Nơi thừa, nơi thiếu phòng học

Tình trạng thiếu phòng học, sân chơi, không còn xa lạ với người dân ở các quận nội thành Hà Nội. Học sinh phải hoạt động, khai giảng dưới lòng đường, trường phải thuê nhà dân làm “điểm lẻ” để học sinh có lớp học... Tuy nhiên, lại cũng có những trường được xây dựng khang trang, rộng rãi… mà thiếu vắng học sinh. Bài toán nơi thừa, nơi thiếu phòng học này của ngành giáo dục Thủ đô xem ra khó có thể giải quyết một sớm một chiều.

 

Nóng chuyện “điểm lẻ”


Câu chuyện “điểm lẻ” ở các trường học tại Thủ đô đến nay không còn xa lạ nữa. Địa bàn quận Hai Bà Trưng là một ví dụ điển hình về tình trạng thiếu trường lớp. Cứ sau 12 giờ trưa, người dân trên phố Lò Đúc lại chứng kiến cảnh học sinh của trường Tiểu học Lê Ngọc Hân nắm áo nhau thành hàng dài để tới các lớp học trường thuê ở khu dân cư gần trường.

Học sinh trường Lê Ngọc Hân băng qua đường để đến lớp học bán trú trong nhà dân.


Một phụ huynh ở phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng), tâm sự: “Ngày nắng không sao nhưng ngày mưa, rét, thật thương các con. Chưa kể các lớp học thuê là nhà dân nên sẽ không có sự đồng đều về diện tích phòng học, cũng như điều kiện ánh sáng. Tuy nhiên, tôi cũng như nhiều phụ huynh đều muốn con học ở đây là vì uy tín, chất lượng trường. Hơn nữa, vì con học lớp nhỏ nên việc đưa đón cũng phải phù hợp với điều kiện của gia đình”.

Trường Lê Ngọc Hân có 31 lớp tiểu học phải học bán trú tại những ngôi nhà được thuê rải rác quanh khu vực trường. Và đây cũng là trường duy nhất trên địa bàn quận Hai Bà Trưng vẫn còn tình trạng học chung giữa cấp tiểu học và THCS.


Thế nhưng tình trạng của trường Lê Ngọc Hân vẫn còn là “khá khẩm” so với trường Tiểu học Bà Triệu (trên phố Bùi Thị Xuân), cũng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Ngôi trường được biết đến với nhiều năm làm lễ khai giảng ở vỉa hè, lòng đường, vì sân trường chỉ vỏn vẹn 10 m2.


Tình trạng thiếu trường lớp trên địa bàn quận Hai Bà Trưng còn phải kể đến các trường như: mầm non Ngô Thì Nhậm, mầm non Hoa Phượng… Những trường này do không đủ lớp học cũng phải thuê các điểm lẻ ở nhà dân.


Sở GD - ĐT Hà Nội cho biết, toàn thành phố có 2.400 trường học với 1,5 triệu học sinh, nhưng diện tích đất xây trường đang bị thiếu hụt tới 7 triệu m2 đất so với tiêu chuẩn thiết kế xây dựng trường học.

Ông Nguyễn Như Thắng, Trưởng phòng GD - ĐT quận Hai Bà Trưng cho biết, địa bàn quận hiện có 25 trường mầm non, 19 trường tiểu học và 15 trường THCS. Quận cũng đã thực hiện nhiều dự án xây mới, nâng cấp. Tuy nhiên những công việc này không phải làm ngay được. Trường Tiểu học Bà Triệu mới đã được khởi công xây trên khu đất rộng gần 2.500 m2, nằm trên phố Mai Hắc Đế, có thể cuối năm nay sẽ hoàn thiện và đáp ứng được chỗ học cho khoảng 600 học sinh. Đối với trường Lê Ngọc Hân, ông Thắng cho biết, xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh muốn gửi con để yên tâm đi làm, nên nhà trường đã phối hợp với phụ huynh tổ chức các lớp học bán trú ở nhà dân. Đã 10 năm nay, quận cũng đề nghị xin thành phố đất cho trường, nhưng đến nay vẫn chưa bố trí được quỹ đất.


Nơi thừa phòng, thiếu học sinh


Những trường công lập đang đau đầu với bài toán thiếu quỹ đất thì có một thực tế là ở những khu đô thị mới, có những trường ngoài công lập đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng thì không hút được học sinh. Nguyên nhân vẫn là vấn đề học phí. Tâm lý học trường công lập vừa ít chi phí, vừa yên tâm chất lượng, còn trường ngoài công lập học phí cao, chất lượng chưa dám bàn, đã ăn sâu vào các bậc phụ huynh. Trường quốc tế Global Yên Hòa, khu đô thị mới Yên Hòa, quận Cầu Giấy là một ví dụ như vậy.


Trường quốc tế Global Yên Hòa được tọa lạc trên khu đất rộng 40.000 m2. Trường được xây dựng đạt tiêu chuẩn quốc tế, có các phòng thí nghiệm, xưởng kỹ thuật thực hành, phòng tập thể thao, thư viện, khu nội trú… Mỗi phòng cấp tiểu học và THCS rộng 60 m2, mỗi phòng khu mầm non rộng 100 m2. Nhưng tất cả các cấp của trường chỉ có vỏn vẹn 110 học sinh đang theo học. Bà Nguyễn Thị Hồng Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị của trường chia sẻ: Trường đi vào hoạt động từ năm 2009, với mức học phí 4 triệu đồng/tháng, cao hơn so với trường công lập, nhưng điều kiện cơ sơ vật chất thì hơn hẳn. Tuy nhiên, rất thiếu học sinh.


Trên địa bàn quận Cầu Giấy cũng còn phải kể đến các trường như Thăng Long Kidsmart cũng trong tình trạng thiếu vắng học sinh do phụ huynh “sợ” học phí cao. Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD - ĐT quận Cầu Giấy cho biết, khi các khu chung cư được phê duyệt đều có hệ thống trường công lập nhưng khi đưa vào sử dụng lại chỉ có các trường ngoài công lập. Các trường ngoài công lập có cơ sở vật chất tốt hơn hẳn các trường công lập nhưng phụ huynh vẫn cho rằng thu phí cao, nên lựa chọn trường công lập vẫn là ưu tiên của phụ huynh.

Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hội Tâm lý học Hà Nội: Thiếu sân chơi, trẻ thiếu sự phát triển

Hoạt động thể chất có tác động tích cực đến tinh thần của trẻ. Không phải ngẫu nhiên trong chương trình học lại có hoạt động thể chất xen kẽ các môn học. Hoạt động thể chất ấy bao gồm việc chơi, vận động, học các môn học tập trung ở sân bãi. Trong quá trình ấy các em có thể giao lưu với nhau, chia sẻ với nhau về những vấn đề của mình. Hoạt động này có tác động tích cực đến việc tiếp thu bài giảng. Thiếu sân chơi, trẻ sẽ thiếu sự phát triển toàn diện. Đó là thiệt thòi. Một chương trình học hiện đại bao giờ cũng tăng tính hoạt động của học sinh. Vì vậy cơ sở vật chất đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của học sinh. Nếu giải quyết được cơ sở vật chất là đã thành công một phần trong thực hiện mục tiêu giáo dục.

 

Ông Nguyễn Quốc Bảo, ở phố Lê Quý Đôn, phụ huynh học sinh trường Lê Ngọc Hân:

Cần đảm bảo quỹ đất cho trường học Hiện nay nhu cầu học bán trú của các con ở cấp tiểu học và THCS rất lớn và đây là một nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, quỹ đất dành cho trường để đầu tư xây dựng, mở rộng cơ sở hạ tầng lại không có, hoặc chưa được quan tâm đúng mực trong suốt thời gian qua; dẫn tới tình trạng nhiều trường, mà cụ thể là trường Lê Ngọc Hân đã phải ra ngoài thuê nhà cho các con học bán trú. Đó là điều "cực chẳng đã" của nhà trường và phụ huynh học sinh, bởi nơi thuê đó không đảm bảo một môi trường sư phạm, đôi khi các con đang học thì hàng xóm lại xảy ra xô xát, đánh nhau; hoặc có khi các con đang học thì lại có người lạ lao vào lớp. Bên cạnh đó, việc ăn uống của các con cũng không đảm bảo vì không có ai kiểm soát. Còn nếu muốn thuê chỗ tốt hơn, thì mức thuê lại quá cao, khiến phụ huynh học sinh cũng không chấp nhận được. Hiện Hà Nội vẫn còn rất nhiều quỹ đất, nhiều dự án treo, bỏ hoang... Theo tôi, cần sớm thu hồi những dự án treo này, chuyển đổi sang xây dựng trường học, đảm bảo môi trường sư phạm cho các con khi đến trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN