.
Mới đây, tại hội nghị đánh giá chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023, kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở đã đề nghị các nhà trường tiếp tục tìm giải pháp phù hợp, sát thực tế để nâng chất lượng của Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024. Các nhà trường cần tiếp tục rà soát kết quả tốt nghiệp những năm gần đây, có giải pháp khắc phục hạn chế, nhân rộng những mô hình, kinh nghiệm hay đã vận dụng hiệu quả, tập trung xây dựng hệ thống tài liệu ôn tập phù hợp với đối tượng học sinh, đồng thời quan tâm hướng dẫn học sinh quy trình, cách thức làm bài thi, nhất là kỹ thuật làm bài thi trắc nghiệm.