Mở cửa trường học an toàn

Đến nay 63/63 tỉnh, thành đã ban hành kế hoạch đón toàn bộ học sinh trở lại trường học trực tiếp trong tháng 2/2022. Chuyển từ chủ trương “không COVID-19” sang thích ứng an toàn, nhiều giải pháp được ngành giáo dục triển khai thực hiện để hoàn thành mục tiêu năm học 2021-2022

Tới trường sau...nửa năm khai giảng

Sáng 8/2, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 (trừ vùng cam) ở Hà Nội được trở lại trường sau thời gian dài học online. Tại trường THCS Thăng Long (phường Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội), từ 7 giờ sáng, nhiều học sinh đã có mặt tại trường và thực hiện các bước phòng dịch theo sự hướng dẫn. Với tỷ lệ tiêm vaccine trên 90%, nhiều phụ huynh, nhà trường yên tâm khi học sinh trở lại trường.

Chú thích ảnh
Học sinh lớp 7 Trường THCS Thăng Long (Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) trong buổi học đầu tiên sau 9 tháng trở lại trường. Ảnh: Lê Vân 

Chị Nguyễn Thanh Hằng (có con học lớp 7 tại trường THCS Thăng Long) cho biết, để chuẩn bị cho con đến trường, chị luôn nhắc con về việc đảm bảo quy định 5K phòng dịch, chuẩn bị thức ăn chín, uống nước ấm. “Thay vì kêu than vì phải đưa đón con do trường không tổ chức bán trú trong thời điểm dịch bệnh, vợ chồng tôi cố gắng thu xếp để đưa đón con đúng giờ”, chị Hằng tâm sự.

Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Thăng Long, ngay từ khi nhận thông tin sẽ đón học sinh trở lại học trực tiếp, nhà trường đã vệ sinh toàn bộ trường, các lớp học, ngoài cổng trường bố trí thầy cô giáo phân làn đón học sinh. Đồng thời, nhà trường có kế hoạch cụ thể trong việc ôn tập, củng cố kiến thức, tận dụng thời gian học trực tiếp để đảm bảo chất lượng cho học sinh, đặc biệt học sinh khối lớp 9.

Bà Nguyễn Thanh Hà cũng cho biết, việc hỗ trợ tâm lý học đường khi học sinh trở lại trường đã diễn ra từ trước đó. Nhà trường có một phòng tư vấn tâm lý học đường với nhân sự kiêm nhiệm hoạt động hiệu quả.

Tại Hà Nội, trên quy mô toàn thành phố, với học sinh từ lớp 1 đến lớp 6, UBND TP Hà Nội thống nhất chủ trương bước 1 sẽ cho học sinh tại 18 huyện, thị xã đi học trực tiếp từ ngày 10/2. Với học sinh tiểu học và lớp 6 nội thành, theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, sau khi học sinh lứa tuổi này tại 18 huyện ngoại thành đi học trực tiếp, Sở GD&ĐT sẽ đánh giá sơ bộ; nếu đảm bảo an toàn thì dự kiến từ ngày 21/2 sẽ cho học sinhtừlớp1đếnlớp6nội thành được đến trường.

Theo ông Trần Thế Cương, một trong những công tác quan trọng trong tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp là việc ký cam kết giữa nhà trường và phụ huynh trong thực hiện “một cung đường hai điểm đến”; các bước lưu ý khi phát hiện F0; ngoài ra các trường cần xây dựng kế hoạch, phương án và thực hiện Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học (sửa đổi, bổ sung) của ​​Bộ GD&ĐT.

Tài liệu này cung cấp các nội dung cơ bản, ngắn gọn, cập nhật liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19 trong trường học trên cơ sở các hướng dẫn chung của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT và Tổ chức Y tế thế giới.

Cả nước mở cửa trường học

Bộ GD&ĐT đã có thông tin mới nhất về việc các địa phương đón học sinh, sinh viên trở lại trường học trực tiếp trong tháng 2/2022.

Theo đó, khối mầm non và tiểu học: 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh đi học trực tiếp trong tháng 2/2022. Trong đó, có 53/63 tỉnh, thành phố cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học bắt đầu học trực tiếp từ ngày 7/2 đến ngày 14/2/2022.

Khối THCS: 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh đi học trực tiếp trong tháng 2. Trong đó có 57/63 tỉnh, thành phố cho 100% học sinh đi học trực tiếp từ ngày 8/2.

Khối THPT: 63/63 tỉnh, thành phố đã cho học sinh đi học trực tiếp vào 7/2. 100% các cơ sở giáo dục đại học đã có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp bắt đầu từ ngày 14/2.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng đã có đủ căn cứ để thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc mở cửa trường. Ông Sơn đề nghị lãnh đạo các địa phương, Sở GD&ĐT cần “khẩn trương, cương quyết, chu đáo” trong quá trình chuẩn bị đưa học sinh trở lại, kể cả học sinh trung học đã tiêm vaccine hay trẻ mầm non, tiểu học chưa tiêm. Trong đó, đưa học sinh đã tiêm vaccine trở lại trường sau Tết Nguyên đán “là một yêu cầu”.

Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở GD&ĐT, Sở Y tế, các ban, ngành liên quan hướng dẫn các cơ sở giáo dục về phương án, kịch bản phù hợp xử lý tình huống xảy ra dịch trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp tại trường học; tổ chức tuyên truyền, tập huấn, diễn tập cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận cho trẻ mầm non, học sinh đến trường, đảm bảo an toàn.

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh các địa phương cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục tăng cường những yếu tố tích cực của dạy học trực tuyến để hỗ trợ dạy học trực tiếp; tiếp tục triển khai giảng dạy các nội dung chương trình cốt lõi theo hướng dẫn của Bộ, đồng thời sớm xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết thúc năm học phù hợp.  

 

Lê Vân/Báo Tin tức
Cần làm gì trước nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 khi trẻ đi học trở lại?
Cần làm gì trước nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 khi trẻ đi học trở lại?

Trẻ trở lại trường học, cha mẹ cần làm gì để trẻ được an toàn trước dịch COVID-19? Khi trẻ nhiễm bệnh, cha mẹ cần theo dõi, xử trí thế nào?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN