Nhìn lại Đề án dạy và học ngoại ngữ 2020 - Bài cuối

Việc cải thiện trình độ giáo viên tiếng Anh trên cả nước được xem là “bộ máy cái” vận hành đề án tiếng Anh. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, do cách làm còn chưa căn cứ vào tình hình thực tế nên trình độ nhiều giáo viên vẫn dưới chuẩn.

Yếu kỹ năng nghe, đọc

Bên cạnh tình trạng học sinh, giáo viên không mặn mà với tiếng Anh đề án thì trình độ giáo viên đạt chuẩn thấp cũng là một bất cập trong quá trình triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ 2020 . Theo quy định, giáo viên dạy tiếng Anh ở tiểu học và THCS phải đạt trình độ B2 nhưng hiện tại rất ít giáo viên đạt được chuẩn này. Sau những lần thi và ôn tập, nhiều giáo viên vẫn bị đánh giá yếu về kỹ năng nghe và đọc.

Nhiều phụ huynh, học sinh không mặn mà với tiếng Anh đề án.Ảnh: VNN.VN


Cô Diễm Trang, trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, TP Hồ Chí Minh cho biết, việc học của giáo viên cũng còn nhiều hạn chế bởi thiếu thời gian. Đa số giáo viên tới lớp học bồi dưỡng chỉ vì nhiệm vụ chứ chưa hoàn toàn tập trung cho việc học. Khi học xong, các thầy cô giáo cũng không có nhiều thời gian ôn tập do vẫn phải đảm đương công việc giảng dạy ở nhà trường. Và sau những lần thi không đạt chuẩn, nhiều giáo viên đang rất lo lắng vì trước đây Sở GD - ĐT đã có thông báo: Nếu không đạt chuẩn thì sẽ bị phân công tác khác.

Theo giáo viên Đ.T.M.P, dạy tiếng Anh tại một trường THPT tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giáo viên ở các tỉnh rất khó đạt chuẩn, nhất là phần đọc và nghe. Các giáo viên ở tỉnh không có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với người nước ngoài. Bên cạnh đó, dù các trường đã có gắng trong việc biên soạn giáo án sao cho phong phú nhưng vẫn chưa thể tránh được cách dạy và học theo lối cũ. Bởi nếu cách dạy thay đổi nhưng cách ra đề thi không thay đổi thì khó có thể đổi mới được.

Cuối năm 2011, Sở GD& ĐT TP Hồ Chí Minh đã rà soát năng lực ngoại ngữ lần 1 đối với 36 giáo viên ở các trường trung cấp, cao đẳng công lập. Kết quả, 100% đều dưới chuẩn C1 (theo khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ châu Âu). Sau 1 năm tham gia lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ khảo sát lần thứ hai cũng cho ra kết quả chưa có giáo viên nào đạt đến chuẩn. Số giáo viên này tiếp tục tham gia các lớp bồi dưỡng để kiểm tra năng lực vào tháng 9/2014.
Chia sẻ về những bất cập trong quá trình triển khai đề án, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng Phan Văn Hòa cho rằng, vấn đề xây dựng được đội ngũ giáo viên, giảng viên đạt chuẩn là khó nhất. Mục tiêu nâng chuẩn trình độ theo yêu cầu của đề án là cần thiết nhưng đang gây tâm lý căng thẳng, nhiều nơi, giáo viên sợ bị sa thải hoặc chuyển công tác khác do không theo được, đặc biệt với những người có thâm niên dạy học 20 - 30 năm.

Thiếu giám sát chất lượng

Theo bà Vũ Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý Đề án, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, đề án dạy và học ngoại ngữ 2020 đã thu được nhiều kết quả khả quan. Thành công lớn nhất là làm chuyển biến trong nhận thức xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của ngoại ngữ đối với chất lượng nguồn nhân lực, đối với đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế nhanh, sâu, rộng. Qua đó, ý thức dạy - học, tự học, sử dụng ngoại ngữ của nhà giáo, học sinh, sinh viên, người lao động được nâng lên rõ rệt.

Tuy vậy, Bộ GD - ĐT cũng nhận thấy rõ những vấn đề hạn chế, bất cập. Bà Vũ Tú Anh thừa nhận, hoạt động chỉ đạo của nhiều Ban Chỉ đạo Đề án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa hiệu quả, chưa có sự phối hợp tốt giữa các sở, ban ngành. Bên cạnh đó, công tác lập kế hoạch, tổng kết, báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án còn chậm. Trong nhiều bản kế hoạch, mục tiêu chưa cụ thể, thiếu các chỉ số hoạt động rõ ràng dẫn đến khó khăn trong phối hợp và đánh giá hiệu quả.

Đồng thời, việc rà soát, đánh giá năng lực ngoại ngữ đội ngũ giáo viên tiếng Anh phổ thông thiếu tính chuyên nghiệp. Phương thức bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên ngoại ngữ phổ thông chưa phù hợp với thực tế và điều kiện dạy học của giáo viên; còn lạm dụng việc tổ chức bồi dưỡng theo hình thức vừa làm vừa học, không giám sát chặt chẽ việc đánh giá kết quả bồi dưỡng, dẫn đến chất lượng bồi dưỡng giáo viên chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt, tại nhiều địa phương, việc phân bổ kinh phí không cân đối giữa các hạng mục chi; chi quá nhiều cho thiết bị; mua sắm không dựa trên đánh giá nhu cầu thực tế, không xem xét khả năng có thể khai thác tốt tại địa phương, đơn vị, vì vậy thiếu hiệu quả, không đồng bộ, lãng phí.

“Bộ GD - ĐT đã cho kiểm tra toàn diện và yêu cầu các địa phương báo cáo về thực trạng cũng như đưa ra những giải pháp của địa phương trong quá trình thực hiện và trong thời gian tới”, vị đại diện Bộ GD - ĐT khẳng định.

Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận đã có Chỉ thị số 3575/CT-BGDĐT về việc tăng cường triển khai thực hiện nhiệm vụ dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, giám sát thực hiện nhiệm vụ dạy và học ngoại ngữ, đánh giá hiệu quả các hoạt động Đề án. Hoàn thành công tác rà soát, đánh giá và bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ của giáo viên; đổi mới phương thức thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Đồng thời, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thiết yếu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đổi mới dạy học ngoại ngữ; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giao lưu trong nước và quốc tế nhằm tạo môi trường học tập và sử dụng ngoại ngữ bền vững; tổng kết, phổ biến kinh nghiệm xây dựng đơn vị điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ… Qua đó, lựa chọn những đơn vị tiêu biểu để phổ biến, nhân rộng điển hình; có chế độ khen thưởng, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Mặc dù ngành giáo dục đã đưa ra các giải pháp tích cực hơn nhằm thay đổi “cục diện” thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ quốc gia 2020; tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở những chỉ đạo “trên giấy”, e rằng sẽ còn nhiều lãng phí và trong vòng 5 năm nữa mục tiêu của đề án khó mà đạt được như mong đợi.

Lê Vân - Đan Phương

Nhìn lại Đề án dạy và học ngoại ngữ 2020 - Bài 1
Nhìn lại Đề án dạy và học ngoại ngữ 2020 - Bài 1

Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020, đa số thanh niên tốt nghiệp từ trung cấp trở lên có thể sử dụng tiếng Anh tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN