Hòa chung không khí phấn khởi của ngày hội khai trường, nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, gần 148.000 học sinh các dân tộc thiểu số mang trên mình những bộ quần áo trang phục đẹp nhất, tay cầm hoa hân hoan hướng về mái trường thân yêu để dự lễ khai giảng.
Đúng 7 giờ 30 phút, tiếng trống khai giảng và tiếng hát đã vang lên từ 634 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn toàn tỉnh Hà Giang. Đội ngũ thầy cô giáo và học sinh trong trang phục chỉnh tề, cờ hoa và biểu ngữ với quyết tâm triển khai thực hiện tốt nội dung "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Lễ khai giảng được tổ chức trang trọng theo đúng nghi thức gồm 2 phần lễ và hội.
Trường Tiểu học Lũng Cú nằm ngay trung tâm xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn) - mảnh đất cực Bắc địa đầu của Tổ quốc, nơi có 7 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 87%. Ngay từ sáng sớm, bà con “diện” những bộ váy sặc sỡ, nét mặt ai nấy đều phấn khởi. Băng qua những cánh rừng, đi bộ hàng chục cây số, các phụ huynh và học sinh đều tề tựu đông đủ tại trường để dự lễ khai giảng. Chị Lò Thị Mỷ, dân tộc Mông, ở thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, phụ huynh của cháu Sùng A Páo, học sinh trường Tiểu học Lũng Cú cho biết: "Được đến trường dự lễ khai giảng vui lắm. Đêm qua, thằng Páo cứ thao thức mãi. Sáng nay mới 5 giờ kém, Páo đã thức dậy, ăn mặc chỉnh tề rồi gọi mẹ đi đến trường. Ngày trước gia đình mình đông con còn nhiều khó khăn, đâu có được đi học như các cháu bây giờ. Giờ mình vui lắm và luôn động viên cháu học thật tốt để mai sau lớn lên là người công dân có ích cho quê hương".
Cô và trò Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Hà Giang. |
Tạm biệt gia đình, rời xa quê hương, em Sùng Thị Hoa, dân tộc Mông, từ xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc đã vượt trên 200 km về học tập tại trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Hà Giang. Em cho biết: “Được Đảng, Nhà nước quan tâm, giúp đỡ tạo điều kiện cho những học sinh dân tộc thiểu số như chúng em được học tập dưới mái trường Dân tộc Nội trú tỉnh. Em rất nhớ nhà, nhớ quê hương, song em sẽ phấn đấu học tập, rèn luyện để trở thành cô giáo, mai này em sẽ trở về cao nguyên đá Đồng Văn dạy chữ cho các em học sinh nghèo dân tộc thiểu số quê hương em".
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, Lương Văn Soòng: Để lễ khai giảng năm học mới 2011 - 2012 diễn ra đúng kế hoạch, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo 11 huyện, thành phố, các phòng giáo dục, các trường chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học, triển khai có hiệu quả Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên. Xây dựng mới, sửa chữa nhiều phòng học tạm và các hạng mục công trình khác, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục phát huy hiệu quả các chương trình dự án. Quan tâm, ưu tiên các dự án xây dựng nâng cấp cơ sở vật chất cho các huyện đặc biệt khó khăn. Năm học mới này toàn tỉnh có gần 11.000 phòng học, trong đó có trên 6.200 phòng học kiên cố, 3.035 phòng học cấp 4, 1.404 phòng học tạm được hoàn thành và đưa vào sử dụng, phục vụ hiệu quả cho công tác học tập và giảng dạy. Mua sắm trang thiết bị dạy và học, chuẩn bị sách giáo khoa, vở viết cho học sinh, đảm bảo 100% học sinh có đủ sách giáo khoa, vở viết đến lớp. Cung ứng 85.249 bộ sách giáo khoa với tổng kinh phí gần 12 tỷ đồng.
Cùng với cả nước, năm học mới 2011 - 2012, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang tiếp tục triển khai có hiệu quả, sáng tạo các cuộc vận động và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Tiếp tục triển khai có hiệu quả, sáng tạo cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với đặc thù của ngành là thực hiện cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo". Thành lập Trung tâm học tập cộng đồng, một số trường THPT ở các cụm xã, trường phổ thông dân tộc nội trú theo khu vực; phát triển loại hình trường, lớp có học sinh nội trú dân nuôi ở các xã vùng sâu, vùng xa. Chuyển biến mạnh mẽ trong công tác dạy và học, là tiền đề phát triển nguồn nhân lực có chất lượng. Phấn đấu đến năm 2015, Hà Giang được công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Bài và ảnh: Minh Tâm