Phân tuyến để tránh quá tải trường lớp

Năm học 2013 - 2014, toàn thành phố có hơn 1,5 triệu học sinh, tăng thêm 25 trường và gần 70.000 học sinh so với năm trước.


Tưng bừng khai giảng


Sáng 4/9, trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã tổ chức khai giảng và đón 320 học sinh vào lớp 1. Bà Trần Bích Liên, Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Toản cho biết: "Lễ khai giảng cũng là lễ khánh thành cơ sở mới. Năm nay, hơn 1.400 học sinh của trường được học trong ngôi trường khang trang, với trang thiết bị hiện đại, đầy đủ, tăng 28 phòng học so với trước. Năm học 2013 - 2014, trường được quận giao thí điểm phương pháp bàn tay nặn bột (phương pháp giáo dục tích cực, giúp học sinh tiểu học chủ động trong tiếp cận tri thức)".


Học sinh trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong lễ khai giảng năm học 2013 - 2014 vào sáng 4/9.

 

Trường Trần Quốc Toản là một trong những trường được phép khai giảng sớm, còn lại các trường của Hà Nội sẽ tổ chức khai giảng vào ngày 5/9. Hầu hết các trường đều sẵn sàng cho lễ khai giảng. Cũng như trường Trần Quốc Toản, năm nay, thầy trò trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu được đón năm học mới trong ngôi trường mới rộng rãi và khang trang trên đường Lạc Trung (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Thầy Trương Uyên Hải, Phó hiệu trưởng trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu cho biết: Năm học 2012 - 2013, toàn trường có 154 học sinh. Kết thúc năm học đã có 13 em ra trường. Năm học mới này trường nhận thêm 25 em từ 6 đến 14 tuổi, nâng tổng số học sinh lên trên 170 học sinh. Hầu hết các em đều được ở nội trú trong khuôn viên của trường, nhận được sự quan tâm, chăm sóc của thầy cô. Mỗi học sinh nhập trường đều qua 1 năm học dự bị rồi mới bước vào học lớp 1.


Hiện trường có 61 giáo viên dạy chữ nổi cho các em. Các giáo viên này đều được qua lớp đào tạo, có thể chủ động trong kiến thức để dạy học sinh tốt nhất. “Nhà trường có 2 phòng y tế với 1 bác sĩ và 1 y tá túc trực thường xuyên phục vụ cho học sinh. Hiện nay, nhà nước hỗ trợ tiền ăn cho mỗi em 240.000 đồng/tháng, mỗi em phải đóng 840.000 đồng/tháng tiền ăn, ngoài ra không phải đóng thêm bất cứ khoản gì, sách vở, giường chiếu… đều được cấp, đảm bảo cho các em có môi trường học tập tốt nhất”, thầy Hải cho biết.


Tạo điều kiện tốt nhất cho giáo dục


Trước lo ngại số học sinh vào lớp 1 của Hà Nội năm nay tăng đột biến, sẽ có thể dẫn tới quá tải, đại diện Sở GD - ĐT cho biết, các quận, huyện đã chủ động đưa ra giải pháp đối với công tác tuyển sinh vào lớp 1 như phân tuyến hợp lý, tăng thêm phòng học, dồn ghép các lớp trên, đảm bảo thực hiện nghiêm túc kế hoạch tuyển sinh.


Theo đại diện Sở GD - ĐT Hà Nội, để giảm áp lực cho các trường, Sở tiến hành phân luồng tuyển sinh ở một số khu vực. Học sinh được điều chuyển nhập học vào một số trường khác thuộc các địa bàn lân cận để giảm bớt sĩ số cho các trường đông. Cụ thể như ở quận Thanh Xuân, một số trường như Tiểu học Đặng Trần Côn B, phường Thanh Xuân Nam tuyển sinh thêm một số học sinh của phường Hạ Đình, xã Tân Triều… Tiểu học Nguyễn Trãi tuyển học sinh thuộc phường Khương Mai. Tại quận Đống Đa, trường Tiểu học Nam Thành Công (phường Láng Hạ) có 2 khu dân cư được điều chuyển nhập học tại trường Tiểu học Thái Thịnh (phường Thịnh Quang)…Việc quá tải đối với bậc tiểu học, THCS diễn ra cục bộ ở một số nơi, nên giải pháp phân tuyến giúp giải quyết được tình trạng này. “Việc phân tuyến đã đảm bảo mục tiêu giảm trái tuyến, giảm sĩ số học sinh/lớp và giảm số lớp của các trường có quy mô đông học sinh”, đại diện sở cho biết.


Cũng theo đại diện sở GD - ĐT Hà Nội, năm học 2013 - 2014, toàn thành phố có hơn 2.500 cơ sở giáo dục và hơn 1,5 triệu học sinh các cấp, tăng thêm 25 trường và gần 70.000 học sinh so với năm học trước, trong đó, công lập có 2.096 cơ sở, 1,4 triệu học sinh; ngoài công lập có 415 cơ sở giáo dục với 176.000 học sinh.


Năm học này, số học sinh các lớp đầu cấp đều tăng. Theo đó, khối mầm non tăng 5.000 trẻ, khối lớp 1 tăng hơn 11.000 trẻ và khối lớp 6 tăng gần 4.000 học sinh. Để tránh tình trạng quá tải, chuẩn bị cho năm học mới, thành phố đã đầu tư xây dựng mới 15 trường học với diện tích đất tăng thêm là 57.508 m2 và kinh phí là hơn 480 tỷ đồng; thành lập mới 25 trường, trong đó có 18 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 1 trường THCS tư thục và 2 trường THPT, 1 trường đa cấp tư thục. Bên cạnh đó, cải tạo, sửa chữa hơn 5.000 phòng học với kinh phí hơn 973 tỷ đồng, xây mới 2.541 phòng học, với kinh phí 962,172 tỷ đồng.

 

Nội dung và mức thu của 4 khoản thu thỏa thuận

1. Phục vụ bán trú: - Chăm sóc bán trú: Không quá 150.000 đồng/học sinh/tháng. - Trang thiết bị phục vụ bán trú: Không quá 150.000 đồng/ học sinh/năm học với cấp mầm non. Cấp tiểu học không quá 100.000 đồng/học sinh/năm học.

2. Học 2 buổi/ngày: - Tiểu học: Không quá 100.000 đồng/học sinh/tháng. - THCS: Không quá 150.000 đồng/học sinh/tháng.

3. Học phẩm: Không quá 150.000 đồng/học sinh/năm học.

4. Nước uống tinh khiết: Không quá 12.000 đồng/học sinh/tháng.

 

Ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội: Đảm bảo đủ cơ sở vật chất

Trước tình trạng học sinh vào lớp 1 tăng hơn so với mọi năm. Hà Nội đã có kế hoạch từ những năm trước nên không bị động. Như tại quận Hoàn Kiếm, một số trường nâng tầng để thêm phòng học. Một số trường khác xây mới phòng học. Một số nơi điều tiết tăng sĩ số học sinh. Do đó, Hà Nội đảm bảo đủ cơ sở vật chất để tất cả học sinh được đến trường. Ngành giáo dục có văn bản chỉ đạo quy định cụ thể với từng cấp những khoản được thu. Các khoản thu được công khai, minh bạch và đúng yêu cầu. Về vấn đề chạy trường, chạy lớp, tình trạng này đã và đang diễn ra. Thực tế, theo quy định của thành phố, các cháu đến độ tuổi tới trường sẽ đều được bố trí chỗ học nhưng có thể một vài phụ huynh kén trường, kén lớp nên mới nảy sinh ra việc chạy trường, chạy lớp, học trái tuyến… Thành phố và các đơn vị liên quan đang cố gắng giải quyết vấn đề này.

 

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội: Xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm

Vấn đề chạy trường khiến chúng tôi rất suy nghĩ. Nếu có đủ bằng chứng hiệu trưởng nhận tiền phụ huynh học sinh, đề nghị phụ huynh cung cấp thông tin cụ thể. Theo phân cấp quản lý cán bộ, chúng tôi sẽ xử lý. Còn vấn đề trái tuyến không thể cấm vì nhiều trường hợp, nhà ở quận Hoàng Mai, Cầu Giấy nhưng lại làm tại Hoàn Kiếm và ngược lại. Trong khi đó, gia đình không bố trí được việc đưa đón, nên phải cho con học trái tuyến. Bên cạnh đó, là sự kén trường kén lớp của phụ huynh. Do đó, thời gian gần đây, Hà Nội đầu tư cơ sở vật chất trường học, nâng cao chất lượng, tạo môi trường sư phạm tốt cho các cháu để nâng điều kiện các trường như nhau. Sở cũng tiến hành điều chuyển cán bộ giáo viên giữa các vùng để nâng cao phong trào giáo dục địa phương. Nhiều trường chất lượng đồng đều hơn và giảm bớt việc kén chọn trường. Từ đó cũng giảm tình trạng học trái tuyến, chạy trường.

 

Ông Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng trường THPT Lê Lợi (Hà Đông): Tạo môi trường sư phạm

Trong dịp hè, trường đã được đầu tư về cơ sở hạ tầng từ phòng học, thư viện, phòng luyện tập thể thao… tạo môi trường cảnh quan sư phạm xanh sạch đẹp để từ đó tạo hứng thú cho giáo viên và học sinh học tập. Cách đây một tháng, học sinh đã được học tập nội quy và kiểm tra đầu vào các môn để sắp xếp lớp. Đây là cơ sở để trường bố trí học chương trình phù hợp theo năng lực.

 

Thu Trang - Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN