Lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo Thành ủy, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân và lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long dự Hội nghị.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương đã triển khai thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo do Trung ương quy định. Quy mô mạng lưới trường, lớp được rà soát, sắp xếp ngày càng hợp lý, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Thu hút được nhiều nhà đầu tư thành lập trường đại học tại các tỉnh trong khu vực với 6/17 trường và 2/4 phân hiệu. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được tăng cường, bảo đảm cơ bản cho việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non, phổ thông. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm nâng cao chất lượng cơ bản đáp ứng về yêu cầu công việc.
Kết quả phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục Tiểu học, phổ cập giáo dục Trung học Cơ sở được củng cố, duy trì với các chỉ tiêu thành phần được nâng cao. Chất lượng giáo dục có bước chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn được duy trì và có chuyển biến, thu hẹp dần khoảng cách với các địa phương trong cả nước và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011-2020 về tiếp cận giáo dục; điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo; chất lượng giáo dục và đào tạo đối với các cấp học, bậc học tại địa phương cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới. Nhiều chỉ số tăng mạnh so với giai đoạn trước, tiệm cận và đạt trên mức trung bình chung của toàn quốc, thể hiện nỗ lực khắc phục những hạn chế, khó khăn của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cơ quan quản lý giáo dục của vùng…
Bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục và đào tạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế.
Tỷ lệ huy động trẻ đến trường còn thấp, nhất là trẻ nhà trẻ. Mạng lưới trường, lớp mầm non còn phân tán... Tỷ lệ huy động học sinh các cấp học phổ thông đi học đúng độ tuổi vẫn thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước, đặc biệt ở cấp Trung học Cơ sở và cấp Trung học Phổ thông có khoảng cách khá xa so với tỷ lệ chung của cả nước (từ 7% - 13%). Số trường ở các cấp học có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia còn thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước. Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên chưa phủ kín ở các địa bàn, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Số người mù chữ trong độ tuổi 15 - 60 của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm đến 38,26% số người mù chữ của toàn quốc.
Nhìn chung, chất lượng nguồn nhân lực khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là nhân lực dân tộc thiểu số chưa đáp ứng yêu cầu, đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, nhất là cán bộ các ngành khoa học kỹ thuật, y tế, giáo dục. Đây là rào cản trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng.
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tuy được quan tâm đầu tư nhưng chỉ mới đáp ứng yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Cơ sở vật chất của ngành Giáo dục dù đã được bổ sung đáng kể nhưng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu dạy và học…
Để đẩy mạnh phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới như: quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh tiếp cận giáo dục ở tất cả các cấp học, tạo điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đạo tạo, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ phông, giáo dục thường xuyên, đẩy mạnh phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, giáo dục và đào tạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có những bước đột phá đáng kể, đã thoát ra khỏi vùng trũng về giáo dục. Tuy còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, chất lượng giáo dục phổ thông trong vùng đạt được rất khả quan kết quả Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông trong các năm qua (nằm thứ 2 trong 6 vùng của cả nước), trong khi các chỉ số về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học, tỷ lệ huy động trẻ đến lớp, tỷ lệ học sinh bỏ học, tỷ lệ mù chữ… đều nằm trong nhóm khó khăn nhất. Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước thách thức kép đó là vừa phải nhanh chóng đổi mới để vươn cao cùng cả nước nhưng cũng phải vừa củng cố, bù đắp cho những yếu tố mang tính tối thiểu, nền tảng cơ bản về cơ sở vật chất, tỷ lệ huy động trẻ em đến trường, giảm tỷ lệ mù chữ…
Về nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, toàn vùng rất cần những giải pháp để phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó cấp bách là về cơ sở vật chất còn thiếu, rất cần được Trung ương và các địa phương quan tâm. Các địa phương cần có phương án phù hợp để sắp xếp lại trường lớp, nhất là đối với các khu vực bị chia cắt bởi kênh rạch, sông nước, đồng thời cần xây dựng mẫu trường học phù hợp với địa hình, khí hậu của khu vực.
Mặt khác, các địa phương cần đặt mục tiêu nâng cao mặt bằng dân trí là một yêu cầu đặc biệt thiết thực cho khu vực. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực tập trung phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương để có giải pháp khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, quan tâm đầu tư kinh phí cho lĩnh vực giáo dục, kiến nghị các chính sách đầu tư nhiều hơn cho giáo dục và đào tạo của khu vực trong thời gian tới…
Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương, lãnh đạo các trường đại học trong khu vực và Thành phố Hồ Chí Minh đã phân tích những tồn tại, khó khăn; đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...