Phòng chống dịch bệnh trong trường học mùa tựu trường

Ngày tựu trường cận kề, bên cạnh việc triển khai nhiệm vụ cho năm học mới, các trường học đang ráo riết tăng cường phòng chống dịch bệnh trong nhà trường. Đặc biệt đối với những bệnh có diễn biến phức tạp như tay chân miệng, sốt xuất huyết.

Chủ động ứng phó với dịch bệnh

Những ngày này một số trường mầm non tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã đón học sinh tới trường. Trước đó, việc tập huấn phòng chống dịch bệnh, vệ sinh trường lớp và tuyên truyền cho phụ huynh đã được các trường thực hiện.

 

Học sinh Trường tiểu học Tây Sơn (Hà Nội) rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp về dịch tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH), TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh công tác phòng chống dịch để chuẩn bị đón năm học mới.

 

Đề phòng dịch bệnh diễn biến phức tạp

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, hiện nay dịch bệnh TCM và SXH đang có nhiều diễn biến bất thường, số ca mắc bệnh đang tăng lên, nếu không triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả thì nguy cơ sẽ bùng phát thành dịch vào các tháng 8, 9 và 10 sắp tới là rất cao.

 

Bác sĩ Võ Minh Quang, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận thêm từ 30 - 35 bệnh nhân mắc SXH mới, đồng thời đang phải điều trị nội trú cho khoảng 130 bệnh nhân.

 

Trước nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lan rộng, bùng phát khi năm học mới bắt đầu, các trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang ráo riết thực hiện vệ sinh trường lớp, đặc biệt ở những bậc học nhỏ tuổi: mầm non, tiểu học.

 

Cô Kim Dung, Hiệu trưởng Trường mầm non Tuổi Xanh (quận Tân Bình) cho biết: Phòng chống dịch bệnh là công tác thường xuyên của nhà trường. Mặc dù đang trong giai đoạn nghỉ hè nhưng nhà trường cũng thường xuyên vệ sinh trường lớp. Tất cả giáo viên của nhà trường đều được tập huấn về công tác phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã chủ động tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh trong công tác phòng chống dịch bằng các hình thức: dán các tờ rơi, áp phích về cách giữ vệ sinh cho trẻ, khuyến cáo các phụ huynh đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị khi có dấu hiệu bất thường.

 

Cô Dung cũng cho biết, giáo viên chủ nhiệm sẽ trao đổi trực tiếp với phụ huynh, khuyên phụ huynh không nên đưa trẻ tới lớp khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh nhằm tránh lây lan sang cho các bé khác. Sau khi kết thúc học hè nhà trường sẽ tổng vệ sinh trường lớp. Theo dự kiến từ ngày 25 đến 30/8, nhà trường phối hợp với ngành y tế phun xịt thuốc diệt lăng quăng, giữ vệ sinh trường lớp nhằm phòng chống dịch bệnh SXH và TCM. Khi vào thời điểm đỉnh cao của dịch, nhà trường sẽ phối hợp với ngành y tế quận, huyện tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền và tiến hành khử khuẩn hàng ngày.

 

Để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch tại các trường học, Sở GD - ĐT TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi đến các cơ sở giáo dục khẩn trương tăng cường phòng chống dịch bệnh TCM và SXH trong trường học. Theo đó, ngành giáo dục xác định công tác phòng chống dịch bệnh TCM và SXH là nhiệm vụ quan trọng. Các trường phải tăng cường vệ sinh, khử khuẩn trường lớp, đặc biệt là các cơ sở bán trú, các bếp ăn tập thể, khu vệ sinh. Bên cạnh đó, phải tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh học sinh, cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong trường khi phát hiện trẻ mắc bệnh phải thông báo cho y tế trường học biết để nhà trường cùng với Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện tổ chức xử lý kịp thời, không để lây lan thành dịch. Trẻ bị bệnh phải được cách ly tại nhà hoặc tại bệnh viện, không được tự ý đi học để tránh lây nhiễm cho trẻ khác.

 

Để đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh chuẩn bị cho năm học mới, vừa qua Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp với trung tâm y tế dự phòng 24 quận, huyện tăng cường các biện pháp tuyên truyền tại cộng đồng; tổ chức hiệu quả giám sát, xử lý ổ dịch và kiểm tra, giám sát bệnh TCM ở trường mầm non, nhà trọ; diệt lăng quăng, xử lý ổ dịch, xử lý hóa chất ở những điểm có nguy cơ dễ mắc bệnh SXH và xây dựng hướng dẫn mới về xử lý bệnh SXH.

 

Chú trọng theo dõi dịch bệnh ở nhóm trẻ mầm non

 

Tại Hà Nội, công tác phòng chống dịch bệnh trong trường học để chuẩn bị vào năm học mới cũng được chuẩn bị từ đầu hè. Sở GD - ĐT yêu cầu, bậc mầm non phải làm tốt công tác vệ sinh môi trường (trong và ngoài lớp học), chú ý vệ sinh hệ thống cống thoát nước và nhà vệ sinh đảm bảo thông thoáng, khô ráo, tránh ruồi, muỗi. Thường xuyên vệ sinh đồ dùng đồ chơi, sàn nhà bằng xà phòng hoặc chất sát khuẩn hoặc Cloramin B 2%. Tăng cường vệ sinh bếp và dụng cụ nhà bếp. Nơi nào không có tủ sấy bát và khăn rửa mặt phải tiến hành tráng bát, thìa bằng nước sôi, phơi nắng khăn rửa mặt hàng ngày. Đảm bảo có đủ đồ dùng và trang thiết bị phục vụ trẻ.

 

Ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên, Sở GD -ĐT Hà Nội cho biết, các trường mầm non trên địa bàn Hà Nội đều được tập huấn về công tác phòng chống dịch bệnh. Các giáo viên tuyên truyền tới cha mẹ học sinh phối hợp với nhà trường trong công tác phòng chống dịch TCM, thực hiện tốt công tác vệ sinh cá nhân và vệ sinh ăn uống cho trẻ thông qua các biện pháp rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và hoạt động ngoài trời, tắm rửa thay quần áo hàng ngày, không để trẻ mút tay và đưa đồ chơi lên miệng, đảm bảo cho trẻ ăn chín, uống sôi…

 

Theo ghi nhận, tại Hà Nội, đầu tháng 8 nhiều trường mầm non đã nhận trẻ vào trường. Cô Nguyễn Lan Anh, Phó hiệu trưởng Trường mầm non Tuổi Hoa (Ba Đình) cho biết, công tác tập huấn, tuyên truyền cho các giáo viên đã được thực hiện từ trong hè. Để phòng dịch, trường thực hiện triệt để việc khử khuẩn. Bên cạnh vệ sinh các khu vực công cộng, đồ chơi trong lớp và các đồ chơi ngoài trời đều được vệ sinh bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B.


Cô Nguyễn Thu Hà, một giáo viên mầm non ở quận Hai Bà Trưng cho biết, trong những ngày đầu nhập học, nhà trường và gia đình cần quan tâm nhiều hơn đến nhóm trẻ nhỏ tuổi, mới đến nhập trường. Ở lứa tuổi này tỷ lệ viêm nhiễm đường hô hấp rất cao do sức đề kháng không tốt. Vì vậy, giáo viên thường phải sát sao hơn đối với những học sinh này.


Hiện tại, nhiều trường cho biết đã được trung tâm y tế quận tập huấn về công tác phòng chống dịch bệnh trong trường học ngay từ tháng 6, tháng 7. Ngay khi trường đón học sinh vào năm học mới, các giáo viên sẽ phát tờ rơi, dán thông báo và tuyên truyền trực tiếp với phụ huynh về công tác phòng chống dịch bệnh.

 

Bác sỹ Hồng Biên, Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng quận 8 (TP Hồ Chí Minh): Trong tháng 5, Trung tâm y tế quận đã phối hợp với phòng y tế tập huấn cho 100% các trường trên địa bàn quận về công tác phòng chống dịch. Trong khoảng thời gian này, Phòng y tế của quận đã đi kiểm tra giám sát các trường trên địa bàn của quận về công tác tổng vệ sinh trường lớp vào đầu năm học mới. Theo đó, sắp tới vào mùa cao điểm của dịch SXH, ngành y tế sẽ kiểm tra, theo dõi các trường còn lăng quăng hay không? Nếu mật độ muỗi tại các trường cao sẽ tổ chức phun, xịt thuốc. Bên cạnh đó, nếu các trường cần Cloramin B để sát khuẩn thì Trung tâm y tế quận sẵn sàng cung cấp cho các trường để khử khuẩn và diệt khuẩn. Dự kiến trong tuần này, ngành y tế quận sẽ thành lập đội khảo sát để phun xịt diệt muỗi và lăng quăng theo các cụm trường. Ông Nguyễn Hữu Nghị, cán bộ y tế của Phòng Giáo dục quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh): Để kịp thời ngăn ngừa và phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, Trung tâm y tế dự phòng của quận phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra và xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể tới từng đơn vị trường học. Bên cạnh đó, Phòng giáo dục quận đã triển khai tập huấn cho giáo viên các trường về công tác phòng chống dịch bệnh trong suốt những tháng hè như cách khử trùng, hướng dẫn giáo viên và giáo dục học sinh thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường xung quanh trường lớp… Trước thềm năm học mới, Phòng giáo dục quận cũng đã yêu cầu các trường phải tăng cường xử lý phun xịt thuốc, khử khuẩn, tổng vệ sinh trường lớp. Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD - ĐT: Nhằm ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan trong trường học, Bộ GD - ĐT đã có công văn chỉ đạo các Sở GD - ĐT triển khai 4 giải pháp. Thứ nhất, chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm bảo đảm sức khỏe cho học sinh, thông báo ngay cho cơ quan y tế sở tại khi phát hiện có học sinh mắc bệnh để xử lý kịp thời. Thứ hai, giáo dục học sinh làm tốt nhiệm vụ là cầu nối tuyên truyền tích cực về phòng, chống dịch bệnh giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng, hướng dẫn học sinh có ý thức và kỹ năng phát hiện bệnh. Thứ ba, bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Thứ tư, thường xuyên làm vệ sinh môi trường trường học, nhất là các công trình cấp nước, nhà vệ sinh. Bộ GD - ĐT yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các giải pháp trên, đặc biệt tại các trường mầm non và tiểu học.


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN