Vị trí môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới như thế nào, thưa ông?
Trước hết cần khẳng định nhận thức dù môn lịch sử là hết sức quan trọng nhưng giáo dục lịch sử không chỉ bằng mình môn lịch sử mà còn bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng khác như: Phim ảnh, nghệ thuật, âm nhạc, các môn học và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo như: tham quan di tích lịch sử, gặp gỡ giao lưu với các anh hùng lực lượng vũ trang, thăm các bà mẹ Việt Nam anh hùng, ngoại khóa, thi tìm hiểu các tên đường tên phố, ngược dòng lịch sử...
Chúng tôi khẳng định trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn lịch sử vẫn chiếm một vị trí rất quan trọng. Trước hết, môn học được bắt buộc từ tiểu học đến THPT. Thời lượng dành cho môn học này cũng tăng. Theo chương trình THPT hiện nay, lịch sử là môn học độc lập với thời lượng 1,5 tiết/tuần. Chương trình mới, học sinh buộc phải chọn: hoặc là lịch sử trong môn khoa học xã hội với khoảng 1,5 tiết/tuần cộng với 1 tiết trong môn công dân với Tổ quốc là khoảng 2,5 tiết/tuần; với cách học theo hướng khoa học xã hội và chuyên ngành lịch sử thì học môn lịch sử nâng cao 3 tiết/tuần cộng với 1 tiết bắt buộc trong môn công dân với Tổ quốc, tổng là khoảng 4 tiết/tuần. Thời lượng học lịch sử của chương trình mới nhiều hơn hẳn chương trình hiện hành.
Tóm lại có thể thấy, các nội dung giáo dục lịch sử vẫn được tôn trọng, thời lượng dành cho giáo dục lịch sử tăng lên, hình thức giáo dục lịch sử sẽ đa dạng hơn. Bên cạnh đó, chương trình mới cũng sẽ chú trọng việc đổi mới phương pháp dạy học lịch sử và đặc biệt là đổi mới thi cử, thay đổi cách kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học lịch sử...
Việc tích hợp có ưu điểm, nhược điểm gì, thưa ông?
Có thể nêu ngắn gọn ưu điểm của việc tích hợp là: Tránh được chồng chéo, trùng lặp về nội dung kiến thức trong một môn học, giữa các môn và các lĩnh vực giáo dục; Đặt các nội dung của 3 phân môn này trong một môn sẽ có tác dụng bổ sung, hỗ trợ và làm sáng tỏ cho nhau khi cùng hướng đến một mục tiêu chung; Giáo viên, học sinh có nhiều cơ hội vận dụng tổng hợp các nội dung giáo dục theo tinh thần tích hợp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục.
Bên cạnh đó, khi tích hợp các nội dung của 3 môn trong một môn học thì buộc phải lựa chọn nội dung của mỗi môn, không thể ôm đồm. Kết quả của việc tích hợp là giảm đầu các môn học trong nhà trường phổ thông.
Hạn chế chủ yếu của việc tích hợp thuộc về trình độ của các nhà thiết kế chương trình và biên soạn sách giáo khoa. Nếu tích hợp không tốt sẽ chỉ là hình thức, không có tác dụng và không đạt được mục tiêu tích hợp. Việc tích hợp cũng sẽ không bảo đảm được yêu cầu về tính hệ thống của khoa học tương ứng với mỗi môn học. Với hiện trạng của nhà trường Việt Nam, việc tích hợp cũng là một thách thức đối với trình độ giáo viên, nhất là những giáo viên có thói quen dạy môn học độc lập quá lâu.
Ông có thể lý giải vì sao tích hợp môn lịch sử lại được đưa ra vào thời điểm này?
Trong lần đổi mới chương giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 40/QH10 năm 2000, chúng ta đã đặt vấn đề và xây dựng thử chương trình tích hợp. Lúc đó lý do chính không thực hiện được là chưa chuẩn bị đội ngũ giáo viên, các trường phổ thông không đủ điều kiện để dạy tích hợp… Chính vì thế cần phải chuẩn bị. Kết quả là sau 15 năm việc xây dựng chương trình tích hợp vẫn “dậm chân tại chỗ”. Vẫn là các lý do như 15 năm trước. Cơ chế không cho phép chúng ta tách ra một đội ngũ giáo viên để chuẩn bị cho tương lai, không cho phép các trường sư phạm đào tạo đội ngũ giáo viên theo môn học mới của phổ thông để sẵn sàng ra trường dạy được chương trình mới. Kinh nghiệm cho thấy rằng chúng ta phải làm đồng thời, dần dần và từng bước một; không cầu toàn nhưng phải đặt ra một tiền đề để nghiên cứu, suy nghĩ tiếp và làm tiếp. Nếu không thế thì mãi mãi chúng ta không thể xây dựng được các môn học tích hợp theo xu thế quốc tế. Đây cũng là một yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo xét từ phương diện chương trình và sách giáo khoa phổ thông.
Có nhiều ý kiến phản bác rất gay gắt việc tích hợp này. Ông đánh giá ra sao về điều này?
Tôi có theo dõi dư luận và dự hầu hết các cuộc hội thảo, trừ cuộc hội thảo của Hội Khoa học lịch sử tiến hành sáng chủ nhật (15/11). Nhìn chung dễ nhận thấy các ý kiến phản đối, bài xích, phản bác… không đồng tình với phương án của Ban soạn thảo (Bộ GD- ĐT) hầu hết là của những người nghiên cứu và giảng dạy lịch sử. Điều đó cũng rất dễ hiểu. Nhưng cũng cần nói có rất nhiều ý kiến đồng tình được đăng tải trên các báo, phần lớn là của những người không thuộc chuyên ngành lịch sử. Tôi cũng đã đọc và nghe một số người dự kể lại cuộc hội thảo của Hội Khoa học lịch sử. Tôi thông cảm và chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc, lo lắng của các giáo viên và chuyên gia lịch sử… nhưng tôi không đồng tình với thái độ phản ứng và cách phát biểu, trao đổi thiếu bình tĩnh, thậm chí thiếu tôn trọng người đối thoại của một số đại biểu khi thấy khác ý mình.
Về phía Ban soạn thảo, chúng tôi tôn trọng và lắng nghe tất cả các ý kiến của các nhà sử học, các chuyên gia, giáo viên và dư luận xã hội, nhất là các ý kiến trái chiều, phản đối. Trong quá trình xem xét, tiếp thu các ý kiến, chúng tôi nhận thấy dự thảo chương trình tổng thể cũng có một số thiếu sót trong việc trình bày, diễn đạt gây khó hiểu và dẫn đến những hiểu nhầm như loại môn lịch sử ra khỏi chương trình giáo dục mới, “khai tử” đối với môn học này; chỉ học tự chọn ai muốn học thì học, không học cũng được… Ban soạn thảo sẽ rút kinh nghiệm và tiếp thu, chỉnh sửa; đặc biệt sẽ nghiên cứu, trao đổi kỹ lưỡng để có một giải pháp phù hợp nhất về giáo dục lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, sau đó sẽ trình Hội đồng quốc gia thẩm định và lãnh đạo Bộ GD- ĐT.