Học sinh thích thú với tiết học chuyên đề Việt Nam học

Chiều 17/9, tại phòng truyền thống của trường THPT Nguyễn Du (quận 10), trên 100 học sinh thích thú và hào hứng với buổi nói chuyện về nghệ thuật truyền thống Việt Nam, nghệ thuật ca múa nhạc kịch.

Đây là nội dung đầu tiên của tiết học chuyên đề Việt Nam học được trường THPT Nguyễn Du đưa vào giảng dạy trong nhà trường từ năm học 2019 - 2020 cho học sinh khối lớp 10 và 11. Theo đó, vào thứ 3 và thứ 5 hằng tuần, học sinh lớp 10 và 11 sẽ học chuyên đề Việt Nam học vào buổi thứ 2 theo hình thức chuyên đề.

Chú thích ảnh
Học sinh chăm chú lắng nghe giáo viên kể câu chuyện "lời dặn của Bác Hồ trước lúc đi xa, muốn nghe những khúc hát dân ca".

Gần 3 tiếng đồng hồ, trên 100 học sinh của khối 10 được TS. Võ Sông Hương dẫn dắt đến những làn điệu dân ca từ Bắc tới Nam như hát xoan, hát quan họ, hát ru, các điệu lý câu hò… thông qua những câu chuyện và hình ảnh sinh động.  Qua mỗi một làn điệu dân ca, giáo viên còn cho học sinh biết những thể loại nhạc kịch nào đang là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn và di sản văn hóa phi vật thể nào đại diện của nhân loại... Mỗi lần như vậy, cả lớp học như vỡ òa vì thích thú.

Để học sinh hiểu rõ hơn về từng điệu nhạc trong dân ca, ngoài dùng những hình ảnh và âm thanh được trình chiếu trên màn hình, TS.Võ Sông Hương còn trực tiếp thể hiện bằng giọng ca ngọt ngào và nhận được tràng vỗ tay cổ vũ của học sinh, làm cho buổi nói chuyện chuyên đề về các nghệ thuật múa nhạc dân gian càng thêm sinh động hơn.

Lớp học cũng có lúc trầm đi khi các học sinh ngồi chăm chú lắng nghe câu chuyện về Bác Hồ trước lúc ra đi, mong muốn được nghe một khúc hát dân ca. Kết thúc buổi nói chuyện chuyên đề đầu tiên, TS Sông Hương khép lại bằng câu cuối của bài hát Lời dặn của Bác trước lúc đi xa: “Muốn yêu Tổ quốc mình, thì càng yêu thắm thiết những khúc hát dân ca”.

Bạn Nguyễn Minh Danh, học sinh lớp 10A2 chia sẻ: “Thỉnh thoảng em có nghe nhạc nhưng ít nghe nhạc dân ca, và có nghe em cũng không phân biệt được. Sau khi tham dự lớp chuyên đề này, em hiểu rõ hơn và phân biệt được dân ca các vùng miền. Đặc biệt, em còn hiểu hơn được giá trị văn hóa của dân tộc mà những làn điệu dân ca mang lại. Em rất tự hào vì trường mình có những buổi nói chuyện chuyên đề về văn hóa Việt Nam rất hay, được nghe những câu chuyện rất thú vị tại tiết học này. Em mong sẽ có nhiều buổi nói chuyên đề như thế này để tụi em có thể hiểu hơn về đất nước và yêu đất nước nhiều hơn”.

Còn bạn Nguyễn Lê Ngọc Hạnh cho hay: “Trước kia, khi đọc nhiều tài liệu và một vài tác phẩm văn học, em có cái nhìn tiêu cực về những người hát ả đào vì liên tưởng họ không đàng hoàng. Tuy nhiên, sau khi tham gia tiết học chuyên đề này, em có cái nhìn khác hơn và hiểu hơn về ý nghĩa những làn điệu dân ca của dân tộc. Tham gia tiết học chuyên đề này, em thấy điểm số không quan trọng mà quan trọng là mình hiểu sâu sắc hơn về văn hóa Việt Nam. Em nghĩ nên có nhiều tiết học như này hơn cho học sinh”.

Một giáo viên dạy ngữ văn của trường cũng cho biết, nói đến các làn điệu dân ca như ca trù, hát xoăn… giáo viên dạy văn học cũng không có nhiều thời gian và thông tin để giải thích hết cho học sinh hiểu. Bởi vậy, khi học sinh được tham gia những buổi học chuyên đề như thế này từ những nhà nghiên cứu, học sinh sẽ hiểu rõ hơn. 

Nói về ý tưởng đưa chuyên đề Việt Nam học vào giảng dạy trong nhà trường, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, cho biết, hiện những tác động của văn hóa ngoại lai và mạng xã hội khiến một bộ phận thanh niên, trong đó có học sinh có biểu hiện sống vội, sống ảo, quên đi những giá trị văn hóa truyền thống. Do đó, việc dạy văn hóa cho các học sinh rất cần thiết.

Thầy Huỳnh Thanh Phú cũng nhấn mạnh, các chuyên đề của chuyên đề Việt Nam học không chỉ giúp học sinh trang bị kiến thức, hiểu biết về văn hóa địa phương, phát triển toàn diện mà còn tạo cơ hội để chính thầy cô hoàn thiện bản thân. Ngoài ra, chuyên đề Việt Nam học còn muốn các em hành xử đúng về những truyền thống như thờ cha kính mẹ, tôn sư trọng đạo, hay những môn nghệ thuật như đờn ca tài tử, cải lương, dân ca… Đây là nhân tố giúp bảo tồn và phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà; giữ gìn thuần phong mỹ tục của ông cha mình.

Được biết, giáo trình giảng dạy bộ chuyên đề này được nhà trường xây dựng, gồm 2 phần: giáo dục văn hóa truyền thống và giáo dục văn hóa hiện đại, cung cấp những kiến thức nền về văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa TP Hồ Chí Minh nói riêng. Cụ thể, chuyên đề sẽ được triển khai 2 tiết/tuần. Bên cạnh những kiến thức khoa học, học sinh sẽ được trải nghiệm, khám phá về văn hóa trang phục, tín ngưỡng, lễ hội, giao tiếp ứng xử trong gia đình, nhà trường, xã hội… Theo đó, đội ngũ chuyên gia hàng đầu về văn hóa nghệ thuật là những Phó giáo sư, Tiến sĩ được Hiệu trưởng nhà trường mời về dạy chuyên đề cho học sinh THPT,  giúp các em có kiến thức nền về văn hóa tốt từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Những chi phí về chuyên đề, nhà trường cho biết đã vận động từ nguồn tài trợ của một trường đại học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Theo đó, các em học sinh không phải đóng học phí về chuyên đề này, đồng thời điểm số không đưa vào chương trình học nên học sinh không chịu áp lực từ chuyên đề này.

Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Khuyến khích trường đại học đăng ký kiểm định với các tổ chức quốc tế uy tín
Khuyến khích trường đại học đăng ký kiểm định với các tổ chức quốc tế uy tín

Luật Giáo dục đại học mới yêu cầu các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục phải độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và với cơ sở giáo dục đại học. Bộ GD&ĐT khuyến khích các cơ sở giáo dục đăng ký đánh giá, kiểm định với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế có uy tín.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN