Khó đạt được điểm 10 với đề tham khảo THPT quốc gia môn tiếng Anh

Các giáo viên dạy môn tiếng Anh đánh giá, đề tham khảo thi THPT quốc gia 2020 là "dễ thở" và có độ phân hoá cao. Với dạng đề này, điểm 10 sẽ là thách thức với học sinh.

Đề có tính phân loại cao

Cô Văn Thị Giang (trường THPT Hoàng Văn Thụ, Nha Trang, Khánh Hoà): “Nội dung đề nằm chủ yếu trong chương trình sách giáo khoa lớp 12. Độ khó của đề giảm hơn đề thi chính thức năm 2019. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn phù hợp với điều kiện dạy-học đặc biệt của năm nay, khi học kỳ 2 học sinh phải tự học ở nhà, học qua internet và truyền hình vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Dù giảm độ khó nhưng đề thi vẫn có sự phân hoá để đảm bảo mục tiêu làm căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng.

Chú thích ảnh
Tỷ lệ câu hỏi vận dụng và vận dụng cao trong phần từ vựng đề tiếng Anh giảm đi so với những năm trước. Ảnh minh hoạ: Thanh Tùng/TTXVN

Cô Giang phân tích, lượng kiến thức trong đề tham khảo đủ rộng để bao hàm toàn bộ chương trình sách giáo khoa của cả hệ 7 năm và hệ 10 năm. Nội dung kiến thức phù hơp với chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình học phổ thông. Số lượng câu hỏi, cấu trúc các phần của đề thi được giữ ổn định như các năm trước, tạo cảm giác quen thuộc, yên tâm cho thí sinh.  Sự điều chỉnh giảm độ khó của đề tham khảo thi THPT quốc gia 2020 môn tiếng Anh được thể hiện rõ nét ở phần ngữ pháp và từ vựng vần.

Theo đó, số lượng câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu được tăng lên; tỷ lệ câu hỏi vận dụng và vận dụng cao trong phần từ vựng giảm đi so với những năm trước.  

“Kiến thức ở phần ngữ pháp của đề tương đối cơ bản, học sinh trung bình có thể dễ dàng làm được khoảng 9 câu. Các câu dẫn, đa số là ngắn, nên các em không mất nhiều thời gian để đọc mà có nhiều hơn thời giờ để phân tích và chọn đáp án. Độ khó chỉ xuất hiện ở 2 câu từ vựng 17, 18”, cô Giang nói. 

Phần đồng nghĩa - trái nghĩa, một số câu tương đối dễ, học sinh trung bình - khá có thể dễ dàng làm được. Một số câu sử dụng từ xa lạ với đa số học sinh, nhưng những em học lực khá trở lên có thể dựa vào ngữ cảnh để đoán ra đáp án.  

Bài “Điền khuyết” dễ hơn mọi năm, khi sử dụng chủ đề quen thuộc với học sinh là du lịch sinh thái. Độ khó của từ vựng giảm, số câu về từ vựng được giảm bớt, câu hỏi về ngữ pháp tăng lên, số lượng câu ở mức độ vận dụng cũng ít đi.  

Bài "Đọc hiểu", phần 1 có độ dài cơ bản giống như đề thi năm 2019, chủ đề về tuổi vị thành niên khá phổ thông, từ vựng có độ khó vừa phải với học sinh THPT (bậc 3 VSTEP), do đó, thí sinh sẽ không gặp nhiều khó khăn khi làm bài này. Phần 2 trong bài “Đọc hiểu” này dù “nhẹ nhàng” hơn so với đề thi năm 2019 nhưng vẫn là thách thức lớn nhất đối với học sinh. Phần thi gồm một đoạn văn khá dài, độ khó của từ vựng thuộc bậc 4 VSTEP, nên thí sinh phải đọc kỹ, có vốn ngôn ngữ tốt, mới có thể hoàn thành được.  

Phần viết đoạn văn cũng tương đối nhẹ nhàng với các câu hỏi chủ yếu ở mức độ nhận biết và thông hiểu, chủ điểm ngữ pháp quen thuộc với học sinh. Tuy nhiên, câu hỏi xác định lỗi sai, nếu các em không có kỹ năng suy luận, loại trừ tốt, thì khó có thể đạt được điểm.

“Nhìn tổng thể, đề tham khảo thi THPT quốc gia 2020 môn tiếng Anh khá thân thiện với học sinh. Đề đảm bảo chính xác về nội dung dạy - học trong chương trình phổ thông, không có phần kiến thức nào rơi vào những nôi dung đã được tinh giản. Với đề này, học sinh trung bình có thể đạt được 4 - 5 điểm; học lực khá có thể đạt 5,5 - 6,5 điểm, các em học xuất sắc mới có thể đạt 9 điểm trở lên, nhưng để có 10 điểm là một thách thức mà không nhiều học sinh chiến thắng được” cô Văn Thị Giang cho biết. 

Giáo viên Phạm Thị Nương (trường THPT Nguyễn Trãi, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) cũng đánh giá, đề tham khảo môn tiếng Anh 2020 dễ hơn so với đề thi tham khảo và chính thức của 2 năm gần đây. Tuy nhiên, điều này là hợp lý, phù hợp với thực trạng học sinh cả nước năm nay phải nghỉ học ở trường kéo dài, khiến chất lượng kiến thức các em tiếp thu được không tốt so với học sinh các năm trước.  

Một ưu điểm của đề tham khảo tiếng Anh là kiểm tra được nhiều yếu tố cần thiết đối với người học ngoại ngữ. Cụ thể, đề kiểm tra được ngữ pháp của cả 3 lớp cấp THPT, trong đó chủ yếu ở lớp 12; kiểm tra được lượng từ vựng đáng kể, cả từ dễ và khó, đoán từ trong văn cảnh; kiểm tra được các kĩ năng đọc, viết, nói. Chất lượng các câu hỏi được đánh giá là tốt khi có nội dung rõ ràng, không có câu hỏi gây hiểu nhầm hoặc đánh đố, lượng từ vựng phong phú, đủ để học sinh hiểu, suy luận và làm bài. Các bài đọc và câu hỏi có tính thời sự và có tính giáo dục cao.  

“Đề thi vẫn có tính phân loại với một số câu hỏi khó buộc học sinh phải có kỹ năng tổng hợp kiến thức, tư duy phân tích... mới có thể làm được. Số lượng câu hỏi đủ khó để phân loại được chính xác học sinh giỏi là không nhiều. Do vậy, với đề tham khảo này, số lượng điểm trung bình có thể không quá vượt trội so với năm ngoái, nhưng điểm 8 - 9,5 có thể tăng cao; điểm 10 không dễ dàng đạt được”.

Đạt được số điểm mong muốn với bài thi chính thức, học sinh cần phải làm gì?

Theo cô Hoàng Xuân, giáo viên của trang Tuyensinh247.com, với dạng câu hỏi ngữ âm, học sinh cần chú ý ôn thật kỹ cách đọc đuôi -s/-es; cách phát âm của các nguyên âm đơn và nguyên âm đôi trong tiếng Anh và tập đọc những từ quen thuộc trong sách giáo khoa.

Với dạng câu hỏi trọng âm, học sinh cần học nguyên tắc trọng âm từ, đặc biệt là từ có 2 âm tiết và từ có 3 âm tiết. Lý tưởng nhất là gặp từ nào tra phát âm của từ đó, và tập đọc lên thật to đến khi nào nhớ cách đọc trọng âm từ thì thôi. 

Dạng câu hỏi ngữ pháp thì chú trọng ôn tập các chủ điểm ngữ pháp đã được đề cập đến ở phần đầu của bài này.

Ở câu hỏi từ vựng ở mức độ căn bản, học sinh nên chú trọng học những dạng sau: Sự kết hợp từ ở mức độ căn bản, ví dụ: sự kết hợp từ của “make”, “do”; Cụm động từ ở mức độ căn bản. Chú trọng học các cụm động từ xuất hiện trong sách giáo khoa (cả chương trình thí điểm và chương trình mới) rồi mở rộng thêm ra bên ngoài; Ôn kỹ các từ vựng trong chương trình sách giáo khoa 11-12 (cả chương trình thí điểm và chương trình cũ) để làm nền tảng từ vựng căn bản; Dạng động từ kết hợp với to-V và động từ kết hợp với V - ing; Sự kết hợp của giới từ với danh từ, tính từ, động từ;  Các cấu tạo từ (danh từ, tính từ, động từ, trạng từ) và vị trí, chức năng của các từ loại ở trong câu.

Với dạng câu hỏi từ vựng ở mức độ nâng cao thì học sinh phải học thêm các từ vựng ở ngoài chương trình sách giáo khoa. Có thể tìm học từ vựng trong các sách ôn tập chương trình FCE, CAE, TOEFL, IELTS. Để làm được những câu hỏi từ vựng ở mức độ nâng cao thì học sinh phải thực sự chịu khó học trong những cuốn sách viết cho trình độ cao.

Cô Hoàng Xuân cũng khuyên học sinh, ngoài việc phải rèn luyện kỹ năng đọc hiểu căn bản như skimming (đọc tìm ý chính), scanning (đọc lướt tìm thông tin chi tiết), thì học sinh cần học cách xử lý với từng dạng câu hỏi khác nhau trong bài đọc hiểu. Học sinh cần thực hành đọc nhiều để nâng cao kỹ năng, tư duy làm bài. Với những học sinh yếu, nên tìm những bài đọc hiểu dạng dễ, với ngôn ngữ ở trình độ dễ để thực hành đọc hiểu (tham khảo Reading Challenge 2); Học sinh khá thì có thể tìm các bài đọc hiểu trong các sách TOEFL (từ cấp độ Pre-inter trở lên) để học. 

LV ghi/ Báo Tin tức
Gợi ý đáp án các môn trắc nghiệm đề tham khảo thi THPT quốc gia 2020
Gợi ý đáp án các môn trắc nghiệm đề tham khảo thi THPT quốc gia 2020

Để giúp học sinh tự kiểm tra kiến thức khi làm các bài tham khảo thi THPT quốc gia 2020, báo Tin tức giới thiệu đáp án tham khảo các môn trắc nghiệm do các giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI thực hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN