Đề thi vẫn sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó nhưng ở mức tương đối, càng về sau càng có xu hướng đi lệch quỹ đạo sắp xếp. Thông thường trong đề thi, 4 câu hỏi cuối của đề thi thường rất khó nhưng ở mã đề 206, chỉ có 2 câu được xếp vào dạng rất khó, 2 câu còn lại ở mức độ đơn giản. Trong khi đó, câu 34 lại rơi vào dạng cực khó.
Đặc biệt, Đề thi xuất hiện những câu hỏi yêu cầu học sinh phải hiểu bản chất Vật lí nhưng không quá nặng về mặt tính toán như mọi năm (ví dụ câu 39 - mã đề 206). Để làm được câu hỏi này, thí sinh phải có kiến thức vững chắc của Cơ học ở lớp 10 kết hợp với việc phát triển kiến thức của phần Cơ học trong chương trình Vật lí 12. Như mọi năm, đề thi vẫn xuất hiện 2-3 câu hỏi về đồ thị nhưng không lạ, và không quá khó.
Nhìn chung, so với đề thi năm 2017, đề thi năm 2018 có phần nhẹ nhàng hơn nhưng không xuất hiện dạng câu hỏi mới, lạ như thông lệ và tương tự đề thi tham khảo Bộ đã công bố hồi tháng 1/2018.
Đối với đề Hóa học, Tổ Hóa học, Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định có gần 20% tổng số câu hỏi thuộc chương trình Hóa học 11. Đề thi tương đối hay, độ phân hóa ở mức chấp nhận được. Từ câu 61 của đề thi bắt đầu có sự phân hóa (tức là 50% tổng số câu hỏi được dùng để xét tốt nghiệp, 50% số câu hỏi được dùng để phân loại trình độ thí sinh).
Năm nay là năm đầu tiên có sự xuất hiện nội dung của chương trình Hóc học 11 trong đề thi THPT quốc gia. Tỉ lệ câu hỏi thuộc chương trình Hóa học 11 là 17,5 %, còn lại là các câu hỏi thuộc chương trình lớp 12. Các câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 chủ yếu ở cấp độ Nhận biết; Thông hiểu và Vận dụng; không có câu hỏi Vận dụng cao đề thi gần như bao quát được các chuyên đề trọng tâm của chương trình Hóa học 11.
Đề thi vẫn sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó nhưng ở mức tương đối. Các câu hỏi cực khó bắt đầu từ câu 73 đến 80 trong đó có sự móc nối kiến thức lớp 11 và 12 (câu 74 mã 209). Từ câu 41 đến 72 là câu Nhận biết; Thông hiểu và Vận dụng thấp.
Vẫn như mọi năm, đề thi xuất hiện câu hỏi giải bài tập Hóa học bằng phương pháp đồ thị (câu 64 mã đề 209 hay câu 72 – mã đề 202). Điểm mới của câu hỏi sơ đồ thí nghiệm năm nay là học sinh phải vận dụng kiến thức để trả lời thay vì chỉ ghi nhớ kiến thức như mọi năm. Ví dụ: (câu 55 – mã 209; câu 57 – mã 202, yêu cầu học sinh phải hiểu bản chất hóa học suy ra hiện tượng sau phản ứng.
Số câu hỏi đếm có xu hướng tăng (đếm số phát biểu đúng; đếm số thí nghiệm đúng). Đây là những câu hỏi yêu cầu học sinh nắm được đa dạng kiến thức mới có thể làm được. Đề thi cũng xuất hiện các câu hỏi gắn với thực tiễn (câu 51 mã 209) về tác hại của khí CO – một loại khí thường xuyên xuất hiện trong các đám cháy gây tác hại cho con người.
So với đề thi năm 2017, đề thi không xuất hiện thêm các dạng câu hỏi mới, lạ như thông lệ và tương tự đề thi tham khảo Bộ đã công bố hồi tháng 1/2018.
Nhận định về đề Sinh học, Tổ Sinh học, Hệ thống giáo dục HOCMAI cho biết: “Khoảng 50% tổng số câu hỏi đếm mệnh đề đúng sai. So với đề thi năm 2017, đề thi năm 2018 ở mức độ khó hơn hẳn, các câu hỏi vận dụng cao đặc biệt nặng về tính toán, điểm 10 chắc chắn sẽ rất hiếm. Trong đó, 20 câu đầu (50% tổng số câu hỏi) ở mức độ Nhận biết; Thông hiểu dùng cho mục đích xét tốt nghiệp. Kể từ câu 101 trở đi, các câu hỏi nâng dần về độ khó nhằm mục tiêu phân loại thí sinh, 10 câu hỏi cuối ở mức độ Vận dụng cao”.
Kì thi THPT quốc gia năm 2018 bắt đầu có sự xuất hiện nội dung của chương trình Sinh học 11. Tỉ lệ câu hỏi thuộc chương trình Sinh học 11 là 20 %, còn lại là chương trình Sinh học lớp 12. Trong đó, các câu hỏi thuộc chương trình 11 chỉ rơi vào Chương 1 – Chuyển hóa vật chất và năng lượng (50% là câu hỏi về thực vật, 50% câu hỏi về động vật).
Giữa các mã đề có sự lặp lại về các dạng câu hỏi và thay đổi số liệu. Đặc biệt, 50% tổng số câu hỏi về đếm mệnh đề đúng sai. Tỉ lệ này nhiều hơn so với đề thi năm 2016, 2017. Để làm được những câu hỏi này thí sinh vừa phải có khả năng tổng hợp kiến thức; có kĩ năng xử lí phương án nhiễu đồng thời phải có phản xạ rất nhanh mới có thể hoàn thiện được. Đề xuất hiện dạng câu hỏi 3 gen cùng nằm trên 1 NST (câu 112 – mã đề 206; câu 117 – mã đề 213; câu 118 – mã đề 223). Đây là dạng bài hiếm khi xuất hiện trong đề thi những năm gần đây.
Đề thi xuất hiện câu hỏi thí nghiệm (câu 99 mã đề 206; câu 93 mã đề 205). Đây là câu hỏi thuộc phần Sinh học 11, học sinh phải liên hệ, suy luận từ kiến thức đã được học trong chương trình sách giáo khoa mới có thể xử lí được câu hỏi.