Năm 1992, khi vừa tròn 19 tuổi, tốt nghiệp Trung học Sư phạm Sóc Trăng, cô giáo Đỗ Thị Hồi nhận quyết định về công tác tại Trường Tiểu học Lạc Hòa 1. Thời điểm đó, từ Sóc Trăng về huyện Vĩnh Châu (nay là thị xã Vĩnh Châu) đường đã khó đi, vùng sâu đặc biệt khó khăn như xã Lạc Hòa, giao thông đi lại còn khó khăn gấp bội, nắng bụi, mưa lầy nên việc học hành của con em đồng bào nơi đây thật gian nan vất vả.
Cô giáo Hồi nhớ lại: Khó khăn nhất là vào mùa mưa, nhiều lần đến trường, cả cô và trò đều ướt sũng, sình bùn dính đầy quần áo. Học sinh đa số con em là đồng bào dân tộc Hoa và Khmer đến lớp được là cả vấn đề; gia đình khó khăn nên bữa học bữa nghỉ, không có quần áo, tập vở, dụng cụ học tập… Là một giáo viên trẻ mới ra trường, cô cũng có hoài bão lớn, đối diện với những thách thức nhưng thấy các em còn cực khổ, khó khăn nên cô nghĩ mình bỏ cuộc thì các em sẽ ra sao. Từ đó, cô tự nhủ với lòng phải vượt qua tất cả, phải làm được điều gì đó cho học sinh. Chính suy nghĩ đó đã níu giữ cô ở lại với vùng đất Lạc Hòa từ đó đến nay.
Gắn bó với nghề ở một vùng quê xa xôi, nghèo khó, cô giáo Hồi luôn suy nghĩ, trăn trở làm thế nào để đạt chất lượng và hiệu quả tốt nhất trong việc dạy cho các em. Là giáo viên với tấm lòng yêu thương trẻ và tâm huyết với nghề, cô luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp theo từng nhóm đối tượng học sinh, nhằm đạt hiệu quả cao trong giảng dạy. Hằng ngày, tranh thủ thời gian rỗi để dạy kèm những học sinh yếu. Mỗi ngày, sau giờ dạy chính thức trên lớp, cô thường ở lại thêm khoảng 60 phút để dạy kèm những em còn hạn chế về môn học, giúp các em dần tiến bộ theo kịp bạn bè.
Theo cô giáo Đỗ Thị Hồi, khó khăn nhất là thời gian mới về dạy. Lạc Hòa là địa bàn mà học sinh người Kinh là thiểu số, đa số là con em người Hoa và Khmer. Thời gian đầu dạy các em mới đi học, nhiều em không biết tiếng Việt, nên bước đầu phải tìm hiểu cả phong tục tập quán văn hóa của người dân nơi đây, nắm rõ tâm tính các em và học cả tiếng nói của các em. “Thời gian đầu, tôi chưa biết ngôn ngữ các em dùng, phải dạy trực quan, phải nghe các em gọi tên sự vật, sự việc bằng ngôn ngữ bản địa rồi lưu lại, sau đó mới dạy các em cách gọi bằng tiếng Việt. Sau một thời gian, tôi có thể giao tiếp bằng tiếng Hoa và tiếng Khmer thông dụng với các em”, cô Hồi nhớ lại.
Bên cạnh công tác chuyên môn, cô còn rất tích cực tham gia các phong trào, cuộc thi của ngành, thực hiện và chia sẻ nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong thị xã và trong tỉnh… Cô giáo Hồi quan niệm: Là một giáo viên đứng lớp không những chỉ dạy tốt tiết dạy của mình mà còn phải duy trì tốt cả về số lượng và chất lượng lớp học. Với học sinh ở vùng khó khăn như trường Lạc Hòa 1, để đạt hiệu quả, cô đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương quan tâm đến chế độ chính sách cho đúng đối tượng học sinh nghèo để giảm bớt những khó khăn cho gia đình các em.
Trong mấy năm gần đây, cô giáo Hồi đã hỗ trợ và kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ quỹ “Vì học sinh nghèo”, quỹ “Khuyến học” được 13 suất học bổng, 3 chiếc xe đạp, 1.000 cuốn tập, 150 đôi dép, 60 chiếc cặp sách, 1,7 tấn gạo, 150 bộ quần áo, hàng chục bộ sách giáo khoa, hàng trăm bình nước, đồ dùng học tập hỗ trợ các em học sinh. Nhìn các em học sinh ngày càng tiến bộ, ngoan ngoãn, đến trường, đến lớp đều, không có em nào khó khăn phải bỏ lại phía sau là bản thân cô cảm thấy rất vui và hạnh phúc.
Tuy không làm cán bộ quản lý nhưng cô giáo Đỗ Thị Hồi cũng giữ vai trò là Phó Bí thư Chi bộ và Chủ tịch Công đoàn trường Tiểu học Lạc Hòa 1, cùng tích cực trong các hoạt động của Chi bộ, Công đoàn, xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động, bám sát mục tiêu xây dựng Chi bộ, Công đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm.
Đánh giá về nữ đồng nghiệp, Thầy Thạch Thanh Hòa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lạc Hòa 1 cho biết: Cô Đỗ Thị Hồi là một nhà giáo có chuyên môn vững, nhiệt tình trong công tác, thường giúp đỡ, hỗ trợ các đồng nghiệp cùng tiến bộ, tham gia đầy đủ các phong trào của trường, của ngành, của địa phương. Học sinh và phụ huynh rất quý mến cô, nhiều em sau khi ra trường nhưng vẫn thường xuyên về thăm cô. Học sinh của cô nay đã thành đạt rất nhiều, có em là cán bộ quản lý giáo dục ở địa phương, là kỹ sư, bác sĩ, luật sư công tác ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Nhiều em đã thành đạt nhưng vẫn không quên công lao dạy dỗ chỉ bảo của cô…
Với những cố gắng vượt bậc trong công tác giảng dạy, xóa mù chữ cho học sinh vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn ven biển của tỉnh Sóc Trăng sau hơn 30 năm công hiến trong nghề, cô giáo Đỗ Thị Hồi đã nhiều lần được công nhận giáo viên giỏi, giáo viên Tổng phụ trách Đội giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện, thị xã, cấp tỉnh; đạt giải cao trong thi thiết kế đồ dùng dạy học; liên tục nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ Thi đua cấp tỉnh; nhận nhiều Bằng khen của ngành, của tỉnh; được nhận giải thưởng “Viên phấn Vàng”, giải thưởng “Võ Trường Toản”. Năm 2017, cô được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; năm 2018 được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2022 cô được vinh danh là 1 trong 400 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Mới đây nhất, ngày 11/10/2024, cô giáo Hồi cũng đã được chọn đi dự Giao lưu điển hình học tập và làm theo Tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh khu vực Phía Nam, được vinh danh trong Hành trình khát vọng năm 2024 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, ngày 27/6/2024 vừa qua, Nhà giáo Đỗ Thị Hồi đã vinh dự được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Trong số 21 người được phong tặng năm nay, cô là người đặc biệt nhất khi là giáo viên duy nhất cả nước trực tiếp đứng lớp ở một trường Tiểu học, dạy ở một trường nhỏ vùng sâu vùng xa, không chức vụ, không học hàm, học vị. Cô cũng là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng và là Nhà giáo thứ hai của tỉnh Sóc Trăng được phong tặng danh hiệu cao quý này, trước cô là Cố Nhà giáo Nhân dân Lâm Es, một người tâm huyết trong công tác đào tạo giảng dạy giáo dục cho con em đồng bào Khmer Nam bộ, ông từng giữ chức Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Sóc Trăng.