Phát triển giáo dục ở ĐBSCL - Bài cuối: Chú trọng chất lượng, hiệu quả

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050 đã đề ra mục tiêu phát triển đến năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, là nơi đáng sống với người dân, là điểm đến hấp dẫn với du khách và nhà đầu tư, các cộng đồng dân cư thịnh vượng và năng động.

Chú thích ảnh
Một buổi học của sinh viên Trường Đại học Cần Thơ tháng 3/2021. Ảnh minh họa: baocantho.com.vn

Chiến lược phát triển

Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Quy hoạch nêu các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược như nâng cao mặt bằng học vấn và đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục, phấn đấu đến năm 2030, nâng tỷ lệ học sinh ở các cấp học và tỷ lệ phòng học kiên cố đạt mức bình quân cả nước. Cùng với đó, phát triển thành phố Cần Thơ thành trung tâm giáo dục và đào tạo cấp quốc gia và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển mạng lưới trường Đại học và mở rộng các cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các đô thị loại 1, loại 2 trực thuộc tỉnh theo hướng chú trọng các ngành về y tế, kỹ thuật, công nghệ… phục vụ phát triển các ngành có lợi thế của vùng về kinh tế nông nghiệp, năng lượng, dịch vụ và phát triển kinh tế số.

Những định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ mang tính chiến lược này đang mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đòi hỏi các ngành chức năng, địa phương trong vùng có lộ trình và giải pháp căn cơ để thực hiện.

Đề cập về phát triển giáo dục và đào tạo ở Đồng bằng sông Cửu Long, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội với tiến bộ khoa học và công nghệ, phù hợp quy luật khách quan. Chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng, hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng.

Cùng với đó, các địa phương điều chỉnh và mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo một cách hợp lý; huy động vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau cho việc xây dựng trường lớp; ưu tiên quỹ đất cho phát triển mạng lưới trường lớp, tránh những nơi có nguy cơ sạt lở đất. Bên cạnh đó, gắn quy hoạch cơ sở giáo dục và đào tạo với quy hoạch vùng và quy hoạch cụ thể của từng địa phương.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, quy hoạch lại ngành nghề, trình độ đào tạo theo hướng mỗi cơ sở đào tạo tập trung ưu tiên phát triển đào tạo một số ngành nghề nhất định có thế mạnh, tiềm năng; thực hiện đào tạo một số ngành nghề mới mà vùng có nhu cầu…

Đồng bộ giải pháp  

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhận định, không ai hiểu tình hình giáo dục ở từng địa phương bằng chính lãnh đạo từng địa phương. Nói về mong muốn phát triển giáo dục và đào tạo trong vùng cũng không ai mong muốn cho sự phát triển bằng chính các địa phương. Do đó, việc chia sẻ kinh nghiệm, cùng lưu ý về cách làm, giải pháp là rất cần thiết. Các bộ, ngành tăng cường đồng hành, hỗ trợ để các địa phương đã quyết tâm sẽ càng quyết tâm hơn phát triển giáo dục đào tạo của địa phương và của vùng.

Với phương châm phát triển xuyên suốt “Cả nước vì Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Cửu Long vươn lên cùng cả nước và vì cả nước”, các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, nâng chất nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển đang được các tỉnh, thành phố trong vùng quan tâm triển khai.

Đề cập đến giải pháp phát triển nguồn nhân lực, phát triển giáo dục và đào tạo để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh đặc thù của vùng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ cho rằng, cần tăng cường đầu tư cho y tế, giáo dục, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân trong mục tiêu phát triển bền vững. Các địa phương quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho yêu cầu phát triển của nền nông nghiệp hiện đại, kinh tế biển bền vững và các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn phát triển mới, mạnh mẽ và bền vững hơn.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, mạng lưới trường lớp từ Mầm non đến Đại học ở Cần Thơ được sắp xếp phù hợp và phát triển cả về quy mô, ngành nghề, đa dạng về loại hình giáo dục, đào tạo. Việc đầu tư ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội cho sự nghiệp ngày càng tăng.  

Thời gian tới, Cần Thơ tiếp tục mở rộng mạng lưới, phát triển giáo dục các cấp học, bậc học theo hướng đa dạng hóa loại hình đạt chuẩn, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục; tiếp tục bảo đảm nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người dân thành phố và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo của các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trong nước, từng bước tiếp cận các chuẩn kiểm định chất lượng khu vực và thế giới; mở rộng quan hệ, tích cực hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực; rà soát nhu cầu xã hội để điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo sát với thực tiễn nguồn nhân lực trong vùng.

Giáo sư Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho hay, là cơ sở đào tạo Đại học trọng điểm, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực, đặc biệt là nhân lực cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Cần Thơ, hiện nhà trường có gần 200 ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ Đại học, thạc sỹ và tiến sỹ. Trường đang tiếp tục phát triển ngành nghề đào tạo, quy mô đào tạo theo định hướng đa ngành, đa lĩnh vực ở các trình độ với nhiều hình thức đào tạo. Trường củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác và liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với các cơ sở đào tạo trong vùng nhằm chia sẻ, khai thác tốt nguồn lực các bên, các tổ chức trong và ngoài nước có uy tín để phát triển, nâng cao năng lực đào tạo.

Liên quan đến phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Đồng bằng sông Cửu Long, Giáo sư Hà Thanh Toàn đề xuất, giáo dục bậc Đại học ở Đồng bằng sông Cửu Long cần dịch chuyển theo hướng các ngành nghề mà vùng đang cần, nhất là các lĩnh vực về kỹ thuật công nghệ và dịch vụ. Các cơ sở giáo dục ưu tiên cho tuyển sinh và đào tạo các ngành có nhu cầu cao sẽ là động lực lớn cho sự phát triển của vùng. Việc xác định chỉ tiêu đào tạo của các trường đại học trong vùng cũng cần được cơ chế đặc thù hay ưu tiên từ  Bộ Giáo dục và Đào tạo để đáp ứng được nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, mô hình trường và phân hiệu ở Đồng bằng sông Cửu Long cần cơ chế xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo nhu cầu của địa phương tại các phân hiệu.

Trong khi đó, quan tâm một trong những giải pháp cụ thể trong phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo là phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 -  2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh Nguyễn Thị Bạch Vân cho biết: Tỉnh tiếp tục triển khai sắp xếp, cơ cấu và đẩy mạnh thực hiện tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo, từ đó có thêm biên chế chưa sử dụng để tuyển dụng giáo viên; xây dựng phương án sắp xếp, điều chuyển giáo viên giữa các trường nhằm giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, hợp đồng giáo viên để bổ sung số giáo viên còn thiếu cho các môn học mới; bảo đảm nguồn tuyển dụng. Tỉnh triển khai đánh giá hiệu quả, chất lượng giảng dạy của giáo viên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để làm cơ sở đào tạo, bồi dưỡng hoặc thay thế các trường hợp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; triển khai kế hoạch nâng chuẩn trình độ giáo viên theo lộ trình, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục và đào tạo ở địa phương.

Thanh Trà (TTXVN)
Phát triển giáo dục ở ĐBSCL - Bài 1: Từng bước thu hẹp khoảng cách
Phát triển giáo dục ở ĐBSCL - Bài 1: Từng bước thu hẹp khoảng cách

Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố, là địa bàn chiến lược, đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại của đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN