Phản hồi chính thức về đoạn văn Thánh Gióng 'tắm Hồ Tây'

Ngày 18/3, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa có văn bản trả lời chính thức về dư luận xung quanh đoạn văn trích từ cuốn “Hướng dẫn học tiếng Việt lớp 5” về Thánh Gióng.

Ngày 16/3, báo điện tử Dân trí có bài viết "Thánh Gióng đánh giặc xong nhảy xuống Hồ Tây tắm?". Bài viết này ngay lập tức đã nhận được nhiều ý kiến tranh cãi trong dư luận xã hội.

Đoạn văn gây tranh cãi trong bài tập của cuốn “Hướng dẫn học tiếng Việt lớp 5”.


Về vấn đề này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 5) cho biết: Đoạn văn gây tranh cãi nêu trong bài báo nằm trong cuốn sách "Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5" của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được lấy lại từ cuốn Tiếng Việt 5, tập hai (Nhà xuất bản Giáo dục, 2010, tr. 86). Đoạn văn trong bài tập trích từ bài viết nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Đình Thi – “Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích” (Nguyễn Đình Thi toàn tập, tập IV, Nhà xuất bản Văn học, 2009, tr. 148). Mục tiêu của bài tập là rèn luyện cho học sinh kĩ năng liên kết các câu trong đoạn, qua đó học hỏi cách sử dụng từ ngữ linh hoạt của nhà văn.

Đoạn văn được trích thể hiện trí tưởng tượng phong phú và độc đáo của nhà văn. Ngay ở câu mở đoạn, Nguyễn Đình Thi đã nói rõ là ông tưởng tượng ra một kết cục khác của câu chuyện: “Nghe truyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi thường tưởng tượng đến một trang nam nhi...”. Tuy vậy, phần lớn các chi tiết trong đoạn văn đều là chi tiết có trong truyền thuyết về Thánh Gióng.

Theo cuốn "Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc", Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2010 (tr.153-154) thì truyền thuyết dân gian trong vùng và bản thần tích Phù Đổng Thiên Vương hiện lưu trong đền Gióng ở làng Xuân Tảo (làng Cáo), xã Xuân Đỉnh, huyện Nam Từ Liêm, Hà Nội, kể rằng: “Vào ngày đầu tháng tư âm lịch, trên đường đi đánh giặc Ân về, Thánh Gióng đã dừng chân, buộc ngựa vào cây đa đầu làng, ngồi nghỉ trên một phiến đá, sau đó nhảy xuống hồ tắm mát, rồi quay lên tắm lại bằng nước giếng của làng ở chân gò Con Phượng. Dân làng bảo nhau mang cơm, cà ra dâng Thánh ăn trưa. Lúc vội vàng phi ngựa lên đỉnh Sóc Sơn để bay về trời, Đức Thánh bỏ quên thanh roi sắt bên phiến đá. Để ghi nhớ công ơn Thánh Gióng, dân làng cùng nhau lập miếu thờ”.

Ảnh minh họa.


Theo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, hai nội dung này chỉ có khác biệt là: theo truyền thuyết thì Thánh Gióng bay về trời, còn theo bài viết của Nguyễn Đình Thi thì tráng sĩ đã hy sinh trên đất mẹ.

Đoạn văn của Nguyễn Đình Thi có thể gợi cho học sinh những suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ câu chuyện dân gian quen thuộc, từ đó kích thích trí tưởng tượng và tiềm năng sáng tạo của các em - một trong những nội dung nằm trong mục tiêu giáo dục của môn Ngữ văn, kể từ cấp tiểu học.


PV
Để văn học Việt “bay xa”
Để văn học Việt “bay xa”

“Nền văn học Việt Nam giống như một vườn hoa đang độ nở rộ…” dịch giả người Trung Quốc Chúc Ngưỡng Tu đã từng nhận xét như vậy. Quả thực, nền văn học Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ lịch sử với những thành tựu rực rỡ cả về số lượng các tác phẩm có giá trị...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN