Giáo viên quyết định sự thành bại của chiến lược giáo dục

Nhiều địa phương, cơ sở giáo dục đồng tình muốn thực hiện thành công Chiến lược phát triển giáo dục 2011- 2020 thì trước nhất, Chính phủ, ngành giáo dục và đào tạo cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.


Chất lượng giáo viên chưa đáp ứng


Tại Hội nghị trực tuyến, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Chiến lược phát triển giáo dục được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu từ 2011- 2015, ngành giáo dục tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ; chủ trì, phối hợp với các bộ ngành để thực hiện đổi mới quản lý giáo dục. Thực hiện giao quyền tự chủ cho các trường đại học, hoàn thiện Đề án xây dựng chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015; triển khai thực hiện Luật Giáo dục Đại học. Củng cố, hoàn thiện hệ thống đào tạo giáo viên, hình thành đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ sức thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015… Giai đoạn hai từ 2016 - 2020, Bộ sẽ tập trung củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục; triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, tiếp tục đổi mới giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.


Nhiều cán bộ quản lý giáo dục ở địa phương cũng như các cơ sở giáo dục cho rằng, để thực hiện chiến lược này việc đầu tiên là phải cải tiến chất lượng đội ngũ nhà giáo. Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Hà Nội chia sẻ, hiện nay năng lực nghề nghiệp của một bộ phận nhà giáo còn chưa đáp ứng được tình hình chung. Chế độ chính sách đối với nhà giáo chưa tạo được động lực để phấn đấu. Do vậy, việc quan tâm đầu tiên của ngành sẽ là đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.


Ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở GD - ĐT Điện Biên cho biết, hiện nay việc luân chuyển giáo viên từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn đáp ứng phần nào chất lượng giáo dục vùng khó. Tuy nhiên, do những điều kiện hiện nay, ngành chưa có sự quan tâm đúng mức để họ yên tâm làm việc như, đặc biệt là không có kinh phí luân chuyển, cũng như điều kiện nhà công vụ cho giáo viên chưa đảm bảo. Hiện nay hệ thống nhà công vụ cho giáo viên mới chỉ đáp ứng được trên 40%.


Đào tạo sư phạm trong nhà trường cũng phải gắn chặt với những đổi mới giáo dục. Ông Trần Trọng Đắc, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Hòa Bình cho rằng, đến tháng 10/2013 nếu đề án Đổi mới chương trình SGK được phê duyệt thì rất cần đội ngũ giáo viên phù hợp. Vì vậy, Bộ cần sớm ban hành chương trình bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng chương trình này. Thậm chí ngay ở những trường đào tạo sư phạm, sinh viên cần được tiếp cận ngay với chương trình mới để tránh việc phải đào tạo lại.


5 năm tới sẽ giải quyết được vấn đề giáo viên


Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, vấn đề đào tạo đội ngũ giáo viên và luân chuyển giáo viên, Bộ đã có báo cáo với Chính phủ. Hiện nay khi giáo viên được điều động về sở, phòng giáo dục làm việc thì chỉ được hưởng phụ cấp công chức, phụ cấp này có số tiền nhỏ hơn phụ cấp giáo viên. Vì vậy trước mắt Bộ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho bảo lưu phụ cấp thâm niên đối với cán bộ quản lý giáo dục trong vòng 3 năm. Giai đoạn này Chính phủ sẽ chỉ đạo cải cách tiền lương mới. “Việc luân chuyển giáo viên thực tế không triển khai được. Giáo viên ở vùng khó có thâm niên có mức phụ cấp thấp hơn những người mới ra trường. Chúng tôi cũng đang có đề nghị về phụ cấp khác”.


Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận tình trạng hiện nay không chỉ những vùng khó mà vùng đồng bằng vẫn còn nhiều phòng học tạm, thiếu thốn trang thiết bị dạy – học. Thời gian tới sẽ tiếp tục cân đối nguồn lực để phấn đấu kiên cố hóa trường học. Tại những nơi có thể xây dựng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa có thể làm trước. Có thể 5 năm tới mới thực hiện được việc kiên cố hóa trường lớp học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên. Bậc học ưu tiên đầu tiên là phổ cập mầm non 5 tuổi. Bộ đang có chương trình với hai trường ĐH sư phạm trọng điểm trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Sẽ rà soát lại các cơ sở đào tạo giáo viên, có đầu tư về tài chính, về xây dựng căn bản nội dung phương pháp giảng dạy, bổ sung đội ngũ mới..., trước hết là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Xây dựng chương trình sách giáo khoa mới để triển khai sau 2015.


Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, để phát triển nguồn nhân lực đạt hiệu quả, ngành Giáo dục cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục phải quen dần với áp lực cạnh tranh để đổi mới chất lượng giáo dục. Từng cán bộ, giáo viên phải đáp ứng được yêu cầu đổi mới về giáo dục trong xu thế thay đổi của đất nước và hội nhập với thế giới. Muốn đạt được mục tiêu này, các cơ sở giáo dục cấp dưới có thể đánh giá chất lượng hoạt động của có sở giáo dục cấp trên. Trong quá trình giảng dạy, trình độ của giáo viên phải được học sinh, sinh viên đánh giá theo phương thức bình chọn, nhận xét.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao thì phải có người thầy giỏi. Đây cũng là yếu tố khiến Bộ GD - ĐT cần xem lại việc kêu gọi học sinh, sinh viên giỏi thi tuyển vào ngành Sư phạm và có cơ chế thu hút sinh viên giỏi tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ gắn bó với ngành Sư phạm. Trong chính sách đãi ngộ cán bộ quản lý, giáo viên không được cào bằng, bình quân mà phải đưa ra hình thức thưởng-phạt rõ ràng, trả lương phù hợp theo năng lực, sự cống hiến của người thầy cho ngành giáo dục.


Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN