Tốt nghiệp khoa Tiểu học Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội năm 2000, cô giáo Nguyễn Thị Kim Oanh được phân công về làm việc tại trường PTCS Hy Vọng. Vui mừng khi ước nguyện được làm giáo viên trở thành hiện thực nhưng cô Oanh cũng rất ngỡ ngàng, lo lắng vì được phân công giảng dạy một lớp dự bị gồm 10 học sinh khiếm thính.
Cô Kim Oanh nhớ lại: “Hồi đó, tôi mới ra trường, thiếu kinh nghiệm, các em cũng là học sinh mới, tư duy chậm, ngôn ngữ nói còn hạn chế nên việc giao tiếp giữa cô và trò rất khó khăn. Bước vào lớp, chào các em, các em cũng không biết. Muốn các em ngồi xuống, cũng không biết phải giao tiếp như thế nào. Lúc đó cảm thấy bản thân rất bất lực, sợ rằng không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Cô Nguyễn Thị Kim Oanh và học sinh trong giờ học toán. |
Nhớ mãi lời khích lệ ý nghĩa của cô Hiệu trưởng Trần Thị Minh Thảo rằng: “Em hãy cố gắng để tự đứng trên đôi chân của chính mình”, cô Oanh kiên quyết tìm cách khắc phục khó khăn, ngoài giờ lên lớp, cô tranh thủ sự giúp đỡ của Ban giám hiệu và các đồng nghiệp công tác lâu năm tìm hiểu tình hình nhà trường, tâm sinh lý của các em học sinh. Cô Kim Oanh nhận ra rằng, muốn có giờ lên lớp tốt, không chỉ dành thời gian cho việc nghiên cứu soạn giảng mà yếu tố quan trọng là phải dự giờ của đồng nghiệp.
Hằng ngày, cô Oanh tích cực dự giờ các thầy cô nhiều kinh nghiệm và mời các thầy cô dự giờ của chính mình, trao đổi chỉ ra điểm hạn chế và cùng tìm cách khắc phục. Kết hợp tham gia các đợt tập huấn ở khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cô Oanh dần quen với công việc và nhận được sự yêu mến của các em học sinh.
Trực tiếp xem cô Oanh giảng dạy bộ môn toán học mới thấy được hết sự vất vả của các thầy cô nơi đây, dường như họ phải vận dụng tất thảy mọi giác quan của mình, từ ánh mắt đến từng cử động, “cầm tay chỉ việc” từng em một mới có thể truyền tải đến học sinh một phép tính tưởng chừng rất đơn giản.
Vất vả là vậy, mệt mỏi là vậy nhưng cô Oanh chưa từng có ý nghĩ sẽ từ bỏ công việc giảng dạy tại ngôi trường này. Cô chia sẻ: “Nhiều khi bỏ nhiều công sức giảng dạy nhưng hiệu quả tiếp thu của các em lại không cao, hoặc việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường chưa thật sự tốt; lúc đó tôi cũng buồn bã và chán nản lắm. Nhưng rồi lại nghĩ tới các em, thấy các em cười hồn nhiên nhìn cô thì mọi bực dọc lại tiêu tan hết, sao nỡ bỏ các em được”.
Dường như bên trong cô giáo nhỏ bé, mảnh mai với giọng nói nhẹ nhàng, gần gũi ấy luôn chứa đựng một tinh thần nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ. Ngoài giờ lên lớp, cô Oanh cùng các đồng nghiệp còn tích cực tham gia thiết kế đồ dùng dạy học phù hợp với học sinh khiếm thính như: Tranh ảnh, thiết kế đồ dùng học tập nhóm...
Nhiều sáng kiến của cô như “Nâng cao hiệu quả giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu cho học sinh khiếm thính lớp 1” khi đưa vào dạy học đạt hiệu quả rất tốt, kích thích sự tò mò và năng lực nhận thức của các em học sinh.
Lớp lớp học sinh được cô Oanh và các giáo viên Trường PTCS Hy Vọng giảng dạy đều đã trưởng thành. Học sinh câm điếc tốt nghiệp Trường PTCS Hy Vọng đều có những kiến thức cơ bản, có kỹ năng sống. Đa số có việc làm, thu nhập ổn định, có thể tự lo cho bản thân.
Năm tháng qua đi, nỗ lực phấn đấu của cô Oanh đã được đền đáp, cô hiện đang là Tổ trưởng chuyên môn, là giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp quận, chiến sỹ thi đua cơ sở, công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2013 và 2014, cô đã được nhận giấy khen của Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật thành phố Hà Nội; nhiều năm có sáng kiến kinh nghiệm giáo dục trẻ khuyết tật cấp thành phố.
Chẳng mưu cầu riêng cho bản thân, mong muốn trong công việc đối với cô Oanh đó là có thêm nhiều giáo viên được đào tạo chuyên môn bài bản về giáo dục đặc biệt cũng như nhiều chương trình thiết kế dành riêng cho các em học sinh khuyết tật về trí tuệ và khiếm thính. Trong tương lai, số lượng trẻ em khuyết tật sẽ dần ít đi, sẽ không còn có những số phận thiệt thòi và bất hạnh như các em học sinh ở Trường PTCS Hy Vọng nữa.