Môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông mới được thiết kế như thế nào?  

Trên cơ sở báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ý kiến của chuyên gia và cử tri, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chú thích ảnh
Học sinh hiểu về Lịch sử hơn trong những buổi học trực quan tại Bảo tàng Lịch sử. Ảnh: Lê Vân

Căn cứ ban hành

Theo Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là một trong những nội dung cốt lõi của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng đó, để thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng nói chung và tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW nói riêng, Quốc hội khóa XIII ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội điều chỉnh lộ trình thực hiện việc triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Về phía Chính phủ, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 88, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 phê duyệt “Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” và các quyết định, chỉ thị liên quan; phê duyệt một số đề án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông.

Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học, trong đó có môn Lịch sử.  

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được phân chia 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm (từ lớp 1 đến lớp 9); giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm (từ lớp 10 đến lớp 12); thể hiện sự công phu, khoa học, nhìn chung đáp ứng yêu cầu đổi mới và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.  Đến nay Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai đối với lớp 1 (năm học 2020 - 2021), đối với lớp 2, 6 (năm học 2021 - 2022) và tiếp tục triển khai đối với lớp 3, 7 và lớp 10 (năm học 2022 - 2023).

Đồng tình với báo cáo của Bộ GD&ĐT, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục cho rằng, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã quán triệt tinh thần Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Chính phủ về đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông; được xây dựng và ban hành theo quy định của pháp luật; huy động lực lượng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục tham gia xây dựng và thẩm định Chương trình giáo dục phổ thông.  

3 khả năng xảy ra nếu Lịch sử cấp THPT là môn lựa chọn

Theo báo cáo của bộ GD&ĐT, chương trình môn học Lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và trung học cơ sở) và là môn lựa chọn trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (trung học phổ thông), được thiết kế theo hướng chuyên sâu.  

Giai đoạn giáo dục cơ bản: Giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc.

Ở cấp tiểu học (lớp 4 và lớp 5), nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lí, với tổng thời lượng 140 tiết (trong đó thời lượng nội dung lịch sử là 70 tiết/năm học cho cả 2 lớp); không thay đổi về thời lượng so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (cũng 70 tiết ).  

Ở cấp học trung học cơ sở (lớp 6 đến lớp 9), môn Lịch sử và Địa lí (bao gồm 2 phân môn Lịch sử, Địa lí và một số chủ đề tích hợp) có tổng thời lượng là 420 tiết (trong đó thời lượng dành cho phân môn Lịch sử là 210 tiết cho cả 4 lớp). Nếu tính riêng phân môn Lịch sử thì không thay đổi về thời lượng so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (cũng 210 tiết).

Ngoài ra, ở giai đoạn giáo dục cơ bản, môn Tự nhiên và Xã hội từ lớp 1 đến lớp 3 có một số nội dung giáo dục lòng yêu nước, truyền thống dân tộc; nội dung giáo dục lịch sử còn được thực hiện trong Nội dung giáo dục của địa phương (35 tiết/năm học cho mỗi lớp từ lớp 6 đến lớp 9), trong đó có một số chủ đề về lịch sử địa phương (chiếm khoảng 10 tiết/năm học đối với mỗi lớp).

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp: Lịch sử là môn học lựa chọn

Ở cấp trung học phổ thông (từ lớp 10 đến lớp 12), ngoài các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn (Nhóm môn khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật; Nhóm môn khoa học tự nhiên: Vật lí, Hoá học, Sinh học; Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật: âm nhạc, mỹ thuật), trong đó, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học và các chuyên đề học tập lựa chọn.  

Khi môn Lịch sử cấp trung học phổ thông là môn học lựa chọn sẽ có 3 khả năng xảy ra:

Nếu học sinh lựa chọn môn Lịch sử là một trong 5 môn học lựa chọn, học sinh sẽ học tổng thời lượng 210 tiết/3 năm học (tăng 70 tiết so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006).  

Nếu học sinh lựa chọn môn Lịch sử là một trong 5 môn học lựa chọn, đồng thời lựa chọn chuyên đề học tập là môn Lịch sử, học sinh sẽ học tổng thời lượng 315 tiết/3 năm học (tăng 175 tiết so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006).  

Nếu học sinh không lựa chọn môn Lịch sử thì không học thêm tiết nào. Kiến thức phổ thông dừng lại ở kiến thức chương trình tiểu học, trung học cơ sở và tích hợp ở một số môn học khác. Về thời lượng học ít hơn Chương trình giáo dục phổ thông 2006 là 140 tiết.

Cũng như ở giai đoạn giáo dục cơ bản, ở cấp trung học phổ thông, nội dung giáo dục lịch sử cũng được đưa vào Nội dung giáo dục của địa phương, trong đó có những chủ đề về lịch sử địa phương chiếm thời lượng khoảng 10 tiết/năm học cho mỗi lớp, đồng thời, môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp trung học phổ thông là môn học bắt buộc với thời lượng 35 tiết/năm học, trong đó giáo dục cho học sinh về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Lê Vân/Báo Tin tức
Khơi dậy niềm tự hào và khát vọng cống hiến qua bài học lịch sử
Khơi dậy niềm tự hào và khát vọng cống hiến qua bài học lịch sử

Những bài giảng lịch sử xúc tích gắn với thực tế hay những buổi trải nghiệm tại bảo tàng, hoạt động ngoại khoá là cách giúp học sinh hiểu thêm về những mốc son trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Qua đó, nhà trường giáo dục cho học sinh về lý tưởng cách mạng, khát vọng cống hiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN