Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn, tính đến ngày 13/2, toàn ngành có 764 ca F0, trong đó 99 cán bộ, giáo viên và 665 học sinh, sinh viên. Tỷ lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên giáo dục được tiêm vaccine mũi 3 là 72,3%; học sinh được tiêm vaccine mũi 2 đạt 98,3%. Sau Tết Nguyên đán, nhiều đơn vị trường học đã tổ chức test nhanh COVID-19, qua đó đã phát hiện, sàng lọc được nhiều ca F0, đặc biệt là ở một số trường học trong khu vực dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn cho biết, sau Tết Nguyên đán, tỉnh triển khai dạy học trực tiếp. Để học sinh bắt nhịp với học tập, các cơ sở giáo dục đã thực hiện nhiều hoạt động tư vấn tâm lý, tăng cường hoạt động thể chất, củng cố kiến thức, phân nhóm học sinh… Ngoài ra, các trường tiếp tục bố trí 10% số tiết dạy theo hình thức trực tuyến đan xen trực tiếp để giáo viên, học sinh làm quen, sẵn sàng tâm lý chuyển sang chuyển hình thức học trực tiếp. Đến nay, tỷ lệ học sinh đến lớp sau Tết của tỉnh Lạng Sơn là 80,39%; trong đó khối giáo dục Mầm non là thấp nhất với 41,8%; khối Trung học Phổ thông đạt tỷ lệ cao nhất với 95,13%. Hiện Lạng Sơn còn 57 trường dạy học trực tuyến, trong đó có 51 trường kết hợp dạy cả trực tuyến và trực tiếp.
Để bảo đảm duy trì công tác dạy và học diễn ra an toàn, hiệu quả, thời gian tới, ngành Giáo dục Lạng Sơn chỉ đạo các cơ sở giáo dục tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, học sinh toàn ngành thực hiện tốt 5K gắn với việc thường xuyên vệ sinh trường lớp; tổ chức tập huấn, diễn tập các phương án, kịch bản phòng, chống dịch tại các nhà trường. Đồng thời, tăng cường các giải pháp, phương pháp trong dạy học trực tuyến phù hợp để đảm bảo hiệu quả.
Tại cuộc họp, đại diện chính quyền một số địa phương cùng các trường đã chia sẻ về khó khăn, vướng mắc, từ đó đưa ra những đề xuất, góp ý gỡ khó cho công tác dạy và học trong tình hình dịch bệnh thực tế hiện nay. Đơn cử như khó khăn về việc vận động học sinh tới lớp, nhất là bậc học Mầm non; phương tiện học trực tuyến không đảm bảo, đặc biệt là tại vùng nông thôn…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn Nguyễn Thị Hồng Vân đề xuất cần tăng cường tuyên truyền hơn nữa trên các phương tiện truyền thông đại chúng để phụ huynh an tâm đưa con em đến trường, đồng thời các đơn vị viễn thông nâng cao chất lượng mạng Internet để học sinh khi học trực tuyến đạt hiệu quả.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc Nguyễn Văn Thịnh, ngoài việc tích cực vận động, tranh thủ sự ủng hộ của các nhà hảo tâm để trang bị máy móc học tập cho học sinh vùng nông thôn, các đơn vị liên quan cũng khẩn trương trang bị, điều chuyển máy tính cho học sinh vùng khó khăn để các em có điều kiện học trực tuyến…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh thời gian tới tại Lạng Sơn vẫn diễn biến phức tạp, đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đầy đủ các văn bản của Trung ương, địa phương trong phòng, chống dịch nói chung và tại các trường học nói riêng; tăng cường rà soát việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch trong trường học, xây dựng kịch bản, phương án phòng, chống dịch ở bất kỳ tình huống xảy ra một cách chi tiết và bài bản. Đồng thời, các nhà trường tích cực tuyên truyền hơn đến học sinh, giáo viên, nhân viên, phụ huynh nâng cao ý thức, trách nhiệm, biện pháp phòng dịch; đảm bảo cơ sở vật chất, các trang bị phục vụ như khẩu trang, bình rửa tay sát khuẩn; tiếp tục xã hội hóa trong phòng, chống dịch…
Liên quan tới vấn đề tổ chức ăn bán trú cho học sinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các cơ sở trường học triển khai một cách phù hợp và linh hoạt với từng địa bàn, đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Cùng ngày, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và các đơn vị chức năng đã tiến hành kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại một số đơn vị trường học thành phố Lạng Sơn và huyện biên giới Cao Lộc.