Chủ trì tọa đàm có ông Nguyễn Kim Quy, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; bà Bế Thị Hồng Vân, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc, Ủy ban Dân tộc; ông Lê Như Xuyên, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tham dự chương trình có 63 giáo viên đang trực tiếp giảng dạy cho các học sinh là người dân tộc thiểu số tại các lớp học thuộc các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Tại tọa đàm, các thầy cô giáo và đại diện cơ quan quản lý giáo dục vùng dân tộc thiểu số đã chia sẻ nhiều ý kiến về những khó khăn, hạn chế trong công tác giáo dục tại vùng dân tộc thiểu số; đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc một số kiến nghị nhằm giảm tải áp lực cho giáo viên trong các cuộc thi sáng kiến sáng tạo, giáo viên dạy giỏi; có cơ chế luân chuyển cán bộ công tác tại vùng đặc biệt khó khăn; có chính sách đảm bảo chế độ cho giáo viên và học sinh vùng cao…
Nêu lên thực trạng dạy và học ở nhiều địa phương miền núi nói chung và tại Đắk Nông nói riêng, thầy giáo Nguyễn Quang Trung (Trường THCS Quảng Hoà, xã Quảng Hòa, huyện Đắk G'Long, tỉnh Đắk Nông) cho biết: Thực hiện việc tinh giản biên chế, số lượng giáo viên phụ trách lớp đã được phân bổ theo quy định. Tuy nhiên, theo thầy Trung, hiện có nhiều cuộc thi dành cho giáo viên đã ảnh hưởng đến việc đảm bảo thời gian giảng dạy cho học sinh trên lớp. Tuy có sắp xếp lịch dạy bù, nhưng với thời gian eo hẹp, giáo viên vẫn khó để đảm bảo chất lượng bằng việc dạy theo đúng quy định, do đó thầy Trung đề nghị ngành giáo dục cần giảm tải số lượng cuộc thi dành cho giáo viên.
Thầy Nguyễn Quang Trung cũng đề nghị cần giảm số lượng hồ sơ sổ sách mang tính hình thức để bớt gánh nặng cho giáo viên chủ nhiệm. Lý do được thầy Trung nêu là vì giáo viên chủ nhiệm không chỉ dạy, quản lý học sinh mà còn phải đảm nhiệm việc đảm bảo thực hiện các chế độ dành cho học sinh, nhất là với đặc thù học sinh dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Cô giáo Mùa Thị A (Trường mầm non Hoa Đào, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) chia sẻ: Học sinh mỗi vùng dân tộc thiểu số bên cạnh những khó khăn chung thì có những hạn chế riêng theo đặc thù địa phương. Nhất là đối với cấp học mầm non, khi học sinh còn quá nhỏ, việc áp dụng chương trình dạy kiến thức chung gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có những kiến thức phù hợp với từng vùng miền.
Ngoài ra, học sinh vùng dân tộc thiểu số thường có điều kiện kinh tế khó khăn. Nhiều em không có đủ tiền để mua sách vở đi học. Cô giáo Mùa Thị A mong muốn các cấp, ngành có nhiều hơn nữa các chính sách hỗ trợ về sinh hoạt, sách vở, học cụ cho học sinh vùng dân tộc thiểu số.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc Bế Thị Hồng Vân và Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc Lê Như Xuyên cảm ơn, ghi nhận và tiếp thu các ý kiến, đề xuất của các giáo viên. Đại diện các đơn vị khẳng định sẽ tổng hợp các ý kiến để tham mưu, đề xuất với Ủy ban Dân tộc và Bộ Giáo dục và Đào tạo khi xây dựng, ban hành các kế hoạch, chế độ... đối với học sinh và giáo viên vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng sâu, vùng xa; đồng thời chia sẻ, cập nhật, giải đáp thêm cho các thầy, cô giáo về các chủ trương, chính sách đầu tư của Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số trong thời gian tới.