Hoang mang trước “ma trận” ngành nghề
Em Thùy Anh, ngụ tại TP Hồ Chí Minh cho biết, em vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và đang băn khoăn giữa việc chọn ngành trước hay chọn trường trước?.
"Em đang phân vân không biết nên chọn một trường đại học uy tín, rồi cân nhắc ngành học; hay ưu tiên chọn ngành học mà mình yêu thích, rồi mới chọn trường. Em cũng không biết là nên chọn ngành học mình thích hay là ngành “hot” để dễ xin việc”, Thùy Anh chia sẻ.
Sau kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, các em bước vào giai đoạn quan trọng là chọn ngành học phù hợp với nghề nghiệp tương lai.
Cùng chung tâm trạng, em Trần Hoàng Huy, bày tỏ: “Mong muốn của em là chọn ngành vừa hợp với sở trường, lại dễ xin việc. Nhưng mấy ngày nay, càng tìm hiểu thì càng thấy rối. Ngành “hot” thì lại lo cạnh tranh cao, điểm chuẩn tăng, mà ngành ít người chọn thì lại sợ sau này khó xin việc”.
Thạc sĩ Trần Thị Như Quỳnh, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Văn Hiến cho biết, việc chọn sai nghề nghiệp dẫn đến những hậu quả như học để đối phó, học cho qua và không biết tương lai sẽ ra sao. Thực tế cho thấy, nhiều thí sinh chưa thực sự hiểu rõ bản thân, chưa xác định được mục tiêu nghề nghiệp lâu dài nên việc chọn ngành, chọn nghề còn nhiều cảm tính.
“Trong quá trình tư vấn, tôi cũng đã gặp nhiều trường hợp các em đi học chỉ là học cho qua môn, học cho gia đình… Các em vật vờ trên giảng đường và không định hướng được tương lai sẽ ra trường làm gì, yêu thích nghề gì, gắn bó với nghề gì. Việc đổi ngành trong quá trình học là có thể, tuy nhiên các em sẽ tốn nhiều thời gian, tiền bạc và đôi khi khiến thí sinh "lỡ nhịp" so với bạn bè đồng trang lứa”, Thạc sĩ Trần Thị Như Quỳnh chia sẻ.
Tiến sĩ Hồ Thanh Trí, Viện trưởng Viện Quốc tế, Trường Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh chỉ ra 5 sai lầm phổ biến khi học sinh chọn ngành, đó là chọn ngành theo trào lưu, chọn vì thấy ngành “hot”, chọn theo lời quảng bá trên mạng xã hội, chọn vì điểm thi phù hợp và chọn theo bạn bè hoặc áp lực từ gia đình.
“Nhiều em chạy theo các ngành được quảng bá rầm rộ mà không đánh giá được năng lực bản thân có phù hợp hay không. Khi bắt đầu học, nhiều em rơi vào trạng thái mất động lực, chán nản. Ngoài ra, việc chọn ngành chỉ dựa trên điểm thi hay theo số đông bạn bè cũng dễ khiến thí sinh mất động lực và cảm thấy lạc lõng khi theo học. Có em chỉ biết tên ngành, không biết ngành học gì, học ở đâu, ra trường làm gì”, ông Hồ Thanh Trí nói.
Nguyên tắc vàng khi chọn ngành, chọn trường
Theo Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, thí sinh nên đặt việc chọn ngành lên hàng đầu. Một ngành học phù hợp sẽ là nền tảng cho sự nghiệp. “Nguyên tắc vàng là chọn ngành trước, chọn trường sau”, ông Tuấn khẳng định.
Để giúp sinh viên định hình kỹ năng cần thiết, tăng cơ hội việc làm sau tốt nghiệp, thời gian gần đây các trường đại học đã tăng cường mở rộng kết nối doanh nghiệp.
"Để chọn ngành nghề phù hợp, thí sinh cần phải trả lời được câu hỏi: Bạn yêu thích lĩnh vực nào? bạn có thế mạnh môn học, kỹ năng nào liên quan đến ngành đó? ngành đó có triển vọng và phù hợp xu hướng phát triển tương lai không?. Cuối cùng, hãy cân nhắc tài chính và vị trí địa lý có phù hợp không. Sau khi xác định ngành học phù hợp, hãy liệt kê các trường đại học đào tạo để lựa chọn", Tiến sĩ Võ Văn Tuấn cho biết thêm.
Tương tự, Tiến sĩ Hồ Thanh Trí cũng đưa ra lời khuyên rằng nên chọn ngành phù hợp với bản thân, xu thế xã hội và một môi trường đào tạo phù hợp. “Trước khi chọn ngành nghề, các em phải xem thử mình thích cái gì, thích mới làm được. Nếu không thích mà gượng ép hoặc ai đó chọn thay sẽ thành sai lầm. Bên cạnh đó, nên nhìn nhận lại năng lực của bản thân, tham khảo điểm số các năm trước để đưa ra quyết định; đồng thời bản thân và gia đình cần cân nhắc về tài chính để chọn ngành, chọn nghề phù hợp”, Tiến sĩ Hồ Thanh Trí lưu ý.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Võ Văn Tuấn cũng đặc biệt lưu ý các thí sinh cần nắm rõ quy chế tuyển sinh năm nay với nhiều điểm mới. Theo đó, các trường đại học sẽ công bố tổng chỉ tiêu cho một ngành học cụ thể, thay vì chỉ tiêu riêng cho từng tổ hợp xét tuyển như trước đây. Điều này đồng nghĩa với việc, dù thí sinh xét tuyển bằng tổ hợp A00, A01 hay D07 vào cùng một ngành, tất cả sẽ cạnh tranh chung trên một "sân chơi" duy nhất, dựa trên điểm số đã được quy đổi về một thang điểm chung.
Khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm từ các phương thức xét tuyển sớm (như học bạ, đánh giá năng lực...) cũng sẽ được quy đổi về thang điểm chung này để xét tuyển bình đẳng cùng với điểm thi tốt nghiệp THPT. Trước những thay đổi quan trọng này, chiến lược đăng ký nguyện vọng của thí sinh cần được xây dựng một cách linh hoạt và khoa học hơn.
Các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, để không bị lúng túng việc định hướng ngành nghề cho học sinh cần được bắt đầu từ sớm, ngay khi học sinh bước vào cấp THPT. Các trường cần tăng cường hoạt động hướng nghiệp, giới thiệu ngành nghề thông qua thực tế, giúp học sinh hiểu rõ hơn về thị trường lao động. Bên cạnh đó, gia đình, thầy cô cũng cần đóng vai trò định hướng, gợi mở và tôn trọng sở thích, năng lực của các em.