Tại một số điểm trường lẻ thuộc các bản đặc biệt khó khăn với đa số là đồng bào dân tộc Mông, Thái sinh sống, nhiều phòng học xuống cấp, thiếu trang thiết bị dạy học. Thực trạng này đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của học sinh, giáo viên vùng biên giới.
Nằm tại khu vực biên giới khó khăn với nhiều người dân tộc Mông sinh sống, điểm trường lẻ khu bản Cặt, Trường Tiểu học Nhi Sơn, huyện biên giới Mường Lát do sử dụng đã lâu nên các phòng học hư hỏng, xuống cấp, cửa kính bị vỡ, thiếu thiết bị dạy học và nhà hiệu bộ cho giáo viên. Điểm trường này còn nằm ở vị trí trũng, thấp, xung quanh là nhà dân, rác thải, điều kiện môi trường không bảo đảm, ảnh hưởng đến việc học tập và giảng dạy của giáo viên, học sinh khi năm học mới đã cận kề.
Thầy giáo Lê Trọng Đại, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nhi Sơn cho biết, trường có 4 điểm trường lẻ, đều nằm ở vùng khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn. Nhà trường đã báo cáo chính quyền địa phương xin đầu tư, xây mới hai phòng học tại điểm trường bản Cặt. Trong khi chờ phê duyệt, nhà trường phối hợp Ban quản lý bản, huy động người dân dọn dẹp vệ sinh để chuẩn bị đón năm học mới.
Trường Mầm non Nhi Sơn cũng bị xuống cấp trầm trọng. Nhà trường đã kết hợp Ban quản lý bản, UBND xã Nhi Sơn dọn vệ sinh lớp học; sửa chữa sụt lún ở hè, dột, nứt trong lớp học.
Theo UBND huyện Mường Lát, trên địa bàn huyện còn nhiều phòng học xuống cấp, trong đó có 100 phòng học tại các điểm trường lẻ thiếu phòng chức năng, nhà hiệu bộ, nhà phục vụ cho học sinh bán trú, thiếu trang thiết bị dạy học. Để chuẩn bị cho năm học 2022-2023, huyện đang rà soát, đánh giá các trường cần đầu tư xây mới phòng học, đồng thời chỉ đạo các trường vệ sinh phòng học, chỉnh trang bàn ghế tại điểm trường chính và các điểm lẻ.
Ông Mai Xuân Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát khẳng định, trước mắt huyện rà soát, giao cho các trường, UBND các xã chủ động cải tạo các hạng mục như cánh cửa hư hỏng nhẹ. Các phòng xuống cấp phải dựa vào chương trình, dự án của nhà nước đầu tư, kêu gọi từ các tổ chức từ thiện. Đối với các dự án xây dựng, sửa chữa phòng học triển khai từ đầu năm hoặc đã được phê duyệt sẽ tiến hành gấp rút để sớm đưa công trình vào sử dụng trong năm học 2022-2023.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn khoảng 800 phòng học tạm bợ, 2.700 phòng học bán kiên cố xuống cấp, hơn 500 phòng học nhờ, mượn, chủ yếu thuộc các huyện miền núi Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân. Năm học 2022-2023 đã đến gần, dù thiếu cơ sở vật chất, nhà công vụ, trang thiết bị dạy học, thế nhưng chính quyền các địa phương vùng biên giới khó khăn của tỉnh vẫn đang nỗ lực sửa sang cơ sở vật chất, dọn dẹp vệ sinh để chuẩn bị đón học sinh.