Mùa thi THPT quốc gia 2016 hứa hẹn có nhiều thuận lợi. Ảnh: Phương Vy-TTXVN |
* Nhiều thuận lợi
Theo đánh giá của đại diện các trường chủ trì cụm thi, kỳ thi năm nay cơ bản không thay đổi nhiều so với năm trước, hơn nữa số cụm thi năm nay tăng lên, số lượng thí sinh tại các cụm giảm, do vậy các trường đều đáp ứng được các yêu cầu đề ra. Công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ thi năm nay được nhận định là sẽ thuận lợi hơn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm nay có 70 cụm thi do trường đại học chủ trì tổ chức tại các tỉnh và 50 cụm do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì. Có 14 tỉnh, thành chỉ có cụm thi do trường đại học chủ trì. Qua thống kê cho thấy số lượng thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm nay giảm, có nơi giảm 20% - 30% so với năm trước. Số lượng thí sinh ở các cụm thi do trường đại học chủ trì ít hơn năm 2015 do chỉ có thí sinh của địa phương.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, năm nay, mỗi tỉnh đều có ít nhất 1 cụm thi đại học, do vậy nhiều trường đại học phải di chuyển về các tỉnh để tổ chức thi. Mặc dù Bộ đã nghiên cứu giao nhiệm vụ đảm bảo các trường dịch chuyển đến địa phương gần nhất nhưng một số trường hợp phải đi khá xa, công tác tổ chức coi thi có thể sẽ phức tạp hơn trước kia do không thể điều động tất cả giảng viên của trường đến làm nhiệm vụ tại địa phương được giao chủ trì cụm thi. Các trường đại học được lựa chọn chủ trì cụm thi là những trường có nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức thi, có lực lượng cán bộ dồi dào để thực hiện các khâu tổ chức.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học chủ trì cụm thi chịu trách nhiệm về: Sao in đề thi, coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo, công bố kết quả thi, in giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh, bảo quản bài thi của thí sinh và các tài liệu liên quan của hội đồng thi, xử lý thắc mắc, khiếu nại của thí sinh. Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, các trường đại học chủ trì cụm thi phải phối hợp chặt chẽ với trường đại học, cao đẳng được giao nhiệm vụ phối hợp và Sở Giáo dục và Đào tạo tại địa phương để chuẩn bị cho cơ sở vật chất phục vụ coi thi, chấm thi, in sao đề thi; chuẩn bị lực lượng cán bộ coi thi, chấm thi.
Đối với công tác chấm thi, trường đại học chủ trì có nhiệm vụ thành lập Ban chấm thi, cử lãnh đạo trường làm lãnh đạo Ban chấm thi, điều động các giảng viên đủ năng lực và kinh nghiệm làm trưởng môn chấm thi. Cán bộ chấm thi là cán bộ của các bộ môn cơ bản của trường đại học, cao đẳng và giáo viên trung học phổ thông đáp ứng yêu cầu của Quy chế thi; số giáo viên chấm thi của Sở Giáo dục và Đào tạo không ít hơn 50% tổng số cán bộ chấm thi.
Trước ngày 20/5, các Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ chuyển toàn bộ dữ liệu đăng ký của thí sinh tham dự cụm thi đại học cho các trường đại học chủ trì cụm thi. Các trường đại học chủ trì cụm thi sử dụng hệ thống phần mềm do Bộ cung cấp để đánh số báo danh, xếp sắp phòng thi và hoàn thành giấy báo dự thi theo quy định trong phần mềm quản lý thi để các đơn vị đăng ký dự thi in giấy báo dự thi, ký tên, đóng dấu và trả cho thí sinh xong trước ngày 12/6. Các trường phải mở rộng băng thông đường truyền và nâng cấp hệ thống máy tính (nếu cần) phục vụ cho công tác công bố kết quả thi.
* Lo lắng về công tác chấm thi
Các trường cho rằng vấn đề quan tâm nhất là công tác chấm thi cũng như chất lượng giáo viên chấm thi, Bộ cần nghiên cứu giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng đội ngũ chấm thi đồng đều, tổ chức và kiểm soát chấm thi chặt chẽ đảm bảo sự công bằng cho các thí sinh. Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, không nên để giáo viên trung học phổ thông tại địa phương chấm thi cho thí sinh của địa phương mình, nên điều giáo viên ở các tỉnh khác chấm mới đảm bảo sự khách quan, công bằng, đảm bảo chất lượng điểm xét tuyển vào các trường.
Cùng quan điểm trên, đại diện các trường cho rằng để tránh tình trạng giáo viên chấm thi ưu ái cho thí sinh của địa phương mình, Bộ cần quy định rõ các trường không sử dụng giáo viên phổ thông ở địa phương để chấm thi cho cụm tại địa phương. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng nên tổ chức chấm chéo giữa các địa phương để đảm bảo sự công bằng cho các thí sinh.
Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ không quy định các trường đại học chủ trì cụm thi phải sử dụng giáo viên phổ thông tại địa phương chấm thi, vì vậy tùy tình hình thực tế các trường có thể mời giáo viên thuộc các địa phương khác đến chấm. Ý kiến các trường đưa ra Bộ ghi nhận và có cơ chế kiểm soát tốt việc chấm thi, đồng thời tiếp tục nghiên cứu và đưa ra phương án tốt nhất.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề cập đến vấn đề các trường cần thống nhất thời gian công bố điểm thi để tránh tình trạng một số cụm thi có số lượng thí sinh it, công bố điểm thi trước gây tâm lý lo lắng cho thí sinh khác. Về vấn đề này, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sau khi chấm điểm thi, các trường sẽ chuyển dữ liệu về Bộ rà soát, sau đó Bộ mới chuyển lại cho các trường công bố, như vậy sẽ không có nhiều chênh lệch về thời gian công bố điểm giữa các cụm thi.
* Công bố lịch thi THPT Quốc gia 2016
Sáng cùng ngày, tại hội nghị tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi và sử dụng hệ thống phần mềm quản lý thi Trung học phổ thông quốc gia, tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo về hướng dẫn tổ chức thi Trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông, hướng dẫn công tác tổ chức tuyển sinh đại học, cao đẳng 2016; công bố mẫu giấy đăng ký dự thi, hướng dẫn cho thí sinh làm hồ sơ và lịch thi Trung học phổ thông Quốc gia.
Theo đó, thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi bắt đầu từ ngày 1/4 đến ngày 30/4; ngày 30/6 các thí sinh sẽ tập trung đến địa điểm thi làm thủ tục dự thi, nhận thẻ dự thi và chỉnh sửa sai sót; thí sinh thi từ ngày 1/7 đến ngày 4/7, gồm 8 môn thi: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.
Các đơn vị hoàn thành chấm thi trước ngày 20/7; hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp trước 25/7; in và trả giấy chứng nhận kết quả thi trước 30/7.