Gỡ mối lo mùa tựu trường

Đầu năm học mới, những vấn đề như các khoản đóng góp đầu năm, đồng phục, lựa chọn sách học cho con hay để con trẻ đến trường được an toàn khi có dịch bệnh... luôn là nỗi lo khôn nguôi của mỗi bậc cha mẹ. Song song với việc thực hiện theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT), nhiều trường học đã có những giải pháp phù hợp, tháo gỡ những khó khăn của trường mình và cả những băn khoăn của phụ huynh học sinh.

Hợp lý, minh bạch các khoản thu

Chuẩn bị đón năm học mới, Sở GD – ĐT Hà Nội ban hành Công văn số 7.666 quy định về các khoản thu trong nhà trường. Theo đó, có các khoản thu theo quy định, thu hộ và thu theo thỏa thuận. Sở GD – ĐT yêu cầu các trường không thu gộp các khoản thu này ngay từ đầu năm học nhằm giảm áp lực cho phụ huynh. Phụ huynh có quyền từ chối những khoản đóng góp do Ban đại diện cha mẹ học sinh đưa ra nếu không đảm bảo nguyên tắc tự nguyện và không đúng nội dung chi như thỏa thuận.

Ngày học sinh tựu trường trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Ảnh: LP


Trong số các khoản thu, thì khoản thu thỏa thuận được nhiều phụ huynh gọi là “khoản nhạy cảm”. Đây cũng là nỗi lo chung của rất nhiều trường.

Chia sẻ kinh nghiệm thu chi của trường Việt Nam – Cuba trong những năm qua, bà Hoàng Lan Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm học, nhà trường sẽ thông báo và yêu cầu phụ huynh nộp những khoản theo quy định. Còn những khoản thu khác như thu hộ về Bảo hiểm y tế - khoản thu bắt buộc – có thể lùi sang những tháng sau mới thu. Năm ngoái, khoản này gần 200.000 đồng/học sinh. Khoản thu bảo hiểm thân thể, học sinh có thể không tham gia. Với khoản thu thỏa thuận: Tiền ăn, bán trú, quỹ phụ huynh..., trường yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm, Hội cha mẹ học sinh phải lên dự toán nhằm đảm bảo thu đủ chi. Điều tiên quyết là cần phải hợp lý và minh bạch.

Bà Lan Hương cho biết, vừa qua có một số phụ huynh đề xuất lớp nên lắp “Bảng tương tác” thay cho máy chiếu Projector và máy chiếu vật thể. Sau khi tìm hiểu, trường đã giải thích với phụ huynh rằng, tính năng sử dụng của các thiết bị này ngang nhau, nhưng “Bảng tương tác” lại đắt gấp hai, thậm chí gấp ba lần so với máy chiếu. Vì vậy việc thay đổi là không cần thiết. Trường muốn đầu tư trang thiết bị tốt để việc học tập của học sinh đạt hiệu quả tốt nhưng phải trên quan điểm tiết kiệm, hợp lý và minh bạch. Thêm vào đó, không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện về kinh tế nên tiết kiệm được hạng mục nào là đã giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh.

Ông Trương Kim Minh, Giám đốc Sở GD – ĐT Lào Cai: Cả tỉnh chung tay với giáo dục Là địa phương miền núi, có số lượng lớn học sinh có hoàn cảnh khó khăn, để huy động học sinh tới trường, không chỉ riêng ngành giáo dục cố gắng mà cả tỉnh luôn chăm lo tới việc đủ ăn, đủ mặc, đủ sách cho các em. Bên cạnh sự ủng hộ từ NXB Giáo dục và sáng kiến của ngành về việc sử dụng sách giáo khoa cũ, mượn sách ở Tủ sách dùng chung, ngành GD – ĐT Lào Cai còn nhận được sự trợ giúp từ Tổ chức cứu trợ trẻ em về đồ dùng học tập, sách giáo khoa, quần áo... Học sinh Lào Cai tựu trường vào ngày 15/8. Vùng khó khăn bao giờ cũng có tháng học dự trữ, phòng thời tiết khắc nghiệt, bất thường như rét đậm, rét hại, sạt lở đất vào mùa mưa... khiến học sinh phải nghỉ học.

Bốn năm qua, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và học tập, trường Việt Nam – Cuba cùng phụ huynh đã trang bị ti vi, đầu đĩa và điều hòa nhiệt độ cho tất cả các phòng học; 50% phòng học được trang bị máy chiếu projector và máy chiếu vật thể. “Ban giám hiệu giám sát hoàn toàn việc mua sắm trang thiết bị của mỗi lớp, đặc biệt là giám sát về chất lượng. Quan trọng nhất là không để phụ huynh phải đóng góp một cách ép buộc. Chỉ cần một ý kiến không đồng thuận là chúng tôi chưa thực hiện” – bà Lan Hương cho hay.

Cùng chung quan điểm này, bà Lý Thị Lương, Hiệu trưởng trường THCS Ngô Sĩ Liên chia sẻ, bất kỳ một hoạt động nào cần có sự chia sẻ về kinh tế của phụ huynh với trường đều cần phải công khai. Đầu tiên là việc giải thích về việc ứng dụng các thiết bị cần thiết để phục vụ học sinh. Những gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ được giảm hoặc miễn. Mức đóng góp với mỗi khối học khác nhau, vì học sinh lớp 6 sử dụng thiết bị cho bốn năm học, còn lớp 9 chỉ một năm học. Trường phải lên dự toán và đề xuất một mức thu chi hợp lý để tất cả phụ huynh đều có thể tham gia.

Tại một số trường, việc may đồng phục học sinh, hay mua sách giáo khoa, vở viết... cũng đều trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh; hoặc trường có hướng dẫn, phụ huynh tự mua để tránh những thắc mắc không đáng có.

Trường chỉ đáp ứng số đông

Việc mua đồng phục học sinh cho con đi học cũng là một băn khoăn của các bậc cha mẹ. Trung bình mỗi học sinh có 2 bộ đồng phục. Giá của mỗi bộ đồng phục trung bình từ 100.000 - 250.000 đồng (tùy theo từng lớp học). Tại Hà Nội, nhà trường có mẫu đồng phục, phụ huynh có hai lựa chọn: Một là, mua đồng phục tại trường, hai là lấy mẫu đó đi may theo ý muốn về loại vải.

Bà Lan Hương, trường Tiểu học Việt Nam – Cuba cho biết, việc lựa chọn vải may đồng phục nhà trường cũng phải tính toán đến số lượng đại trà. Phải cân đối về giá thành để tất cả phụ huynh có thể chấp nhận được. Nhà trường chọn loại vải phin, may mỗi bộ đồng phục có giá trung bình từ 100.000 – 110.000 đồng. Nếu phụ huynh nào có nhu cầu khác thì tự đi may theo mẫu nhà trường, chứ không thể chạy theo “mốt” vải được.

Lê Vân

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Giảm tải nội dung dạy học theo 5 tiêu chí chính

Năm học mới 2011 - 2012 sắp bắt đầu. Để việc học tập không trở thành gánh nặng đè lên con trẻ, để mỗi ngày đến trường thực sự “là một ngày vui”, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) chủ trương sẽ giảm tải mạnh mẽ nội dung dạy học trong sách giáo khoa (SGK).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN