Ngày 15/3, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định số 239/QĐ - TTg ngày 9/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giai đoạn 2010 – 2015 với sự tham gia của đại diện 63 tỉnh, thành trong cả nước và lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan.
Nhiều đồ chơi sinh động, hấp dẫn tại Trường mầm non Hoa Lan, thị trấn Mù Cang Chải (Yên Bái). Ảnh : Nguyễn Thủy-TTXVN |
Sau hai năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, nhiều địa phương đã có những khởi sắc rõ rệt: xóa xã trắng trường mầm non, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp tăng vượt bậc, kiên cố và xây mới thêm trường lớp mới... Nhưng để chương trình phổ cập mầm non 5 tuổi được thực hiện 100% tại các địa phương vào năm 2015 thì nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa về trường lớp, chế độ cho giáo viên mầm non.
Phấn đấu “về đích” sớm
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Hiện nay, số trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường là hơn 1,3 triệu trẻ, chiếm 98,6% tổng số trẻ trong độ tuổi, tăng 12.573 trẻ so với trước khi có quyết định phổ cập giáo dục mầm non. Điều đó cho thấy số trẻ đến trường đã đạt và vượt chỉ tiêu huy động theo Quyết định số 239. Mạng lưới trường lớp mầm non được củng cố, mở rộng. Nhiều địa phương đã ban hành cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư kinh phí xây mới trường mầm non tư thục với quy mô lớn để huy động trẻ mầm non ra lớp nên hệ thống trường mầm non tư thục phát triển mạnh.
“Chưa bao giờ trong thời gian ngắn mà số lượng giáo viên, trường lớp cho trẻ mầm non lại tăng nhanh như vậy. Trong hai năm, đã có 610 trường mầm non công lập, dân lập và tư thục được thành lập, với hơn 186.000 giáo viên, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo lên tới 96,2%, trong đó có 46,9% đạt trên chuẩn. Các tỉnh như: Hòa Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Yên Bái... là những địa phương kinh tế còn nhiều khó khăn, số lượng học sinh dân tộc thiểu số đông nhưng lại có tỷ lệ số xã, phường được công nhận đạt phổ cập lớn. Cụ thể, tỉnh Hòa Bình đạt 33,8%; Quảng Trị đạt 31,9%; Hà Tĩnh đạt 34,7%...” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh.
Tại nhiều địa phương, sau hai năm triển khai Đề án, số trường mầm non được kiên cố và xây mới tăng lên, có nơi xóa được xã trắng trường mầm non. Ông Nguyễn Mai Hoan, Giám đốc Sở GD - ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong hai năm triển khai, số trẻ được huy động ra lớp tăng 11.000 trẻ. Tỉnh đã xóa được 11 xã trắng trường mầm non, tăng 12 trường đạt chuẩn và có 218 thôn, buôn có lớp mẫu giáo, chuyển đổi được 20 trường mầm non từ bán công sang công lập.
Còn ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, trẻ đi học chuyên cần, trẻ suy dinh dưỡng đều có những biến chuyển rõ rệt và tỉnh hoàn toàn yên tâm bước vào phổ cập cho trẻ 5 tuổi. Đầu năm 2011, tỉnh đã quyết định chuyển 259 trường mầm non từ loại hình bán công sang công lập. Đồng thời, đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp mẫu giáo 5 tuổi. Hiện có 8/13 huyện đảm bảo đời sống giáo viên. Đến tháng 7/2012, tỉnh sẽ hoàn thành việc trang bị bộ thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường.
Những khó khăn chung của các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa là việc huy động trẻ ra lớp và tinh thần gắn bó với nghề của giáo viên. Nhiều địa phương đã mạnh dạn đưa ra những giải pháp phù hợp với đặc thù của tỉnh như: phát huy nguồn lực tại cơ sở, đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền đến nhân dân. Bà Hà Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, không phải đơn vị nào cũng đạt được phổ cập cao sau hai năm thực hiện, tỉnh Lào Cai chỉ đạt được 28%. Một trong những nội dung khó khăn nhất là điều kiện phòng học, cơ sở vật chất. Trong năm 2012 tỉnh sẽ huy động các nguồn lực thực hiện phòng học và nhà ở cho giáo viên và đảm bảo đầu năm tới phải hoàn thành. “Tỉnh cũng liên kết với các trường, cơ sở giáo dục đào tạo theo địa chỉ. Đây là một trong những biện pháp bền vững giúp đề án phổ cập mầm non 5 tuổi được thực hiện trên toàn tỉnh đến năm 2015” - bà Hà Thị Nga nhấn mạnh.
Mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất
Một số bài toán khó được các tỉnh đề xuất giải pháp thực hiện. Theo đó, giải pháp được nhiều tỉnh nhắc đến nhất vẫn là đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, đồng thời đào tạo giáo viên đạt chuẩn. Theo ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, hiện nay đầu tư cơ sở vật chất nói chung cho ngành giáo dục vẫn còn nhiều khó khăn, tỉnh Phú Thọ chỉ đạt 60%. Tuy nhiên, nếu chỉ dồn lực cho lứa 5 tuổi thì các cháu ở lứa tuổi thấp hơn cũng thiệt thòi. Rất mong Chính phủ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia từ nay đến năm 2015 để các tỉnh thực hiện.
Bà Hà Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, trong những năm tới, tỉnh tiếp tục tăng cường kinh phí để xây dựng phòng học, phòng chức năng ở các huyện khó khăn như: Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương. “Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ để tạo điều kiện cho trẻ em vùng khó. Đồng thời, đề nghị Bộ sớm tham mưu để Chính phủ sớm ban hành nghị định dạy và học tiếng dân tộc cho trẻ em dân tộc thiểu số”.
Còn ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở GD – ĐT Điện Biên cho rằng, Bộ nên quan tâm tới mô hình mở lớp lắp ghép phát sinh 5 năm trở lại đây ở bậc mầm non tại những vùng sâu, vùng xa, đồng thời có chế độ cho giáo viên nếu thực hiện mô hình này.
Lê Vân