Chật vật trông trẻ
Chị Thanh Nga (Khu đô thị mới Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Chỉ hai tháng nữa con tôi tròn 4 tuổi nhưng chưa một lần tới trường vì dịch bệnh. Tại khu chung cư tôi ở, có tới 60% hộ dân bị nhiễm COVID-19, trong đó có những trẻ em. Tuy nhiên, đa số là những phản ứng rất nhẹ, rồi khỏi. Thêm vào đó, dịch bệnh đã được kiểm soát, học sinh tiểu học đã tới trường tại sao đến nay bậc mầm non vẫn chưa được đến lớp?”.
Cũng theo chị Thanh Nga, gần 1 năm qua chị chật vật với việc trông con. Ban đầu làm việc online gia đình còn có thể trông con nhưng khi bình thường mới, chị rất vất vả mới tìm được giáo viên tới dạy cho con. Tuy nhiên, điều mà chị cảm thấy trăn trở nhất là lứa tuổi mầm non rất cần được tương tác để phát triển toàn diện.
Trường mầm non chưa mở đã gây ra những xáo trộn trong cuộc sống người dân, ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ nên xuất hiện nhiều lớp trông trẻ tự phát tại các khu chung cư, khu dân cư. Nhu cầu gửi con độ tuổi mầm non ngày càng cao khiến các trường mầm non lách luật để đáp ứng.
Nhà có con nhỏ đang tuổi học mầm non, do nghỉ dịch lâu nên chị Nguyễn Thị T. (Hoàng Mai, Hà Nội) muốn tìm cho con mình một chỗ học trong khi đợi các trường mở cửa. Tìm trong nhóm cư dân khu mình ở, chị T. thấy một giáo viên của trường mầm non quốc tế đăng tin tuyển sinh, theo người này, trường sẽ gom nhóm lớp 10 học sinh.
“Họ đưa ra mức phí giảm 50% so với trước, tổng học phí và tiền ăn mỗi tháng là gần 8 triệu đồng, có xe đưa đón miễn phí, sẽ có 1 cô giáo dạy và 1 người phụ giúp, nhưng với mức chi phí đó quá cao so với mong muốn nên tôi không thể cho con đi học”, chị T. cho biết.
Thực tế, việc nhiều trường mầm non “lách luật”, dạy trong mùa dịch không hiếm gặp. Chị H., một giáo viên mầm non trường bán công tại quận Hai Bà Trưng cho biết, nhà trường đứng ra nhận học sinh, sau đó, phân ra lớp theo khu vực và thuê địa điểm, mỗi lớp 10 học sinh và 2 cô giáo. Như vậy, việc hoạt động này chỉ mang tính chất là nhóm trẻ tự phát, không liên quan đến nhà trường.
Đến bao giờ trẻ mầm non được đi học?
Cô N.T.T (Chủ một hệ thống mầm non tư thục có tiếng tại Hà Nội) tâm sự: “Tôi không đợi được nữa rồi. Chắc phải mở chui theo hình thức phân nhóm để vừa duy trì được giáo viên, vừa đáp ứng nhu cầu phụ huynh”.
Cô T.T cho biết, nhiều trường cô biết đều đã phải mở chui. Bên ngoài cửa đóng, then cài, bên trong trông trẻ. Tuy nhiên, với quy mô trung bình 5-6 trẻ, còn lại phân về các nhà riêng của phụ huynh. Cô N.T.T cho biết, trường có 5 cơ sở thì phải đóng 2 cơ sở vì không chịu được phí thuê mặt bằng. Hà Nội đã có hàng trăm trường mầm non tư thục “chết yểu" vì dịch COVID-19.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, Hà Nội là địa phương duy nhất trên cả nước chưa cho trẻ mầm non trở lại trường. Ngay khi Hà Nội có quyết định cho học sinh tiểu học trở lại trường, nhiều hiệu trưởng trường mầm non mong chờ quyết định của Thành phố.
Trước phản ứng của dư luận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng, sau gần 1 năm các cơ sở giáo dục mầm non dừng hoạt động nên rất cần có thời gian rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất, khu vui chơi để đảm bảo an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, các trường cũng phải lau dọn, vệ sinh đảm bảo các phương án phòng dịch để dạy học trực tiếp bền vững.
Do đó, ngay sau khi học sinh khối 1-6 đi học trở lại, Sở sẽ cho lấy ý kiến phụ huynh, làm căn cứ để có phương án đề xuất UBND TP cho trẻ mầm non đi học trở lại. Khi nắm được nguyện vọng, mong muốn của phụ huynh, Hà Nội sẽ tính phương án mở cửa trường học, ngay sau đó cho trẻ tới trường.