Lời giải cho sự tụt hạng của học sinh Việt Nam tại Olympic quốc tế

Năm nay, thành tích của các đoàn học sinh nước ta tham gia kỳ thi Olympic quốc tế chỉ là hai huy chương vàng: một của Vật lý, một của Tin học. So với những năm trước, đây có thể xem như sự tụt hạng. Xu hướng này thể hiện ở tất cả các môn nhưng rõ nhất là môn Toán, Việt Nam đứng thứ 31/101 – vị trí “chưa từng có” trong lịch sử thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) của Việt Nam.

Tụt hạng

Trong bảng thống kê của Google về IMO cho thấy, Việt Nam từng giữ vị trí thứ 3 hai lần và liên tục là thuộc hàng “top 10”. Nhưng trong những năm trở lại đây, từ “top 20” Việt Nam đã rớt xuống vị trí “top 40”.

Nhìn ra các nước ở khu vực, trong một vài năm gần đây, cụ thể là năm 2011 Việt Nam giữ một vị trí khiêm nhường hơn rất nhiều so với trước kia. Ví dụ, Xinhgapo tham gia IMO lần đầu tiên vào năm 1988 và liên tục trong những năm qua tham gia xếp hạng ngoài top 10, 20, 30 nhưng năm nay nước này có thành tích vượt trội với 4 huy chương vàng và đứng thứ 3. Thái Lan tham gia IMO lần đầu năm 1989 và luôn giữ ở thứ hạng “top 20”. Nhưng trong những năm gần đây, Thái Lan đã giữ quanh mốc 5 – một phong độ hiếm thấy trong bảng so sánh những kỳ tham gia IMO của nước này.

Mục tiêu của học sinh thay đổi Trong một cuộc họp báo định kỳ của Bộ GD&ĐT năm 2010, giải thích về thành tích đi xuống của các đội tuyển thi Olympic quốc tế của Việt Nam, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc bỏ cơ chế tuyển thẳng vào đại học với học sinh thi Olympic khiến những em giỏi không mặn mà với kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia. Bên cạnh đó, những học sinh thực sự có năng lực ở các môn học đã không chọn con đường vào đội tuyển Olympic quốc tế, mà lựa chọn cách học để có thể dành được những suất học bổng để du học.

Ảnh: Đoàn Việt Nam tại Lễ khai mạc IMO lần thứ 52. (nguồn: internet)


Tại các diễn đàn học sinh chuyên, sự tụt dốc này được bàn luận khá sôi nổi. Trên diễn đàn của học sinh chuyên Vĩnh Phúc, nickname Kẹo lạc nêu thực tế: “Từ năm 2007, khi cải cách đề thi Học sinh giỏi quốc gia môn Toán từ thi hai ngày sang một ngày, kết quả của đội IMO liên tục xuống thấp… Bên cạnh đó là cách ra đề không phù hợp về thời gian của Bộ GD - ĐT so với đề thi Toán quốc tế (thời gian làm bài của cuộc thi trong nước chỉ bằng một nửa so với thi quốc tế. Việc chọn học sinh giỏi ở nước ta chỉ qua một bài thi, trong khi, các “cường quốc” về IMO như Iran, Mỹ, Trung Quốc… thi tận hai, ba vòng để chọn đội tuyển… Thi quốc tế trong 2 ngày, còn thi trong nước chỉ 1 ngày. Thứ ba, việc bỏ hẳn tuyển thẳng vào đại học đã khiến học sinh chuyên không toàn tâm toàn ý cho việc ôn luyện đội tuyển”.

Trao đổi với Tin Tức, GS-TSKH Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, đồng thời là Trưởng đoàn đội tuyển IMO cho biết: “Cách tuyển chọn học sinh vào đội tuyển Olympic quốc tế như hiện nay sẽ dẫn đến sự tụt hậu của đoàn Việt Nam. Điều này chúng tôi không bất ngờ. Trong khi các nước khác tuyển chọn học sinh rất bài bản. Cách mà các nước làm hiện nay như nước ta từng làm cách đây 20 năm, còn ta làm như hiện nay là như cách họ đã làm cách đây 20 năm”.

GS-TSKH Hà Huy Khoái cho rằng, sự tụt hạng thể hiện rõ nhất là trong năm nay. Còn một nguyên nhân khách quan là cấu trúc đề thi Toán kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm nay có thay đổi. Trong 18 năm gần đây, trong đề thi luôn có hai bài hình học nhưng năm nay, Hội đồng giám khảo đã thay hai bài hình học này bằng hai bài toán tổ hợp. Điều này khác với thói quen ôn luyện và học của học sinh Việt Nam. “Mặc dù chúng tôi nói rất nhiều với các trường cần phải dạy tổ hợp. Nhưng các thầy ở trường ta hầu như không dạy tổ hợp nên các em học rất yếu. Nhưng đây chỉ là lý do phụ để làm rõ hơn sự tụt hậu của Việt Nam thôi”, GS -TSKH Hà Huy Khoái chia sẻ.

Kinh nghiệm các nước

Sự vượt trội về thành tích của hai nước trong khu vực như Thái Lan và Xinhgapo phải kể đến nguyên nhân sự thay đổi của họ trong cách chọn học sinh vào đội tuyển. Cụ thể, các nước này đã chọn học sinh giỏi từ lớp 5, lớp 6 và đã tiếp xúc với các dạng bài kiểu như Olympic từ các trình độ thấp hơn. Việc làm này đã được ta thực hiện trước đây, trong khi bây giờ tuyển chọn học sinh giỏi chỉ còn ở cấp III. Ví dụ như ở Thái Lan, để có đội tuyển vào tháng 7 đi thi, họ đã tuyển chọn từ tháng 5 năm trước với khoảng 50 em. Các học sinh này trải qua rất nhiều vòng thi để chọn được 6 em vào đội tuyển quốc gia đi thi quốc tế. “Nhưng ở ta phải đến tháng 12 mới thi chọn học sinh giỏi toàn quốc. Về thời gian, thua họ phải ít nhất 8 tháng, vì vậy rất khó có thể đuổi kịp họ về việc lọc học sinh cũng như cách ôn luyện. Một nguyên nhân khác là việc chưa thể khuyến khích được những học sinh giỏi nhất tham gia đội tuyển Olympic và không nhiệt tình với phong trào ở học sinh giỏi. Các em có những con đường khác để chọn”, GS-TSKH Hà Huy Khoái cho hay.

Xu hướng tụt hậu không chỉ ở môn Toán mà còn ở cả những môn khác. Thầy Nguyễn Thế Khôi, cán bộ ĐH Sư phạm Hà Nội, Trưởng đoàn thi Olympic Vật lý quốc tế của Việt Nam nhận định, nên xem lại từ cách tổ chức và chính sách của Bộ GD&ĐT đối với những học sinh thi Olympic quốc tế thì mới phát huy thành tích mà nước ta đã từng có.

“Chúng tôi đã có những bản kiến nghị tới Bộ GD&ĐT nhiều lần và được biết, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ có một số thay đổi phù hợp để Việt Nam có một đội tuyển Olympic mạnh”, GS-TSKH Hà Huy Khoái hy vọng.

Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN