Năm học 2021-2022: Nâng cao chất lượng, hiệu quả Giáo dục thường xuyên

Ngày 19/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với Giáo dục thường xuyên.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ ghi nhận nỗ lực của các địa phương, cơ sở Giáo dục thường xuyên trong điều kiện dịch bệnh, đã chủ động, linh hoạt thực hiện nhiệm vụ và hoàn thành chương trình, đảm bảo chất lượng. Kết quả hơn 90% học viên Giáo dục thường xuyên tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021 đã khẳng định nỗ lực của thầy và trò thuộc ngành học vô cùng khó khăn khi không được chọn đầu vào nhưng phải đảm bảo cùng chuẩn đầu ra với giáo dục phổ thông hệ chính quy.

Đối với việc triển khai năm học mới 2021-2022, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh một số yêu cầu cần đặc biệt lưu ý, trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là phải nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của Giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Thứ trưởng cho biết, Luật Giáo dục 2019 đã quy định Giáo dục thường xuyên là một trong hai thành phần của hệ thống giáo dục quốc dân. Mục tiêu của Giáo dục thường xuyên là đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người dân, để nâng cao trình độ, chất lượng cuộc sống và hướng tới xã hội học tập suốt đời. Nếu giáo dục chính quy chỉ gói gọn trong vài năm của bậc phổ thông, đại học, sau đại học; thì Giáo dục thường xuyên là lâu dài, mãi mãi và đa dạng các nhiệm vụ cần triển khai để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

Giáo dục thường xuyên cũng không phải như trước đây là bổ túc văn hóa với bằng cấp cho người học khác với bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông chính quy. Hiện nay, chương trình Giáo dục thường xuyên tuy có giảm một phần khối lượng kiến thức so với Trung học Phổ thông nhưng chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp là như nhau và được cấp cùng một bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Nhiệm vụ của Giáo dục thường xuyên là vô cùng lớn, đa dạng và khó làm. Do đó, từng thành viên trong ngành học này cũng như cộng đồng và chính quyền cần nhận thức đầy đủ, quan tâm mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết các hạn chế, phát huy điểm tích cực, cùng đưa chất lượng Giáo dục thường xuyên nâng lên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng các địa phương và cơ sở Giáo dục thường xuyên hoàn thiện cơ chế chính sách để hỗ trợ việc triển khai các nhiệm vụ của Giáo dục thường xuyên được thuận lợi. Song song với đó, địa phương cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng hoạt động cho trung tâm Giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng… Công tác xóa mù chữ, thực hiện các đề án như xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn mới theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cần được chú trọng thực hiện. Từng cơ sở Giáo dục thường xuyên phải đổi mới công tác quản trị, tạo môi trường làm việc dân chủ, văn minh để các cá nhân được phát huy năng lực, sáng tạo, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục.

Trong công tác xây dựng đội ngũ, Thứ trưởng yêu cầu khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, để đảm bảo đủ cả về số lượng và cơ cấu theo môn học. Theo đó, cần xây dựng đội ngũ nòng cốt dạy các môn văn hoá, để sau đó liên kết, phối hợp với các cơ sở giáo dục phổ thông khác thực hiện nhiệm vụ dạy học cho học viên. Đội ngũ này cùng với các điều kiện về cơ sở vật chất cần được chuẩn bị thật tốt để đảm bảo thực hiện có hiệu quả chương trình Giáo dục thường xuyên mới cấp Trung học cơ sở và cấp Trung học Phổ thông. Hiện công tác hoàn thiện để ban hành chương trình Giáo dục thường xuyên mới đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo tích cực triển khai với tinh thần phấn đấu thực hiện đồng tốc với Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 ở cả hệ Giáo dục phổ thông và Giáo dục thường xuyên.

Báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên Hoàng Đức Minh cho biết: Năm học 2020-2021 quy mô và mạng lưới cơ sở Giáo dục thường xuyên tại các địa phương về cơ bản được duy trì ổn định. Cả nước hiện có 18.239 cơ sở giáo dục thường xuyên, tăng 782 cơ sở so với năm học trước. Trong đó, số lượng trung tâm ngoại ngữ - tin học, trung tâm giáo dục kỹ năng sống tăng cao; 99,53% xã/phường/thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng.

Trong điều kiện dịch COVID-19 phức tạp, các Trung tâm đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học để  bảo đảm hoàn thành chương trình đúng tiến độ và chất lượng. 90,32% học viên Giáo dục thường xuyên đã tốt nghiệp Trung học Phổ thông (theo báo cáo sơ bộ kết quả thi đợt 1); kết quả tốt nghiệp Trung học Cơ sở đạt tỷ lệ 99,7%.

Nhiều trung tâm đã phát triển các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn và từng bước đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của người dân. Công tác xây dựng xã hội học tập, xóa mù chữ cũng được hệ thống Giáo dục thường xuyên tích cực thực hiện. Nhiều mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập đã phát huy hiệu quả; nhiều tỉnh, thành phố quan tâm xây dựng thư viện, tủ sách học tập để đẩy mạnh văn hoá đọc trong cộng đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Giáo dục thường xuyên vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là, nhận thức về công tác xây dựng xã hội học tập ở một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang chưa đúng mức. Công tác quản lý nhà nước về giáo dục thường xuyên còn có vấn đề bất cập. Chất lượng giáo dục thường xuyên cấp Trung học Phổ thông vẫn còn hạn chế, các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy học của giáo dục thường xuyên chưa đáp ứng được yêu cầu.

Về phương hướng năm học 2021-2022, ông Hoàng Đức Minh chia sẻ: Giáo dục thường xuyên tập trung triển khai các giải pháp phù hợp trong tổ chức các hoạt động dạy và học để chủ động thích ứng với tình hình dịch COVID-19. Duy trì hoạt động dạy và học của các cơ sở giáo dục thường xuyên bảo đảm đủ thời lượng, kiến thức, kỹ năng cho học viên hoàn thành chương trình năm học và đảm bảo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" và Chỉ thị số 14-CT/TW của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030.

Việt Hà (TTXVN)
Đổi mới giáo dục thường xuyên gắn với xây dựng mô hình 'Công dân học tập'
Đổi mới giáo dục thường xuyên gắn với xây dựng mô hình 'Công dân học tập'

Ngày 24/7, tại Hà Nội, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo khoa học "Trường đại học với việc xây dựng và triển khai mô hình "Công dân học tập" tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư". Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu tại hội thảo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN