Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11:

Nhiều hoạt động tri ân các thế hệ nhà giáo

Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), tại nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức các hoạt động tri ân các thế hệ nhà giáo, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà.

* Ngày 15/11, UBND tỉnh Long An tổ chức họp mặt nhà giáo kháng chiến lần II. Tham dự có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và 143 thầy, cô.

Chú thích ảnh
Nhà giáo kháng chiến cô Trần Thị Ánh phát biểu cảm tưởng tại buổi họp mặt. Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN

Tại buổi họp mặt, đại biểu cùng những nhà giáo kháng chiến đã ôn lại truyền thống anh dũng, hào hùng của lớp lớp thầy cô dưới mưa bom bão đạn của quân thù vẫn vững vàng tay bút - tay súng, mang ánh sáng văn hóa đến với nhân dân.

Đại diện Ban liên lạc Nhà giáo kháng chiến, ông Dương Quốc Xuân, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng rằng, truyền thống đó sẽ được tiếp nối và phát huy thành sức mạnh trong sự nghiệp trồng người của quê hương Long An anh dũng. Mọi người vô cùng thương tiếc và biết ơn những thầy cô không tiếc máu xương hy sinh vì sự nghiệp giáo dục kháng chiến, vì công cuộc giải phóng quê hương. Tại Long An đã có 37 nhà giáo được công nhận là liệt sỹ.

Tại đây, những nhà giáo kháng chiến đã bày tỏ niềm xúc động sâu sắc, đồng thời tự hào về truyền thống ngành Giáo dục cách mạng trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, tự hào về đội ngũ nhà giáo đã góp phần vào đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Toàn tỉnh hiện có trên 6.000 nhà giáo nghỉ hưu, trong đó còn khoảng 200 nhà giáo kháng chiến. Nhiều giáo viên, học sinh trong vùng căn cứ kháng chiến tại Long An về sau trở thành những cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước như: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Văn Tư; nguyên Bí thư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Văn Dĩ... Hiện những nhà giáo nghỉ hưu nói chung, nhà giáo kháng chiến nói riêng có nhiều thầy, cô sức khỏe yếu, thường xuyên đau bệnh, hoàn cảnh khó khăn, không có lương hưu cần được giúp đỡ. Vì vậy, Ban liên lạc nhà giáo kháng chiến và Hội Cựu giáo chức Long An đề xuất dự định vận động thành lập quỹ nhằm giúp đỡ những nhà giáo nghỉ hưu mắc bệnh, khó khăn từ nguồn xã hội hóa.

Chú thích ảnh
Nhà giáo kháng chiến thầy Nguyễn Văn Bình phát biểu cảm tưởng tại buổi họp mặt. Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa cho biết, sẽ chỉ đạo các cấp, ngành rà soát lại những trường hợp thầy, cô giáo có hoàn cảnh khó khăn để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời; đồng thời khẳng định, buổi họp mặt này là dịp nhằm ôn lại truyền thống tốt đẹp của nhà giáo kháng chiến, góp phần nâng cao tình yêu nghề, nhận thức và hành động của đội ngũ giáo viên hôm nay.

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, ngành Giáo dục và Đào tạo Long An có những tiến bộ, đổi mới quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những hạn chế như: hệ thống trường lớp chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học; chất lượng giáo dục so với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chưa có sự vượt trội; chế độ đãi ngộ trong ngành còn thấp, tình trạng thừa - thiếu giáo viên chưa có giải pháp khắc phục tốt…

* Ngày 15/11, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Chú thích ảnh
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long vinh danh hai gia đình Nhà giáo tiêu biểu. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh đánh giá cao những kết quả và sự nỗ lực của ngành Giáo dục, nhất là việc chuẩn bị và đảm bảo các điều kiện để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới; đồng thời bày tỏ sự trân trọng, niềm tin đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục địa phương.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhấn mạnh, nghề dạy học có vị trí và vai trò nhất định, luôn được xã hội tôn vinh. Do đó, để làm tốt công việc, nhà giáo cần phải có kiến thức chuyên môn, có nghệ thuật để đánh thức tiềm năng trong mỗi học sinh. Ngoài ra, nhà giáo cần có tình thương và kỹ năng để phát triển tri thức ở học trò, có đạo đức để dạy các em trở thành người sống có ích, biết quý trọng tình nghĩa và biết cống hiến. Mỗi nhà giáo trong từng vị trí công tác cần bản lĩnh và tự tin, cố gắng vượt qua mọi trở ngại và khó khăn để có thêm nhiều kinh nghiệm cho công việc.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh đề nghị, thời gian tới, ngành Giáo dục tỉnh cần phát huy tinh thần chủ động và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh, chuẩn bị tốt hơn các điều kiện để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới. Lãnh đạo ngành cần tiếp tục quan tâm đến đội ngũ, nhất là giáo viên Mầm non, giáo viên Tiểu học và viên chức phục vụ giảng dạy; thường xuyên động viên tinh thần và tạo mọi điều kiện giúp thầy, cô làm việc tốt hơn và gắn bó với nghề. Cùng với đó, các ngành, các cấp trong tỉnh tiếp tục đồng hành và hỗ trợ cho ngành Giáo dục, tạo điều kiện để ngành thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập và phát triển của địa phương.

Chú thích ảnh
Trao Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước cho 13 cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long, trong 40 năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh đã có những bước phát triển toàn diện. Từ 287 trường Mầm non, Phổ thông với tỷ lệ học sinh trong độ tuổi huy động vào lớp thấp (năm 1982), đến nay, tỉnh đã có hơn 400 trường học các cấp, trong đó có gần 62% trường chuẩn quốc gia. Toàn ngành có trên 15.000 cán bộ quản lý, giáo viên. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến việc dạy và học, ngành Giáo dục tỉnh đã chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện mục tiêu kép, “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”. Nhờ đó, Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021, Vĩnh Long xếp thứ 8 cả nước, tăng 4 hạng so với năm 2020; điểm trung bình môn Sinh học đứng thứ Nhất cả nước.

Tại buổi lễ, nhiều tập thể, cá nhân được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba của Chủ tịch nước; cờ thi đua và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; cờ thi đua và Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long, gia đình nhà giáo tiêu biểu và danh hiệu Viên phấn vàng của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, nhờ có thành tích xuất sắc và có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Cùng ngày, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long tổ chức họp mặt tri ân và tôn vinh nhà giáo Nhân dân, nhà giáo Ưu tú, nhà giáo tiêu biểu ngành Giáo dục. Toàn tỉnh có 1 nhà giáo Nhân dân, 75 nhà giáo Ưu tú được tri ân và 40 nhà giáo trẻ tiêu biểu được tuyên dương.

* Ngày 15/11, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng tổ chức kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022).

Chú thích ảnh
11 thầy cô giáo tỉnh Vĩnh Phúc có thành tích về giáo dục đào tạo được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại lễ kỉ niệm. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Huyến, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Những năm qua,  ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh luôn nỗ lực đổi mới, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, hướng nghiệp và giáo dục pháp luật bên cạnh giảng dạy, truyền đạt kiến thức. Chất lượng giáo dục của tỉnh luôn đứng ở thứ hạng cao: Điểm trung bình kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022 xếp thứ 2/63 tỉnh, thành. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định với 11 giải Nhất quốc gia vào năm 2021 và 8 giải Nhất quốc gia năm 2022. Ngành tiếp tục thực hiện tốt cả 3 nhiệm vụ (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài), đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của tỉnh. Thành tích của Ngành Giáo dục có đóng góp rất lớn của các nhà giáo, trong đó, có nhiều nhà giáo tiêu biểu, cống hiến hết mình cho sự nghiệp "trồng người", là những tấm gương sáng cho bao thế hệ học trò noi theo.

Gửi lời chúc mừng và tri ân sâu sắc đến các thế hệ nhà giáo, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết: Kể từ khi tái lập tỉnh năm 1997, Vĩnh Phúc từ một tỉnh nghèo, thuần nông, quy mô nền kinh tế nhỏ lẻ đã vươn lên trở thành 1 trong 10 tỉnh phát triển nhất cả nước với tổng thu ngân sách đạt 35.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 110 triệu đồng/người/năm. Để có được những thành quả đó là sự cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trong đó có sự đóng góp to lớn của ngành Giáo dục, của các thầy, cô giáo. Thay mặt Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, các thế hệ học sinh, các bậc phụ huynh, ông Lê Duy Thành gửi lời tri ân và cảm ơn sâu sắc tới các nhà giáo.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc mong muốn các thầy cô giáo tiếp tục đổi mới tư duy, phương pháp giảng dạy, áp dụng các kỹ năng mới để nâng cao chất lượng giáo dục; các cấp, ngành, mọi người, mọi nhà cùng chung tay sát cánh với ngành Giáo dục và Đào tạo, các thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người. 

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc (áo trắng) trao tặng 100 suất quà trị giá cho Hội cựu giáo chức tỉnh Vĩnh Phúc tại lễ kỉ niệm. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Nhân dịp này, có 62 nhà giáo được tuyên dương, khen thưởng; trong đó, thầy giáo Nguyễn Duy Liên, nguyên giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên Vĩnh Phúc vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 11 nhà giáo có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục đào tạo được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 40 nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 1982-2022 được UBND tỉnh Vĩnh Phúc tặng Bằng khen; 10 nhà giáo được vinh danh là nhà giáo tiêu biểu năm 2022.

Tại chương trình, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc đã trao 90 triệu đồng hỗ trợ 180 cựu giáo chức của tỉnh có hoàn cảnh khó khăn.

Lê Thúy Hằng - Nguyễn Thảo - Đức Hạnh (TTXVN)
Tôn vinh những nhà giáo tiêu biểu, nhân rộng gương sáng 'trồng người'
Tôn vinh những nhà giáo tiêu biểu, nhân rộng gương sáng 'trồng người'

Ngày 15/11, nhiều địa phương tổ chức các hoạt động tôn vinh nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN